Ông MAI MỘNG TƯỞNG - quận Sơn Trà - Đà Nẵng: Cần làm rõ các hạn chế, yếu kém về sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng - an ninh
Trong Dự thảo Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011-2015 và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020 đã nêu những hạn chế, yếu kém trong cả nhiệm kỳ 5 năm 2011-2015, trong đó có nêu những hạn chế, yếu kém liên quan đến lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Tuy nhiên, nội dung phần này Dự thảo nêu ra quá ngắn gọn, còn khá chung chung, có nội hàm chưa rõ, cần phải thẳng thắn nêu thêm những vấn đề sau:
Một là, sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với quốc phòng - an ninh mang tính xuyên suốt cả trong thời bình cũng như trong thời chiến (hoặc trong trạng thái chuẩn bị đối phó với chiến tranh), thực chất nội hàm của nó là cụ thể hóa hai nhiệm vụ chiến lược là xây dựng đất nước và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Vậy để cho sự gắn kết trên có hiệu quả và đi vào thực chất, cần làm rõ yêu cầu cần có để phát triển kinh tế-xã hội là gì; đồng thời cũng làm rõ yêu cầu cần có để quốc phòng - an ninh được bảo đảm thì phải làm gì.
Đề nghị Dự thảo phải có định lượng, định tính cho sự gắn kết này, các lực lượng vũ trang (bao gồm cả quân đội và công an) của ta hiện nay đã và đang được xây dựng theo hướng cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, vậy phải đầu tư thích đáng trang bị, khí tài, bảo đảm đủ sức bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia, bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ và bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân, có như thế mới thể hiện được sự gắn kết với phát triển kinh tế - xã hội. Đây là cơ sở vững chắc để kinh tế - xã hội đất nước luôn được tăng trưởng, nâng cao được chất lượng cuộc sống của nhân dân, nói cách khác, kinh tế - xã hội phát triển sẽ bảo đảm các mặt cho nhu cầu xây dựng củng cố quốc phòng - an ninh.
Tóm lại, hai thành tố kinh tế - xã hội và quốc phòng - an ninh là một chủ thể thống nhất hòa quyện với nhau, tác động, hỗ trợ nhau để cùng phát triển một cách đồng bộ. Vậy, những hạn chế, yếu kém trong nhiệm kỳ 5 năm qua về sự gắn kết giữa hai thành tố trên phải được làm rõ để tìm cách khắc phục. Sự gắn kết giữa hai thành tố này trong giai đoạn hiện nay và những nhiệm kỳ tiếp theo phải bảo đảm cho đất nước không phải sống trong một môi trường mà vấn đề hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ luôn bị đe dọa, bị xâm chiếm một cách ngang nghiên, nhất là trên hướng biển, không để cho nhân dân sống bằng nghề biển phải chịu cảnh bị thế lực nước ngoài xua đuổi, ức hiếp, đánh đập, cướp bóc, thậm chí bị sát hại ngay trên vùng biển của mình.
Hai là, trong Dự thảo có nêu: “An ninh, trật tự và an toàn xã hội trên một số địa bàn vẫn còn phức tạp…”, đúng là như vậy, song cần khẳng định rõ là việc bảo đảm an ninh, trật tự và an toàn xã hội ở một số địa bàn, lĩnh vực còn bị xem nhẹ, khi có vụ việc xảy ra thì xử lý lúng túng, thậm chí xử lý oan sai gây phẫn nộ, bức xúc cho một bộ phận nhân dân; nhiều đối tượng tù mới tha về lại đi gây án, tạo tâm lý nơm nớp, lo sợ, hoang mang trong nhân dân, do đó quần chúng thiếu tin vào sự công minh, chính trực của các cơ quan hành pháp, tư pháp. Vậy nguyên nhân nào tạo ra sự hạn chế, yếu kém của lĩnh vực này? Phải chăng chính những người trực tiếp thi hành luật pháp lại không nghiêm, kỷ cương phép nước bị coi thường ngay trong nội bộ của các cơ quan thi hành pháp luật?
Trong khi đó, đạo đức xã hội nói chung đang có chiều hướng suy giảm đáng lo ngại, gây bức xúc trong nhân dân, cần phải có sự đánh giá chính xác căn nguyên của tình trạng này để thống nhất các giải pháp ngăn chặn, đẩy lùi các tệ nạn xã hội trên ra khỏi đời sống cộng đồng.