Trong tháng 7, Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ nắng nóng tập trung trong khoảng thời kỳ 10-15 ngày đầu tháng và có thể kéo dài hơn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Mùa hè năm nay được dự báo nắng nóng, nhiệt độ cao hơn so với trung bình nhiều năm. Ảnh: TTXVN. |
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, nhiệt độ trung bình tháng 7 tại các khu vực trên phạm vi toàn quốc phổ biến ở mức cao hơn so với trung bình nhiều năm khoảng 0,5 độ C; riêng tại khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ cao hơn từ 0,5-1,0 độ C, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Trong tháng 7, tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ và Trung Bộ có khả năng xuất hiện nhiều ngày nắng nóng hơn so với trung bình nhiều năm. Tại khu vực Trung du và đồng bằng Bắc Bộ, nắng nóng tập trung trong khoảng t10-15 ngày đầu tháng và có thể kéo dài hơn ở khu vực Bắc và Trung Trung Bộ.
Về lượng mưa, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ phổ biến ở mức thấp hơn so với trung bình nhiều năm từ 5-15%, riêng một số nơi vùng núi phía Bắc ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm; khu vực Trung và Nam Trung Bộ ở mức xấp xỉ với trung bình nhiều năm; khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ phổ biến cao hơn từ 5-10%, có nơi cao hơn so với trung bình nhiều năm cùng thời kỳ.
Các chuyên gia khí tượng cũng cảnh báo thời tiết nguy hiểm trong tháng 7, bão và áp thấp nhiệt đới có khả năng xuất hiện từ 1-2 cơn trên khu vực Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ
Gió mùa Tây Nam ở phía Nam nhiều khả năng gây ra nhiều ngày có mưa rào và dông ở khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ, cục bộ có ngày xuất hiện mưa dông mạnh kèm mưa lớn, mưa tập trùng nhiều vào thời điểm chiều tối.
Trên phạm vi cả nước tiếp tục đề phòng các hiện tượng dông, lốc, sét, mưa đá (tập trung nhiều hơn ở Bắc Bộ, Tây Nguyên và Nam Bộ).
Do tác động của nắng nóng, tập trung nhiều ở khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ, đề phòng nguy cơ xảy ra cháy nổ ở khu vực dân cư, khu vực sản xuất do nhu cầu sử dụng điện tăng cao và nguy cơ cao xảy ra cháy rừng, đặc biệt ở khu vực Miền Trung. Ngoài ra, trên phạm vi toàn quốc tiếp tục xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như dông, lốc, sét, mưa đá có thể ảnh hưởng lớn đến sản xuất và các hoạt động dân sinh.
Mùa hè năm nay được dự báo là một mùa hè gay gắt, với nắng nóng trên diện rộng và nhiệt độ cao hơn trung bình nhiều năm. Theo ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn quốc gia, dự báo nắng nóng sẽ diễn ra từ tháng 5 đến nửa đầu tháng 8 ở miền Bắc và từ tháng 5 đến hết tháng 8 ở miền Trung. Thời gian nắng nóng gay gắt nhất ở miền Bắc là từ tháng 6 đến tháng 7, ở miền Trung từ tháng 6 đến đầu tháng 8.
Đáng chú ý, nắng nóng năm nay gay gắt hơn các đợt nắng nóng kéo dài hơn năm 2022. Thậm chí, các đợt nắng nóng có thể kéo dài lên 7 ngày, riêng miền Trung có thể có đợt nắng nóng kéo dài trên 7 ngày.
Phó giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia Hoàng Phúc Lâm lý giải việc mùa hè đến sớm hơn mọi năm là do trạng thái đại dương - khí quyển (ENSO) đang chuyển sang pha trung tính, các hoạt động của áp thấp nóng phía tây sớm hơn mọi năm.
Ông Lâm cảnh báo, nắng nóng khiến nhu cầu sử dụng điện của người dân tăng cao nên có nhiều nguy cơ xảy ra cháy nổ và hỏa hoạn ở khu vực dân cư; nguy cơ cao cháy rừng ở các khu vực có khô hạn và nắng nóng kéo dài.
Ngoài ra, nắng nóng còn kèm theo tia cực tím cao, nguy hiểm cho cơ thể, gây ra tình trạng ung thư da, mất nước, kiệt sức, đột quỵ do sốc nhiệt đối với cơ thể người khi tiếp xúc lâu với nền nhiệt độ và tia UV cao. Do vậy, người dân cần hạn chế tham gia giao thông, lao động ngoài trời vào thời điểm từ 11 - 16 giờ hàng ngày, đồng thời cần bổ sung đủ nước uống và chế độ dinh dưỡng hợp lý để tăng cường sức đề kháng cho cơ thể.
Về bão và áp thấp nhiệt đới, ông Lâm dự đoán số lượng xuất hiện trên Biển Đông và ảnh hưởng đến nước ta có khả năng thấp hơn so với trung bình nhiều năm (trung bình nhiều năm có khoảng 12 - 13 cơn bão và áp thấp nhiệt đới trên Biển Đông, trong đó 5 - 6 cơn ảnh hưởng đến đất liền. Ngoài ra, trong các tháng mùa mưa bão, tại khu vực miền Bắc, lượng mưa có xu hướng thấp hơn đến xấp xỉ trung bình nhiều năm.
Tại khu vực miền Trung, lượng mưa có xu hướng xấp xỉ đến cao hơn so với trung bình trong giai đoạn tháng 7 đến tháng 9. Tuy nhiên, từ tháng 10 đến tháng 12 (thời điểm chính của mùa mưa tại miền Trung), lượng mưa lại có xu hướng thiếu hụt so với trung bình tại khu vực này, có thể gây ra hạn hán.
Theo Báo Tin tức