.

Góp ý dự thảo các văn kiện trình Đại hội XII của Đảng

.

PGS,TS Trương Minh Dục, Học viện Chính trị khu vực III: Phát triển con người là thước đo sự phát triển văn hóa

(Tiếp theo kỳ trước)

Xây dựng con người

Việc đánh giá những thành tựu và hạn chế trong lĩnh vực phát triển con người trong dự thảo về phát triển và xây dựng con người cũng chưa đúng với tầm quan trọng của vấn đề, vì vậy đề nghị cần bổ sung đánh giá về phát triển con người với những thành tựu và hạn chế.

Từ trước đến nay, Đảng ta quan tâm đến việc xây dựng con người mới được thể hiện qua các văn kiện các đại hội Đảng, các nghị quyết chuyên đề. Tuy nhiên, qua nhiều công trình nghiên cứu, các nhà khoa học chỉ ra rằng, chúng ta mới quan tâm đến phát triển con người qua số liệu tăng trưởng về kinh tế (GDP), hay chỉ số phát triển con người (HDI), mà chưa quan tâm đúng mức đến việc tạo ra được môi trường thuận lợi để xây dựng và phát triển con người.

Con người Việt Nam từ khi sinh ra đến khi lớn lên bị ảnh hưởng của nhiều yếu tố: gia đình, nhà trường và xã hội, trong đó yếu tố xã hội là mong manh nhất. Về môi trường gia đình, trẻ em Việt Nam từ khi lọt lòng đến khi đến tuổi trường thành sống trong môi trường o bế, bao cấp của bố mẹ; học đại học xong kiếm việc làm cũng phải chạy chọt (vì thế có tin đồn mấy trăm triệu đồng để xin vào cơ quan hay doanh nghiệp có thu nhập cao); thậm chí khi ra công tác rồi, cha mẹ vẫn phải chu cấp vì lương không đủ sống. Hậu quả của tình trạng giáo dục là trẻ em lớn lên khi rời bố mẹ, gia đình gặp không ít bất trắc, con người thiếu tính chủ động, sáng tạo.

Về giáo dục ở trường, học sinh, sinh viên được sự bao cấp về mặt kiến thức của thầy cô, nhất là trẻ em ở đô thị hoặc nhà giàu; tình trạng dạy thêm, học thêm làm nhức nhối xã hội nhưng chậm được khắc phục. Sau 70 năm giành độc lập, nền giáo dục và đào tạo Việt Nam đạt được nhiều thành tựu, nhưng do chất lượng đào tạo còn thấp nên chất lượng nguồn nhân lực hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa và phát triển đất nước.

Về xã hội, môi trường xã hội ảnh hưởng rất lớn đến xây dựng và phát triển con người. Tuy nhiên, thực tiễn đất nước hiện nay đang tồn tại một thực tế: Con người khi ra đường thì sợ tai nạn giao thông, sợ bị tiêm nhiễm những thói hư tật xấu của xã hội. An ninh lương thực, thực phẩm ám ảnh hằng ngày vì thực phẩm bẩn, sử dụng các hóa chất ảnh hưởng đến sức khỏe. Vào bệnh viện thì sợ nhất là sự vô cảm của người phục vụ.

Do tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng không chỉ ảnh hưởng đến chất lượng sống mà còn ảnh hưởng đến xây dựng con người.

Tình hình đó cho thấy, chúng ta chưa có môi trường lành mạnh để con người phát triển.

Hơn bao giờ hết, để xây dựng con người, vấn đề quan trọng hàng đầu là cần tạo ra một môi trường văn hóa - xã hội lành mạnh, dân chủ, kỷ cương, bảo đảm an ninh trên mọi lĩnh vực. Trong môi trường đó, tiềm năng sáng tạo của con người được phát huy, quyền tự do dân chủ cá nhân trong sáng tạo, tiếp cận và hưởng thụ các giá trị văn hóa được tôn trọng. Đó cũng là một nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Lãnh đạo và quản lý văn hóa

Trong phần nguyên nhân hạn chế, yếu kém trong lĩnh vực phát triển văn hóa, xây dựng con người, dự thảo báo cáo chính trị có nêu ra các nguyên nhân về nhận thức và quá trình chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền…, theo tôi cũng chưa thật thỏa đáng. Cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm ra nguyên nhân và khách quan, ở tầm vĩ mô và vi mô, có như vậy mới có giải pháp phù hợp.

Dưới góc độ lãnh đạo, quản lý phát triển văn hóa, xây dựng con người, xin đề nghị bổ sung các giải pháp sau:

- Cần đẩy mạnh việc nghiên cứu lý luận, tổng kết thực tiễn để bổ sung và làm phong phú thêm chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh bằng những tri thức từ thực tiễn, đồng thời hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng. Thực hiện nhiệm vụ này góp phần không ngừng làm giàu trí tuệ, nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức và năng lực tổ chức để đủ sức giải quyết các vấn đề do thực tiễn cách mạng đề ra. Coi trọng công tác tổng kết thực tiễn để bổ sung và phát triển chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và hoàn thiện đường lối, chính sách của Đảng.

- Làm tốt công tác tư tưởng cho cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân, giáo dục cho nhân dân ý thức về bảo đảm an ninh văn hóa trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.

Coi trọng thông tin hai chiều, tăng cường đối thoại, lắng nghe thông tin từ cơ sở, quán triệt và cụ thể hóa phương châm: chủ động, đoàn kết, hiệp đồng, kết hợp chặt chẽ giữa “xây” và “chống”, lấy “xây” là chủ yếu. Phát huy sức mạnh tổng hợp trong công tác thông tin tuyên truyền, kịp thời cung cấp thông tin, định hướng nhận thức tư tưởng của cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Tăng cường cảnh giác, phát hiện kịp thời, đấu tranh kịp thời và hiệu quả với chiến lược phá hoại của chúng về văn hóa, nhất là ở những những lĩnh vực nhạy cảm như dân tộc, tôn giáo và địa bàn trọng điểm, hòng thực hiện mục đích kích động gây rối về chính trị.

Thường xuyên giáo dục để nhân dân nhận rõ tính chất quyết liệt, phức tạp của cuộc đấu tranh trên lĩnh vực văn hóa.

- Xây dựng đội ngũ trí thức đông đảo, có cơ cấu hợp lý và phát huy lực lượng vai trò nòng cốt của trí thức trên mặt trận văn hóa, tư tưởng.

Đội ngũ trí thức là lực lượng “sản xuất” ra các giá trị tinh thần, là lực lượng nòng cốt trên mặt trận văn hóa, vì vậy, cần chú trọng việc đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ trí thức, phát hiện, bồi dưỡng kịp thời những tài năng khoa học và văn nghệ sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có năng lực chuyên môn giỏi, nhạy bén, sắc sảo để sáng tạo và truyền bá các giá trị văn hóa. Tạo môi trường dân chủ, có cơ chế, chính sách đãi ngộ thỏa đáng cho đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ hoạt động sáng tạo.

- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa. Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên lĩnh vực văn hóa, không chỉ đề ra đường lối phát triển văn hóa đúng, các chủ trương và giải pháp phù hợp, mà còn phải coi trọng công tác chỉ đạo phát triển văn hóa; tăng cường phối kết hợp bảo đảm an ninh văn hóa, an ninh cho con người. Bảo đảm an ninh văn hóa, an ninh con người cũng chính là nhằm bảo vệ Đảng, bảo vệ Nhà nước và chế độ XHCN.

;
.
.
.
.
.