Hướng đến đô thị sinh thái

.

Cách đây 20 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường được  thành lập theo Quyết định số 114/2003/QĐ-UB ngày 15-7-2003 của UBND thành phố Đà Nẵng trên nền tảng Sở Địa chính và Nhà đất cũ, tiếp nhận thêm các bộ phận quản lý môi trường, địa chất, khoáng sản từ các sở khác chuyển về và bổ sung thêm các lĩnh vực mới như: giải phóng mặt bằng, phát triển quỹ đất, quản lý biển và hải đảo, đa dạng sinh học, biến đổi khí hậu, chất thải rắn... Qua 20 năm, Sở Tài nguyên và Môi trường đã có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng, phát triển; đồng thời song hành cùng địa phương xây dựng thành phố môi trường, hướng đến đô thị sinh thái.

Một đóng góp nổi bật về lĩnh vực quản lý Nhà nước của Sở Tài nguyên và Môi trường trong quá trình xây dựng và phát triển thành phố 20 năm qua là nguồn thu tiền sử dụng đất (các khoản thu về nhà, đất) chiếm tỷ trọng hơn 30% tổng thu cân đối ngân sách Nhà nước trên địa bàn thành phố vào các năm 2003, 2004 và 2007, trong đó, cao nhất là năm 2004 với tỷ trọng hơn 41% và hiện nay chiếm từ 15-20%.

Đây là nguồn lực lớn để thành phố đầu tư phát triển hạ tầng đô thị, xã hội và đang là nguồn vốn đầu tư công quan trọng để xây dựng các công trình động lực, trọng điểm nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. GS. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường từng đánh giá: “Đà Nẵng đã khai thác giá trị đất đai để chuyển thành giá trị tài chính nhằm xây dựng một đô thị hiện đại, phát triển mạnh về du lịch”.

Thành phố Đà Nẵng phát triển mạnh về du lịch và thu hút nhiều nhà đầu tư, nhiều khách du lịch, được ngợi khen là “thành phố đáng sống”. Trong thành quả này có đóng góp không nhỏ từ công tác bảo vệ môi trường, bảo tồn đa dạng sinh học, quản lý biển và hải đảo..., đặc biệt là trong 15 năm cả thành phố và nhiều tổ chức, đơn vị trong, ngoài nước cùng thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường” (từ năm 2008 đến nay).

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Võ Tuấn Nhân nhìn nhận: “Đà Nẵng đang hướng đến mục tiêu trở thành thành phố môi trường một cách hoàn hảo và còn đặt ra mục tiêu trở thành đô thị sinh thái. Mục tiêu này phù hợp với xu thế hội nhập quốc tế, phát triển kinh tế số và kinh tế tuần hoàn, xây dựng nền kinh tế xanh, thân thiện môi trường...”.

Theo Sở Tài nguyên và Môi trường, 20 năm qua, ngành đã góp phần nâng cao giá trị đóng góp cho ngân sách, tạo nội lực phát triển kinh tế - xã hội, mở rộng không gian đô thị, đưa tài nguyên trở thành một nguồn lực kinh tế quan trọng của thành phố. Trong quản lý môi trường, biển và hải đảo, tài nguyên nước, ứng phó biến đổi khí hậu, tư duy quản lý đã chuyển đổi từ tiếp cận bị động ứng phó - khắc phục sang chủ động phòng ngừa - kiểm soát.

Ngành luôn tiên phong, mạnh dạn đề ra từ rất sớm các mục tiêu gìn giữ chất lượng môi trường, tham mưu thành phố các giải pháp quản lý gắn với phát triển kinh tế - xã hội; quản lý tài nguyên, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu đã được tích hợp trong các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển, các chương trình dự án. Bằng cách làm này, mô hình kiến thiết đô thị phát triển bền vững, hướng tới đô thị sinh thái đã được lãnh đạo thành phố rất quan tâm, thúc đẩy, làm tiền đề cho hàng loạt chính sách phát triển thành phố hiện tại và tương lai.

Chia sẻ thêm về định hướng xây dựng, phát triển của ngành tài nguyên và môi trường trong thời gian đến, nhất là những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu từ nay đến hết nhiệm kỳ 2020-2025 của Đại hội Đảng bộ Sở Tài nguyên và Môi trường lần thứ 8, Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Phạm Nam Sơn cho biết, ngành sẽ bám sát định hướng chung và những đột phá về kinh tế - xã hội theo hướng phát triển bền vững.

Trong đó, ngành bám sát các nhiệm vụ và giải pháp lớn của Thành ủy, HĐND, UBND thành phố; Nghị quyết số 43-NQ/TW ngày 24-1-2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; những cơ chế chính sách ưu đãi đặc thù của Chính phủ đối với thành phố... để vận dụng vào việc thực hiện nhiệm vụ của ngành.

Cụ thể, công tác quản lý đất đai phải chặt chẽ, bảo đảm đầy đủ hệ thống cơ sở cơ dữ liệu được xây dựng và hoàn thiện; đẩy nhanh đấu giá đất, phát triển quỹ đất để tạo nguồn thu cho thành phố, đưa đất vào sử dụng có hiệu quả; tập trung tham mưu triển khai các giải pháp thực hiện đề án tháo gỡ khó khăn về đất đai sau khi được Chính phủ phê duyệt; xử lý dứt điểm các kết luận thanh tra, kiểm toán và phối hợp với các cơ quan liên quan, tháo gỡ khó khăn các dự án trên địa bàn thành phố. Ngành cũng chủ động thực hiện các giải pháp để kiểm soát môi trường chặt chẽ; giám sát chất lượng môi trường xung quanh, các nguồn xả thải...

Đồng thời, tiếp tục quản lý tài nguyên nước nước mặt, nước dưới đất và chủ động tham mưu thực hiện kế hoạch ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn mùa khô, phương án hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn thành phố. Cùng với đó, lập phương án khai thác, sử dụng, bảo vệ tài nguyên khoáng sản và quản lý chặt chẽ công tác cấp phép khai thác, phục hồi môi trường đạt yêu cầu đối với các dự án đóng cửa mỏ; giám sát và chủ động tham mưu điều tiết nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, san lấp cho các  dự án trọng điểm, động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội...

THƯ ĐĂNG

;
;
.
.
.
.
.