PGS, TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III: Kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển
Trong dự thảo các văn kiện của BCH Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng đã dành một phần trình bày các chủ trương và giải pháp để phát triển kinh tế biển. Những nội dung đề cập trong các văn kiện cho thấy tầm quan trọng và xu thế phát triển của kinh tế biển trong “kỷ nguyên đại dương”, khi hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới đang có chiến lược để vươn ra biển.
Tuy nhiên, nội dung các văn kiện dự thảo chưa đánh giá những kết quả đạt được trong phát triển kinh tế biển và ven biển thời gian qua; nội dung các chủ trương và giải pháp đề ra còn tách rời, chưa thể hiện kết hợp gắn phát triển kinh tế biển, ven biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.
Vì vậy, đề nghị làm rõ vai trò chiến lược quan trọng trước mắt và lâu dài cũng như mối quan hệ giữa phát triển kinh tế biển và bảo vệ chủ quyền quốc gia vùng biển. Trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH), đặc biệt từ khi Đảng ta đề ra Chiến lược biển Việt Nam (2007), chúng ta đã đạt được những thành tựu quan trọng: Hình thành các khu kinh tế, khu công nghiệp, tạo động lực cho phát triển kinh tế ven biển; khai thác tài nguyên, khoáng sản vùng ven biển trên nguyên tắc vừa phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường; đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp, xây mới hạ tầng vùng ven biển tạo động lực cho phát triển kinh tế vùng ven biển, gắn với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển; khai thác về địa chính trị và địa kinh tế để đẩy mạnh phát triển các vùng biển, ven biển, đảo của Tổ quốc; tăng cường xây dựng lực lượng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển.
Tuy nhiên, kinh tế biển nước ta phát triển mới dừng lại ở việc khai thác tiềm năng biển, với các sản phẩm hữu hình, các nguồn lợi to lớn vô hình như vị trí địa lý, lợi thế của các cảng biển, hải đảo là đầu mối liên kết kinh tế giữa các vùng trong nước với các nước trong khu vực thì chưa khai thác được bao nhiêu.
Từ thực tiễn thực hiện Chiến lược biển cho thấy, để phát triển kinh tế biển, đảo trong thời gian tới, phải gắn với 3 mảng không gian: vùng biển, ven biển, vùng trung du, miền núi; tổ chức phát triển không gian biển một cách tối ưu khoa học, trên cơ sở phát huy tối đa lợi thế và nguồn lợi từ biển để phát triển kinh tế - xã hội trên từng vùng lãnh thổ.
Phát triển kinh tế biển bền vững theo hướng CNH, HĐH nhằm đưa nước ta trở thành “quốc gia mạnh lên từ biển và làm giàu từ biển”. Xây dựng kinh tế biển thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh trong vùng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế của cả nước.
Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng, khai thác đi đôi với bảo vệ nguồn lợi hải sản, kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền lãnh hải Tổ quốc.
Phát triển vùng ven biển nhằm tạo động lực lan tỏa hỗ trợ phát triển vùng trung du, miền núi, đồng thời tạo cơ sở cho phát triển một nền kinh tế biển vững chắc và lâu dài mang tầm chiến lược.
Đây chính là tiền đề quan trong, quyết định trong chiến lược kinh tế biển gắn với một nền quốc phòng và an ninh trên biển phù hợp với xu thế phát triển của một quốc gia biển. Vùng ven biển là “bàn đạp” tiến ra biển, là hậu phương hỗ trợ các hoạt động trên biển thông qua các trung tâm kinh tế hải đảo.
Cho nên, dọc ven biển phải kiến tạo các cực phát triển mạnh (trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội..., tức là các đô thị lớn ven biển) có bán kính ảnh hưởng rộng ra biển, có khả năng đối trọng với các cực phát triển lớn trong khu vực Biển Đông; các hành lang kinh tế ven biển, lôi kéo không chỉ nội vùng và lân cận, mà còn vào sâu nội địa và lan ra xa ngoài biển.
Tăng cường khả năng phòng thủ, đẩy mạnh cuộc đấu tranh bảo vệ và củng cố chủ quyền biển, đảo. Phát huy sức mạnh tổng hợp của tất cả các lực lượng trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải và vùng trời Tổ quốc.
Để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, kết hợp phát triển kinh tế biển và vùng ven biển với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển một cách có hiệu quả, đề nghị văn kiện bổ sung các giải pháp mang đột phá như:
- Đầu tư mạnh để phát triển kinh tế biển, lấy kinh tế biển để thúc đẩy sự phát triển của cả nước, tạo ra việc làm thu hút lao động và thúc đẩy thủy sản phát triển.
Điều đó đòi hỏi cần đánh giá nguồn lực được xem xét từ góc độ tạo ra động lực, thức dậy và thúc đẩy các nguồn lực phát triển. Động lực tạo ra các đòn bẩy kinh tế và chính sách khơi dậy các nguồn lực bên trong và bên ngoài đầu tư phát triển, đưa các tiềm năng vào hiện thực. Để đạt được mục tiêu này, cần đẩy nhanh xây dựng các đặc khu hành chính - kinh tế để mở hướng vào thị trường khu vực và thế giới và thu hút các nguồn lực từ bên ngoài nhằm tạo ra những cực tăng trưởng, thúc đẩy các vùng kinh tế vùng ven biển.
Phát triển kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực. Đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là những trung tâm đô thị
ven biển
Cần có chính sách liên kết, hợp tác giữa các vùng, địa phương trong việc bố trí cơ cấu ngành nghề, phân công lao động.
- Phát triển ngành thủy sản một cách bền vững theo hướng CNH, HĐH.
