TIẾN TỚI ĐẠI HỘI ĐẢNG BỘ THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG LẦN THỨ XXII, NHIỆM KỲ 2020-2025

Tạo đà cho chặng đường mới

.

Năm 2020, thành phố chịu ảnh hưởng lớn của đại dịch Covid-19, cùng nhiều khó khăn, thách thức mới đã tác động không nhỏ đến tình hình kinh tế - xã hội. Thế nhưng, với sự quyết tâm, đồng lòng của hệ thống chính trị, bức tranh kinh tế - xã hội của thành phố vẫn khá ấn tượng, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020.

Đà Nẵng luôn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills. (Ảnh chụp tháng 11-2019)						            Ảnh: THU HÀ
Đà Nẵng luôn là điểm đến thu hút du khách trong và ngoài nước. TRONG ẢNH: Du khách tham quan tại Khu du lịch SunWorld Bà Nà Hills. (Ảnh chụp tháng 11-2019). Ảnh: THU HÀ

Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng định hướng

Nhìn lại toàn cảnh bức tranh kinh tế sau chặng đường 5 năm (2015 - 2020), ông Đoàn Ngọc Hùng Anh, Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND, UBND thành phố cho rằng, trong nhiệm kỳ qua, kinh tế - xã hội của thành phố vẫn duy trì được nhịp độ tăng trưởng khá, các ngành, sản phẩm có lợi thế cạnh tranh, có hàm lượng công nghệ cao được chú trọng phát triển. “Điều đáng ghi nhận là cơ cấu kinh tế của thành phố được chuyển dịch đúng định hướng theo ngành dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp...”, ông Hùng Anh nhấn mạnh.

Nổi bật trong bức tranh phát triển kinh tế của thành phố phải kể đến sự phát triển mạnh các ngành dịch vụ, nhất là du lịch, thương mại. Bà Trương Thị Hồng Hạnh, Giám đốc Sở Du lịch thành phố cho hay, mặc dù Covid-19 đã ảnh hưởng nặng nề đến ngành du lịch, nhưng dịch vụ du lịch của thành phố vẫn tiếp tục là ngành kinh tế mũi nhọn, có khả năng cạnh tranh quốc tế và đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội thành phố.

“Riêng trong giai đoạn 2015-2020, tổng lượt khách đến thành phố tăng bình quân 15,9%/năm; số lượt khách cơ sở lưu trú phục vụ tăng bình quân 19,1%/năm; doanh thu dịch vụ lưu trú và lữ hành tăng bình quân 17,9%/năm”, bà Hạnh chia sẻ.

Cũng theo bà Hạnh, hiện thành phố tiếp tục tạo điều kiện để các doanh nghiệp phát triển du lịch nghỉ dưỡng biển cao cấp trở thành sản phẩm du lịch chủ lực; thu hút nhiều dự án lớn, tầm cỡ, hình thành hệ thống cơ sở lưu trú chất lượng cao quốc tế do các tập đoàn khách sạn hàng đầu thế giới trực tiếp quản lý. Mặt khác, thành phố tăng cường xúc tiến, quảng bá du lịch, mở các đường bay quốc tế trực tiếp đi và đến Đà Nẵng; thành lập đại diện du lịch tại Hàn Quốc, Trung Quốc; ký kết chương trình hợp tác, liên kết với nhiều địa phương trong nước và các cơ quan quản lý du lịch và doanh nghiệp du lịch quốc tế.

Song song với phát triển du lịch, dịch vụ thương mại cũng duy trì tăng trưởng ổn định, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao và đa dạng của người dân và khách du lịch.

Ông Trần Chí Cường, Trưởng ban Kinh tế - Ngân sách HĐND thành phố thông tin, qua các chương trình giám sát cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ giai đoạn 2015-2020 ước tăng bình quân 14,1%/năm (kế hoạch tăng 17-18%), trong đó doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng bình quân 13,4%/năm. Bên cạnh đó, hoạt động xúc tiến thương mại được chú trọng, nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu được tập trung triển khai. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa giai đoạn 2015-2020 ước tăng bình quân 7,8%/năm.

Cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - thủy sản - nông - lâm năm 2020 ước đạt tỷ lệ tương ứng là 87,7% - 11,5% - 0,8%17. Đến nay, hàng hóa của doanh nghiệp Đà Nẵng xuất khẩu đến 120 quốc gia, vùng lãnh thổ. Sở Công thương thành phố cho biết, lĩnh vực sản xuất công nghiệp vẫn duy trì mức tăng trưởng ổn định, công nghiệp công nghệ thông tin tăng trưởng tốt, đột phá về thu hút đầu tư công nghiệp công nghệ cao, với mức tăng bình quân 6,64%/năm.

