PGS,TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III: Phát triển con người là thước đo sự phát triển văn hóa
Dự thảo “Báo cáo chính trị” trình Đại hội lần thứ XII, tại mục VII “Phát triển văn hóa, xây dựng con người” đã đánh giá tình hình, từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển văn hóa, xây dựng con người trong thời kỳ 2016-2020.
Những thành tựu đạt được trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người được trình bày trong dự thảo chứng tỏ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến lĩnh vực này. Cùng với sự nghiệp phát triển chính trị, kinh tế, phát triển văn hóa là một nội dung quan trọng của sự nghiệp phát triển đất nước.
Phát triển văn hóa, xây dựng con người gắn chặt với quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Mục đích của phát triển văn hóa là hình thành, phát triển con người và chính sự phát triển của con người là thước đo sự phát triển văn hóa. Thành công của công cuộc xây dựng văn hóa phải được thể hiện ở sự phát triển con người về các mặt: trí, đức, thể, mỹ. Bởi vậy, xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc trên cơ sở bảo vệ và phát triển nền văn hóa dân tộc, nhằm xây dựng con người mới, thực hiện độc lập dân tộc trên lĩnh vực văn hóa.
Phát triển văn hóa
Trong dự thảo báo cáo, phần tình hình chưa đánh giá tác động của toàn cầu hóa từ lĩnh vực kinh tế đối với an ninh văn hóa trong quá trình phát triển văn hóa. Từ trình bày những hạn chế trong quá trình phát triển văn hóa, xây dựng con người, dự thảo cũng chỉ ra nguyên nhân của tình trạng đó. Vì vậy, những đánh giá như trong dự thảo là đúng, nhưng chưa đủ và còn chung chung.
Về đời sống văn hóa tinh thần, dự thảo nhận định nhiều nơi còn nghèo nàn, đơn điệu. Tôi đề nghị bỏ từ “nhiều nơi”, thay vào đó là cụm từ “ở các khu công nghiệp, nông thôn, miền núi”.
Để phát triển văn hóa, phải xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bảo đảm an ninh trên lĩnh vực văn hóa, tạo môi trường thuận lợi cho phát triển con người, nhằm mục tiêu phát triển bền vững đất nước, Vì vậy, đề nghị bổ sung vào văn kiện các giải pháp sau:
- Nâng cao bản lĩnh văn hóa Việt Nam. Coi trọng bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, tiếp thu những giá trị văn hóa của nhân loại để xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, xây dựng một xã hội có đời sống văn hóa tinh thần lành mạnh. Phát huy truyền thống dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam, khơi dậy tinh thần tự hào dân tộc, đề cao các giá trị văn hóa dân tộc, đạo đức, lối sống lành mạnh của người Việt Nam là yếu tố quan trọng hàng đầu.
Trong điều kiện toàn cầu hóa và hội nhập diễn ra sâu rộng như hiện nay, việc nâng cao bản lĩnh văn hóa dân tộc là tạo điều kiện để làm giàu văn hóa nước mình thông qua việc tiếp thu có chọn lọc những tinh hoa văn hóa nhân loại và đấu tranh chống lại sự xâm nhập của những thứ văn hóa lai căng, ngoại lai. Đó là con đường để bảo đảm an ninh về văn hóa trong quá trình phát triển văn hóa.
- Đẩy mạnh phát triển khoa học và công nghệ là một đòi hỏi cấp bách nhằm nâng cao năng suất lao động; đưa khoa học vào nhằm xây dựng nền văn hóa mới trên cơ sở cải tạo các quan hệ xã hội, các phong tục tập quán còn lạc hậu. Việc giáo dục thanh- thiếu niên về khoa học, kỹ thuật để thế hệ trẻ ngay từ thuở nhỏ đã biết yêu khoa học, phổ biến khoa học, kỹ thuật trong đông đảo quần chúng được đặt ra một cách cấp thiết trong quá trình phát triển văn hóa.
- Quan tâm văn hóa pháp luật. Văn hóa phải được điều hành bằng luật pháp là góp phần đưa công lý đến với mọi người và mọi nhà.
- Tạo môi trường lành mạnh để nhân dân sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa. Quần chúng nhân dân vừa là chủ thể, vừa là động lực, vừa là mục tiêu (của dân, do dân, vì dân). Vì vậy, phải biến tất cả các giá trị văn hóa thành tài sản của nhân dân, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân đến với văn hóa, vừa hưởng thụ, vừa góp phần sáng tạo ra các giá trị văn hóa. Quan tâm đến việc tạo ra môi trường lành mạnh để nhân dân sáng tạo và hưởng thụ các giá trị văn hóa.
- Nâng cao đời sống tinh thần của xã hội, bằng cách cung cấp đầy đủ các dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu văn hóa phong phú của từng loại dân cư. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan phát thanh, truyền hình, báo chí, xuất bản, văn hóa, nghệ thuật, đáp ứng yêu cầu nâng cao dân trí, xây dựng nếp sống văn minh, văn hóa trong xã hội; xây dựng con người Việt Nam mới XHCN có lập trường, tư tưởng vững vàng, có tri thức, giàu tình cảm, có đạo đức cách mạng trong sáng và lối sống lành mạnh. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, đó là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa các khuynh hướng “thương mại hóa”, “tư nhân hóa” hoạt động báo chí, xuất bản, văn hóa, văn nghệ.
- Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, làm cho đạo đức Hồ Chí Minh trở thành niềm tin và lẽ sống trong cuộc sống hằng ngày của cán bộ, đảng viên và nhân dân ta.
Việc tiếp tục đẩy mạnh một cách thường xuyên cuộc vận động này nhằm khắc phục tình trạng suy thoái về đạo đức và lối sống, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, góp phần tăng cường đoàn kết trong Đảng và toàn xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là thiết thực củng cố và tăng cường niềm tin của nhân dân vào lãnh tụ, vào Đảng và con đường phát triển một xã hội lành mạnh của đất nước.
(Còn nữa)