Xây dựng ngành thủy sản thành ngành kinh tế mũi nhọn và là một khâu đột phá về kinh tế, là hướng làm giàu của các tỉnh ven biển. Từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế ngành theo hướng đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng nuôi trồng thủy sản, đăc biệt là nuôi tôm, cua và các đặc sản cho nhu cầu du lịch và xuất khẩu. Phát triển nghề cá gắn với việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, phân bổ lao động dân cư nông thôn miền biển. Đẩy mạnh công tác khuyến ngư, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Đẩy mạnh phát triển thủy sản theo hướng phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần. Trong lĩnh vực đánh bắt, khai thác, lấy chủ thuyền là đơn vị sản xuất kinh doanh cơ bản (chủ thuyền có thể là hộ hoặc nhóm hộ gia đình); trong chế biến lấy quy mô hộ gia đình hoặc doanh nghiệp tư nhân.
Phát triển các ngành nghề thủy sản nhằm nhanh chóng chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn vùng biển một cách vững chắc, phát triển khai thác xa bờ, nuôi trồng thủy sản có giá trị kinh tế cao phục vụ nhu cầu ngày càng cao của du lịch và xuất khẩu. Mở rộng và nâng cao hiệu quả chế biến nội địa và xuất khẩu, góp phần giải quyết việc làm cho người lao động, cải thiện đời sống nhân dân vùng ven biển.
Tích cực tạo ra động lực trong sản xuất kinh doanh thủy sản, kết hợp thủy sản với nông - lâm nghiệp, nghề muối, thủ công nghiệp; kết hợp các dự án phát triển thủy sản với các chương trình giải quyết việc làm và xây dựng vùng kinh tế mới ven biển là một hướng đi rất thiết thực và có triển vọng lớn, phát huy nhanh hiệu quả các tiềm năng.
- Đẩy mạnh phát triển kinh tế du lịch
Để khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch vùng ven biển, nhất là du lịch biển đảo, cần làm tốt quy hoạch và liên kết giữa các vùng, miền và các quốc gia trên cơ sở xây dựng bản đồ quy hoạch tổng thể phát triển du lịch biển, đảo riêng của Việt Nam một cách đồng bộ từ quy hoạch tổng thể, chi tiết các khu, điểm du lịch để khai thác hợp lý tiềm năng du lịch biển, đảo của khu vực.
Một trong những định hướng phát triển quan trọng đối với kinh tế du lich ven biển là đẩy mạnh liên kết với các trung tâm du lịch lớn của cả nước. Xây dựng vùng biển, đảo trở thành điểm đến của du khách đến từ mọi miền đất đất nước. Phải kết nối các tuyến du lịch biển, đảo với tuyến của tuyến du lịch khám phá đường mòn Hồ Chí Minh - “Con đường huyền thoại”, “ Con đường di sản miền Trung”, là điểm đến hấp dẫn trên tuyến hành lang kinh tế Đông - Tây. Tăng cường hội nhập với các nước Đông Dương, 6 nước tiểu vùng sông Mekong mở rộng: Việt Nam - Lào - Campuchia - Thái Lan – Myanmar - Vân Nam, Quảng Tây (Trung Quốc). Triển khai các tour du lịch đặc biệt - tour caravan (du lịch đường bộ bằng xe tự lái) từ Thái Lan và các nước ASEAN qua Lào vào Việt Nam.
- Kết hợp phát triển kinh tế biển, đảo đi đôi với bảo vệ tài nguyên, môi trường
Phát triển kinh tế là điều kiện cốt yếu vùng biển nói riêng và cả nước nói chung thoát khỏi đói nghèo, nhằm phát triển con người toàn diện và là cơ sở để xây dựng, phát triển xã hội theo hướng văn minh, hiện đại. Việc phát triển kinh tế theo hướng đi đôi với bảo vệ môi trường góp phần nâng cao chất lượng sống của con người và sự phát triển xã hội vùng ven biển.
Để thực hiện phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường. cần phải quán triệt nhiệm vụ bảo vệ môi trường là nội dung quan trong, không thể tách rời trong phát triển kinh tế; không thể phát triển kinh tế bằng mọi giá mà coi nhẹ bảo vệ môi trường.
Coi trọng công tác nghiên cứu, dự báo và thực hiện các giải pháp ứng phó với quá trình biến đổi khí hậu, thảm họa thiên nhiên và bảo vệ môi trường phù hợp với đặc điểm từng vùng nhằm giảm thiểu thiệt hại cho con người và xã hội. Xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, đẩy mạnh cải tạo môi trường. Nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường, đặc biệt là quản lý, khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên đất, nước, khoáng sản.
- Phát huy sức mạnh tổng hợp trong quá trình kết hợp phát triển kinh tế biển, đảo với an ninh, quốc phòng; tăng cường bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Xây dựng lực lượng vũ trang làm chỗ dựa cho ngư dân và các thành phần kinh tế sản xuất và khai thác tài nguyên biển. Xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật, kết cấu hạ tầng kinh tế và đời sống của cư dân ven biển. Phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ven biển.
Phát huy vai trò của cộng đồng ngư dân trong quá trình thực hiện kết hợp phát triển kinh tế biển với bảo vệ chủ quyền quốc gia trên biển. Ngư dân vùng biển không chỉ bám biển để làm ăn, mà sự hiện diện của họ là sự khẳng định và bảo vệ chủ quyền trên biển.
Trong bối cảnh hiện nay, việc kết hợp phát triển kinh tế với bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển cần có chủ trương và giải pháp đột phá để đưa nước ta trở thành “quốc gia làm giàu từ biển và mạnh lên từ biển”.