Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố khóa XX trình Đại hội đại biểu lần thứ XXI Đảng bộ thành phố, nhiệm kỳ 2015-2020, khi đề cập về chất lượng hoạt động của Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội đã nhận xét: “Hệ thống tổ chức Mặt trận, các đoàn thể chính trị-xã hội trong việc phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân không ngừng được nâng cao... Nội dung, phương thức lãnh đạo của Đảng, quản lý Nhà nước đối với công tác vận động nhân dân được đổi mới”.
Trong 5 năm qua, Mặt trận và các đoàn thể, hội quần chúng đã “khéo” vận động gần 56 tỷ đồng cho Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, xây dựng mới 316 căn nhà tình nghĩa, sửa chữa 2.400 căn nhà, tặng 2.547 sổ tiết kiệm tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng.
Cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo” tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, huy động nhiều tấm lòng nhân ái ủng hộ. Từ nguồn quỹ này, cùng với sự đầu tư của Nhà nước, đã giúp đỡ, hỗ trợ cho hàng ngàn hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, góp phần hoàn thành trước 2 năm Đề án giảm nghèo giai đoạn 2009-2015 (theo chuẩn thành phố), xây mới 1.308 nhà đại đoàn kết với số tiền gần 34 tỷ đồng, sửa chữa 1.800 nhà với gần 14 tỷ đồng.
Điển hình cơ sở tiêu biểu là: Mặt trận phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn đã vận động hỗ trợ xây dựng mới 57 nhà đại đoàn kết với tổng số tiền 2,5 tỷ đồng và giúp đỡ 1.250 hộ thoát nghèo bền vững; bà Trần Thị Bích Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ phối hợp với các hội, đoàn thể địa phương thành lập Câu lạc bộ giải quyết việc làm, mỗi năm giải quyết từ 120 - 150 lao động có việc làm, vận động số tiền 114 triệu đồng từ nuôi heo đất giúp đỡ 93 chị em phụ nữ khó khăn có vốn làm ăn, vận động hội viên tiết kiệm được 148 triệu đồng để sửa chữa 10 ngôi nhà cho phụ nữ nghèo...
Thực hiện Chỉ thị 24-CT/TU của Ban Thường vụ Thành ủy, nhiều mô hình như: “nuôi heo đất”, “nuôi trâu vàng”, “hũ gạo tình thương”, “hũ gạo vì người nghèo”, phong trào tiết kiệm giúp hộ đặc biệt nghèo… phát triển rộng khắp. Nhiều nơi đã có cách làm “khéo” giúp đỡ nhóm người dễ bị tổn thương, nhóm yếu thế có cơ hội phát triển, trẻ em có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ học bổng cho học trò nghèo vượt khó, học giỏi, giúp các hộ nghèo phương tiện xe máy, xe nước mía, máy trộn bê-tông, dụng cụ phục vụ dịch vụ ăn uống, hỗ trợ dạy nghề… để tạo việc làm ổn định, nâng cao thu nhập.
Điển hình tiêu biểu như: Đảng bộ Công ty cổ phần Thép Dana - Ý triển khai thực hiện chương trình “Viết tiếp ước mơ”, trao sổ tiết kiệm cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, mồ côi, khuyết tật học giỏi trên địa bàn thành phố, với tổng kinh phí 1,35 tỷ đồng; ông Võ Minh, hội viên Hội Khuyến học thành phố Đà Nẵng vận động các ngân hàng trên địa bàn thành phố tài trợ gần 1 tỷ đồng cho công tác khuyến học, khuyến tài; Hội Liên hiệp Phụ nữ quận Hải Châu vận động nuôi hơn 22.150 con heo đất, thu về gần 6 tỷ đồng giúp phụ nữ và học sinh có hoàn cảnh khó khăn...
Mặt trận và các tổ chức đoàn thể-xã hội đã có nhiều sáng tạo vận dụng trong thực hiện chủ trương vận động nhân dân di dời, giải tỏa bàn giao mặt bằng để xây dựng các công trình trọng điểm của thành phố, điển hình như: Đảng ủy phường Hòa Minh với phương châm: “Dễ làm trước, khó làm sau” đã vận động di dời đúng tiến độ 100 hộ dân tại dự án nút giao thông ngã ba Huế, 295 hộ dân tại dự án đường Tô Hiệu, 430 hộ dân dự án Trục 1 Tây Bắc, vận động hiến 7.518m2 đất, giá trị khoảng 45 tỷ đồng; Hội Cựu chiến binh phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ đã vận động được 231 hộ dân bàn giao mặt bằng, di dời hơn 400 ngôi mộ liệt sĩ, 98 nhà thờ tộc, 6 đình làng, 2 chùa và 1 bia tưởng niệm; khối Dân vận phường Thuận Phước đã vận động 33 hộ thuộc tổ 27, đường 3 Tháng 2, đường Đống Đa di dời giải tỏa...
Nhằm giúp huyện Hòa Vang về xây dựng nông thôn mới, trong 3 năm (2012-2014), có gần 100 lượt địa phương, đơn vị đăng ký hỗ trợ với tổng kinh phí trên 81,4 tỷ đồng (đạt và vượt chỉ tiêu đề ra). Năm 2015, có 36 địa phương, đơn vị đăng ký hỗ trợ với tổng kinh phí trên 30,1 tỷ đồng và trên 12.000 ngày công để xây dựng nông thôn mới.
Bên cạnh công tác vận động tăng cường nguồn lực xây dựng nông thôn mới, Mặt trận, các đoàn thể, hội quần chúng đã tích cực vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, con, vật nuôi, tập huấn chuyển giao, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giúp vốn đầu tư, tổ chức dạy nghề... nhằm tạo ra nhiều sản phẩm hàng hóa có giá trị kinh tế cao, nâng cao thu nhập cho người lao động, tự nguyện hiến đất, đóng góp kinh phí, tham gia ngày công... góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành chương trình nông thôn mới tại các xã.
Ngọc Lệ