.
Nghị quyết Đại hội XX vào cuộc sống

Chính sách tiên phong

Cách đây 11 năm, Đà Nẵng đi tiên phong trong việc xây dựng Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao (gọi tắt là Đề án) bằng cách tuyển chọn và trao cơ hội cho những cá nhân xuất sắc đến học tập ở những nền giáo dục tiên tiến.

Ngày ấy, chính sách tạo nên nhiều luồng dư luận trái chiều, người ủng hộ, người băn khoăn về sự lãng phí và tính thực tiễn. Tuy nhiên, qua thời gian, các học viên đã chứng minh tính đúng đắn của Đề án bằng nỗ lực không mệt mỏi trong quá trình học tập, hoạt động xã hội cũng như tâm thế quay về để cống hiến cho thành phố.

“Ra đi là để quay về”

Với thành tích học xuất sắc tại Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, anh Võ Văn Chi trở thành học viên của Đề án trong suốt những năm học Đại học Bách khoa thành phố Hồ Chí Minh cho đến khi được nhận học bổng và làm luận văn tiến sĩ tại Đại học Grenoble, thuộc Trung tâm Nghiên cứu quốc gia Pháp (CNRS). Sau khi tốt nghiệp, bỏ qua tất cả những cơ hội làm việc nơi xứ người, anh Chi quay về Đà Nẵng.

Lý giải cho quyết định của mình, anh cho rằng, người trẻ có hai con đường để chọn cho hành trình làm giàu. Một là làm giàu cho bản thân trong các công ty tư nhân. Hai là làm công chức trong hệ thống Nhà nước, đặt mục tiêu cống hiến lên hàng đầu, quyết tâm làm giàu cho thành phố và bản thân cũng sẽ được hưởng lợi từ thành quả, nỗ lực cống hiến đó.

Anh Võ Văn Chi khẳng định, Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã mở ra cho anh cơ hội được tiếp cận với môi trường nước ngoài, cách đối nhân xử thế, cách hoàn thiện kỹ năng mềm, phát huy tính sáng tạo… từ đó thêm vững vàng khi bước ra khoảng trời rộng lớn ngoài giảng đường đại học. Được trao cơ hội này, anh Chi không chỉ học với tâm thế trau dồi kiến thức, kỹ năng sống cho riêng mình mà còn bởi tình cảm dành cho Đà Nẵng, với bổn phận tự trong tâm sẽ lĩnh hội tri thức để về góp phần xây dựng thành phố.

Bàn về thực tế sau khi được đào tạo tại nước ngoài, nhiều học viên quay về và được bố trí công việc không phù hợp với ngành học đã được đào tạo, anh Chi cho rằng công việc có phù hợp với học viên Đề án hay không phụ thuộc vào quan điểm đánh giá của cá nhân mỗi người. Việc đi học không nằm ở tấm bằng và số điểm mà ở kiến thức, kỹ năng, phong cách làm việc, tổ chức, tư duy… - điều mà môi trường học tập trong nước có thể chưa hoàn chỉnh.

“Khi trái tim cháy mãi ngọn lửa nhiệt huyết, đam mê, biết hướng về các giá trị chân, thiện, mỹ, biết cống hiến hết mình, biết xây dựng lý tưởng sống đúng đắn, liên tục học hỏi thì có thể vượt qua mọi khó khăn, học viên sẽ hoàn thành tốt được công việc như một cách tri ân thành phố”, anh Chi khẳng định.

Khi công việc trái chuyên ngành

Cũng là một học viên của Đề án, Nguyễn Huy Khang Ninh theo học chương trình Cử nhân Luật kinh tế tại Trường Đại học Monash, 1 trong 8 trường ĐH có chất lượng hàng đầu của đất nước chuột túi. Đối với Ninh, học không khó bằng việc bứt mình ra khỏi cái vỏ ốc nhút nhát, trầm lặng để thực sự tiếp cận với nền văn hóa Tây phương đa chủng tộc.

Để bước qua rào cản này, Khang Ninh đã tăng cường làm việc nhóm với các bạn sinh viên bản địa người Úc, thay vì chỉ giao tiếp với các du học sinh Việt Nam. Qua đó, đã quan sát cách sinh viên bản xứ trò chuyện, sinh hoạt, học tập và tự nâng dần khả năng ngôn ngữ, sự tự tin của bản thân.

Kết quả đến năm thứ 2, Khang Ninh là một trong những sinh viên của bang Victoria được chọn đi thi cuộc thi hùng biện Business Challenge của Hiệp hội kế toán CIMA, tổ chức trên toàn lãnh thổ nước Úc. Cuộc thi năm ấy, nhóm của Khang Ninh (gồm 4 người) đã giành được Huy chương đồng. Năm cuối đại học, Khang Ninh làm nghiên cứu về đề tài chính sách chống bán phá giá của Hoa Kỳ và đạt được số điểm cao nhất trong các sinh viên tham gia nghiên cứu năm đó. Khang Ninh tốt nghiệp cử nhân với vị trí thủ khoa ngành Luật kinh tế của Trường Đại học Monash.

Sau bốn năm học tập ở nước ngoài, Khang Ninh quay về và được bố trí… làm báo – nghề hoàn toàn trái ngược với những gì mình được học. Vô vàn câu hỏi của gia đình, bạn bè và cả bản thân đặt ra khi những kiến thức về Luật kinh tế mà mình học ở Úc lại không được áp dụng trong công việc.

Tuy nhiên, sau tất cả, Khang Ninh lại tự tin rằng, những gì mình được học trong 4 năm xa quê đâu chỉ dừng lại ở chuyên ngành trong trường đại học. Điều mình được học còn là cách tư duy khi làm việc cá nhân và theo nhóm, cách giải quyết vấn đề, cách giao tiếp.

Khang Ninh đã may mắn có cơ hội vàng để rèn luyện bản thân, nâng cao kiến thức, kinh nghiệm, cọ xát, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm với bạn bè quốc tế… Với Khang Ninh, mình đã nhận được rất nhiều điều từ bốn năm du học theo Đề án của thành phố và đây là lúc mình phải cho đi, phải sử dụng những gì mình có vào trong công việc.

11 năm qua, Đề án Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao đã chứng minh được tính đúng đắn của mình khi cung ứng đội ngũ nhân lực cần thiết, được đào tạo bài bản, góp phần hỗ trợ đắc lực cho sự nghiệp phát triển  kinh tế - xã hội của thành phố Đà Nẵng.

MAI TRANG

;
.
.
.
.
.