Trong ký ức bà Lê Thị Xuân ở phường Thanh Bình, quận Hải Châu, cái xóm nghèo nằm sát mép nước của vịnh Đà Nẵng của bà hầu như không có địa chỉ, nếu ai hỏi thì cứ nói “Nhà tôi ở gần cái cống hôi của khách sạn Công Đoàn đổ ra biển đó”.
Bà cười phân bua với chúng tôi rằng, không riêng gì gia đình bà mà hầu hết người dân ở cái làng nghèo này trước đây đều nói như vậy, chứ nói khác đi sẽ khó tìm được. Vậy mà giờ đây, với bà tất cả như một phép màu, xuyên qua cả làng chài nghèo khó này là con đường ven biển tuyệt đẹp mang tên Nguyễn Tất Thành kéo dài 12km từ chân cầu Thuận Phước đến tận quận Liên Chiểu. “Một chủ trương đúng, chính sách đền bù hỗ trợ cho dân trong diện giải tỏa hợp tình hợp lý, lòng dân đồng thuận thì thành công thôi”, bà Xuân kết luận.
Còn với kỹ sư Võ Đình Anh Tuấn, hiện công tác tại Công ty Tư vấn thiết kế và xây dựng Hòa Bình Xanh, trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh, thì câu chuyện về những con đường ở trên địa bàn thành phố Đà Nẵng như là điều kỳ diệu. Anh tâm sự: “Nơi tôi sinh ra ngay trên xóm nghèo gần hồ Đầm Rong, suốt tuổi thơ “hà hít” cái mùi hôi thối nồng nặc, đến nỗi chẳng bao giờ dám mời bạn bè về nhà chơi. Thế mà giờ đây, mình lại là người viết nhiều bài nhất đăng trên các diễn đàn kiến trúc xây dựng kể về thành quả tuyệt vời về khu dân cư mình từng ở và những con đường ở Đà Nẵng.
Là dân trong nghề, để vẽ nên một con đường thật đẹp trên giấy là không khó, nhưng cái khó chính là làm sao người dân đồng thuận để biến bản vẽ đó thành hiện thực. Quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng là một trong những nơi làm tốt điều đó. Cứ có dân ủng hộ thì việc khó mấy cũng làm được, và muốn dân ủng hộ phải có chủ trương đúng, cách triển khai có lý có tình”.
Không riêng gì con đường Nguyễn Tất Thành, những năm qua, quận Hải Châu đã làm tốt công tác vận động người dân đồng lòng, chung tay với thành phố để chỉnh trang đô thị. Những con đường trung tâm thành phố giờ đây đã trở thành niềm tự hào chung của mọi nguời như các tuyến đường Bạch Đằng, Lê Duẩn, Đống Đa... hay những công trình “gay cấn” như lấp hồ Đầm Rong, di dời Cảng cá Thuận Phước... đã có lúc tưởng chừng không thể triển khai được vì vấp phải nhiều ý kiến trái chiều.
Thế nhưng, với sự kiên định trong công tác chỉ đạo, lãnh đạo thành phố và quận cùng các ban, ngành liên quan trực tiếp gặp gỡ người dân để lắng nghe và giải quyết những yêu cầu chính đáng của họ. Chính qua những cuộc trao đổi này, người dân đã thấy được sự đúng đắn lợi ích lâu dài cho thành phố nên đã nhiệt tình ủng hộ.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Đặng Việt Dũng, khi còn đảm nhận chức vụ Giám đốc Sở Giao thông vận tải thành phố, người “chinh chiến” qua rất nhiều công trình chỉnh trang đô thị trên địa bàn quận Hải Châu đã từng tâm sự với cánh phóng viên rằng: “Nếu không có sự đồng thuận của người dân thì có thể nói quận Hải Châu nói riêng và thành phố Đà Nẵng nói chung không thể có được những công trình giao thông ấn tượng như vậy. Nhiều công trình rất khó, nhưng khi làm việc với dân xong, dân ủng hộ là giải quyết được hết”.
Quả thực, sự chung tay góp sức của người dân với chính quyền đã góp phần làm thay đổi hoàn toàn diện mạo đô thị của quận Hải Châu như ngày hôm nay. Năm 1997- thời điểm vừa tách tỉnh, mặc dù là quận trung tâm thành phố, nhưng toàn quận chỉ có 33 con đường có tên, được thảm nhựa, có hệ thống chiếu sáng.
Tuy nhiên, hầu hết đều ở tình trạng xuống cấp và không đồng bộ. Giờ đây, những con đường này đều được thi công nâng cấp, mở rộng đồng bộ từ lòng đường, vỉa hè, hệ thống hào kỹ thuật, thoát nước, điện chiếu sáng...
Không những tập trung cho những “con phố mặt tiền”, thời gian qua, Hải Châu cũng dành nhiều công sức và đã có được đồng thuận của người dân để cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hàng ngàn con hẻm/kiệt trên địa quận.
Đến nay đã có hàng ngàn tuyến kiệt/hẻm/ngách trên địa bàn quận với tổng chiều dài trên 100km được sửa chữa mở rộng lên từ 2-4 mét, cùng với đó là việc lắp hệ thống chiếu sáng, xây dựng cổng ngõ... giúp Hải Châu trở thành một trong những địa phương chỉnh trang đô thị mang tính bền vững và có chiều sâu. Và cũng chính nhờ chiều sâu của công tác chỉnh trang đô thị đem lại đã tạo nên tiền đề thuận lợi để cho quận triển khai thêm nhiều chương trình cho thành phố đẹp hơn, văn minh hơn.
Các chương trình vận động như “Xây dựng tuyến phố văn minh đô thị”, với điểm nhấn là vận động người dân nhà ở mặt tiền xây dựng các bồn cây xanh đã được người dân hưởng ứng rất nhiệt tình. Nhờ vậy, rất nhiều tuyến phố luôn trong tình trạng sạch, đẹp, cây cối xanh tốt. Hoặc như Đề án xã hội hóa công tác trồng cây xanh đô thị của thành phố cũng được quận Hải Châu “nhân” lên thành phong trào thi đua khá sôi nổi giữa các tổ dân phố và giữa các phường trong quận.
Rất nhiều ví dụ sinh động như thế về “ý Đảng, lòng dân” tại quận Hải Châu trong suốt thời gian qua, và đây cũng là điểm xuất phát quan trọng để quận tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chỉnh trang đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh đô thị.
Thanh Vân