Phát huy truyền thống lính thợ anh hùng

.

Trạm sửa chữa tổng hợp thuộc Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố luôn phát huy truyền thống đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, khắc phục mọi khó khăn, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Những người lính thợ của Trạm sửa chữa tổng hợp tiến hành bảo quản, bảo dưỡng súng bộ binh cho các đơn vị.  Ảnh: A.Đ
Những người lính thợ của Trạm sửa chữa tổng hợp tiến hành bảo quản, bảo dưỡng súng bộ binh cho các đơn vị. Ảnh: A.Đ

Trạm sửa chữa tổng hợp thuộc Phòng Kỹ thuật, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố là đơn vị xuất thân từ Xưởng quân giới X74 trong những năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước, là “Công binh xưởng” đầu tiên của tỉnh Quảng Đà năm 1961. Ngay từ thời đó, xưởng đã sản xuất được các loại vũ khí như: lựu đạn vỏ gang, lựu đạn thép, lựu đạn hóa học, thủ pháo, mìn các loại... phục vụ cho lực lượng vũ trang Quảng Đà chiến đấu tiêu diệt địch.

Trạm sửa chữa tổng hợp có nhiệm vụ thực hiện bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa vũ khí trang bị theo phân cấp, phát huy sáng kiến cải tiến, ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sửa chữa, bảo dưỡng trang bị, sản xuất vật tư, quản lý vật chất, từng bước kiện toàn và đổi mới công nghệ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.

Những năm qua, Trạm sửa chữa tổng hợp đã tổ chức kiểm tra, bảo dưỡng kỹ thuật 60.000 lượt khẩu súng pháo các loại; tham gia thu gom, vận chuyển, xử lý 28,2 tấn vật liệu nổ sau chiến tranh do các địa phương, đơn vị bàn giao; bảo dưỡng sửa chữa nhỏ gần 5.000 lượt ô-tô, ca nô, xuồng máy làm nhiệm vụ phòng, chống lụt bão, tìm kiếm cứu nạn.

Đồng thời cơ động bảo đảm kỹ thuật bắn đạn thật các đơn vị 1.400 lượt trong diễn tập, hội thi, hội thao các cấp trong lực lượng vũ trang thành phố. Ngoài ra, trạm còn tham gia sản xuất lựu đạn LĐ90; phối hợp sơn sửa, đồng bộ xe tăng - thiết giáp của Tiểu đoàn 699, gia công làm mới gần 2.000 mô hình học cụ huấn luyện; sửa chữa vật chất doanh trại như giường sắt, tủ sắt cho các đơn vị.

Thiếu tá chuyên nghiệp Nguyễn Xuân Hòa, Phó trạm trưởng cho biết: “Với tinh thần “Yêu xe như con, quý xăng như máu”, mỗi chiếc ô-tô, xe máy hay trang bị kỹ thuật được đưa đến sửa chữa tại trạm đều được đơn vị quản lý, bảo dưỡng kỹ càng, cẩn thận. Mỗi cán bộ, nhân viên đều nỗ lực rèn luyện để thành thạo tay nghề gò, hàn, rèn, mộc, nắm vững kiến thức, nâng cao năng lực chuyên môn, sẵn sàng hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ”.

Từ sự cần cù, khéo léo tài hoa của những người lính thợ, kết quả sau bảo dưỡng, sửa chữa, có 100% phương tiện, trang bị đưa vào sử dụng đều đảm bảo tình trạng kỹ thuật tốt, hoạt động an toàn. Gắn phong trào thi đua thực hiện cuộc vận động “Quản lý khai thác vũ khí trang bị kỹ thuật tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông” với phong trào phát huy sáng kiến cải tiến, đơn vị đã có nhiều sáng kiến đưa vào áp dụng trong thực hiện nhiệm vụ và phổ biến rộng rãi cho các đơn vị trên địa bàn quân khu như: Máy nạp đạn 12,7mm vào băng, dụng cụ dẫn hướng định vị kíp nổ, hàng rào bùng nhùng 2-3 lớp cải tiến, bàn sơn cơ động súng cối 82mm, cối 60mm... được Bộ Quốc phòng, Quân khu 5 và Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố tặng nhiều bằng khen, giấy khen.

Tháng 6 vừa qua, Trạm sửa chữa tổng hợp đã tham gia hội thi “Trạm, xưởng sửa chữa cấp chiến thuật, chiến dịch; xe tốt, lái xe giỏi trong lực lượng vũ trang quân khu” do Quân khu 5 tổ chức, với 34 đơn vị tham gia với mục đích tạo bước chuyển biến tích cực, củng cố, nâng cao năng lực toàn diện xây dựng nền nếp chính quy trạm xưởng các cấp.

Đồng thời rèn luyện nâng cao trình độ mọi mặt của cán bộ, nhân viên trạm, xưởng, đội ngũ lái xe trong lực lượng vũ trang. Trung tá Huỳnh Công Thiện, Trạm trưởng Trạm sửa chữa tổng hợp cho biết: “Để chuẩn bị cho hội thi, toàn đơn vị đã thực hiện nền nếp công tác kỹ thuật, củng cố cơ sở vật chất, củng cố về quy trình công nghệ để tổ chức có chiều sâu, nhằm bảo đảm tốt các nội dung yêu cầu của hội thi, đồng thời động viên cán bộ, nhân viên nỗ lực tự học, tự rèn, quyết tâm khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ”. 

Cán bộ, chiến sĩ đơn vị đã dồn hết tâm sức củng cố, hoàn thiện các dây chuyền sửa chữa, kho trạm kỹ thuật và các phân khu chức năng như: trạm nạp điện, cầu sửa xe, trạm bảo dưỡng sửa chữa tổng hợp, dây chuyền cơ động sửa chữa vũ khí bộ binh....

Qua đó, được ban  giám khảo đánh giá cao tại hội thi. Đây chính là kết quả thể hiện tinh thần yêu nghề, không ngừng phát huy truyền thống anh hùng của những người lính thợ quân giới một thời vào sinh ra tử trên chiến trường Quảng Đà những năm kháng chiến, tiếp tục nỗ lực xây dựng ngành kỹ thuật lực lượng vũ trang thành phố vững mạnh, chính quy và ngày càng hiện đại trong thời bình.

ANH ĐỨC

;
;
.
.
.
.
.