Theo ghi nhận, điểm nổi bật trong phát triển ngành công nghiệp của thành phố là bên cạnh các khu công nghiệp đang hoạt động, thành phố đã đầu tư hoàn thành cơ bản hạ tầng giai đoạn 1 và đạt 65% giai đoạn 2 Khu Công nghệ cao thành phố; khánh thành Khu Công nghệ thông tin giai đoạn 1, phê duyệt chủ trương đầu tư giai đoạn 2 và Khu Công viên phần mềm số 2; thành lập 3 khu công nghiệp mới và một số cụm công nghiệp, góp phần giải quyết nhu cầu mặt bằng sản xuất và thu hút đầu tư, nhất là trên lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin và phát triển kinh tế số.

Theo đó, ngành công nghiệp hỗ trợ dần phát triển, thu hút nhiều dự án đầu tư mới, đầu tư bổ sung, trong đó doanh nghiệp FDI đóng vai trò quan trọng. Các ngành nghề truyền thống được khuyến khích và tạo điều kiện phát triển.

Ông Trần Phước Sơn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố cho rằng, nhờ sự phát triển của các khu công nghiệp cùng chính sách thu hút đầu tư, đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư... nên công tác thu hút đầu tư của thành phố có nhiều chuyển biến tích cực. “Riêng trong 8 tháng đầu năm 2020, Đà Nẵng thu hút được gần 14.000 tỷ đồng vốn đầu tư trong nước và hơn 120 triệu USD vốn đầu tư nước ngoài. Bên cạnh đó, thành phố đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 6 dự án trong nước, ngoài khu công nghiệp với tổng vốn đầu tư hơn 16.000 tỷ đồng...”, ông Sơn cho hay.

Đột phá trong quy hoạch, xây dựng

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, giai đoạn 2015-2020, tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản từ ngân sách thành phố đạt hơn 43.481 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố tiếp tục thực hiện hiệu quả quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, không gian kiến trúc và xây dựng; trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội thành phố Đà Nẵng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và triển khai lập Quy hoạch thành phố theo Luật Quy hoạch.

Thành phố cũng tập trung xây dựng điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 gắn với thiết kế chiến lược phát triển kinh tế đến năm 2030 theo tinh thần Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) nhằm bảo đảm phát triển thành phố nhanh, bền vững.

Bên cạnh đó, thành phố đã triển khai lập thiết kế đô thị khu vực ven biển tại các quận Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Thanh Khê, Liên Chiểu và khu vực đô thị cũ tại các quận Hải Châu, Thanh Khê và một phần Sơn Trà, Cẩm Lệ; định hướng phát triển khu vực ven đô thị và nông thôn về không gian phát triển. Đặc biệt, trong công tác quy hoạch, thành phố thường xuyên rà soát, điều chỉnh, khắc phục những bất cập trong quy hoạch, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ tốt hơn cho cộng đồng; chú trọng thực hiện công tác kiểm tra, xử lý các dự án chậm đưa đất vào sử dụng...

Cũng theo ông Sơn, cùng với công tác quy hoạch, thành phố cũng đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng, nâng cấp và chỉnh trang đô thị... Đặc biệt, các công trình trọng điểm được đẩy nhanh tiến độ thi công, đưa vào sử dụng hiệu quả, nhất là việc triển khai thực hiện các dự án động lực, trọng điểm và các dự án dư luận xã hội quan tâm theo hướng phục vụ tốt cộng đồng và sự phát triển bền vững của thành phố.

Có thể khẳng định rằng, nhiệm kỳ qua, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức nhưng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố đã phát huy tinh thần đoàn kết, lãnh đạo, triển khai thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ nghị quyết đề ra.

Công tác xúc tiến, thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, kết cấu hạ tầng được đẩy mạnh, nhất là những công trình có tác động lớn đến kinh tế - xã hội. Các hoạt động trên lĩnh vực văn hóa, xã hội được tổ chức tốt; đời sống nhân dân ngày càng nâng cao. Kết quả này tạo niềm tin cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố trong chặng đường mới.

TRỌNG HÙNG

;
;
.
.
.
.
.