Bà Nguyễn Thị Tuyết Nhung, Chủ tịch Công đoàn Viên chức thành phố: Nhiều vấn đề cần bổ sung kịp thời
Nghiên cứu Dự thảo Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội lần thứ XII của Đảng và phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2016-2020), tôi nhận thấy, nhìn chung dự thảo đã đánh giá khá toàn diện, đúng mức những thành tựu đạt được cũng như những hạn chế, khuyết điểm, yếu kém trong từng lĩnh vực; đồng thời, rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá trình lãnh đạo thực hiện Nghị quyết Đại hội XI và 30 năm đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, để hoàn thiện dự thảo, tôi có những ý kiến góp ý như sau:
Đối với nội dung đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế; đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, đề nghị bổ sung giải pháp thể chế hóa kịp thời các chủ trương của Đảng. Cụ thể hóa các luật đã được Quốc hội thông qua để đáp ứng kịp thời yêu cầu đổi mới và hội nhập quốc tế. Tăng cường công tác quản lý quy hoạch, giám sát các dự án đầu tư của nước ngoài, nhất là dự án đầu tư tại các khu vực liên quan đến quốc phòng - an ninh. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước; đồng thời đổi mới cơ chế quản lý, phải quan tâm đến hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư.
Đối với nội dung đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục, đào tạo; phát triển nguồn nhân lực, cần đổi mới công tác quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo; đổi mới hình thức tổ chức thi và đánh giá kết quả học tập; đổi mới nội dung chương trình đào tạo, gắn nhiệm vụ đào tạo với giải quyết việc làm, cần tập trung xây dựng một số trường đại học trọng điểm để tiến đến xây dựng trường đại học đạt đẳng cấp quốc tế. Đề nghị quan tâm nâng cao đời sống cho đội ngũ nhà giáo bằng nhiều hình thức, trong đó tập trung cải tiến chế độ tiền lương, thưởng. Chú trọng đầu tư xây dựng các trường học ở các cấp bậc học, nhất là những vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc…
Đối với nội dung phát triển văn hóa, xây dựng con người, đề nghị quản lý chặt chẽ việc tổ chức các lễ hội nhằm tránh lãng phí. Bởi thực tế hiện nay lễ hội quá nhiều, thậm chí còn biến tướng, lợi dụng để hoạt động mê tín dị đoan. Tăng cường kiểm soát, ngăn chặn văn hóa phẩm độc hại xâm nhập vào nước ta. Việc trùng tu các di tích văn hóa phải được thẩm định, thực hiện kỹ lưỡng, tránh tình trạng kết quả sau khi trùng tu khác xa so với ban đầu.
Đối với nội dung tăng cường quốc phòng - an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa trong tình hình mới, đề nghị quan tâm đến vai trò an ninh mạng trong tăng cường quốc phòng và bảo vệ Tổ quốc.
Đối với nội dung phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, bảo đảm thực hiện quyền làm chủ của nhân dân, đề nghị bổ sung nội dung: Tạo cơ chế để nhân dân tăng cường giám sát đảng viên, cán bộ, công chức và viên chức; bổ sung thêm phương hướng, nhiệm vụ về hoàn thiện hệ thống pháp luật.
Đối với nội dung hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, đề nghị Quốc hội nên xem xét lại việc ban hành quá nhiều luật, chất lượng và hiệu quả của các luật chưa cao, có luật vừa mới ban hành lại phải sửa đổi; một số luật chưa đi vào cuộc sống, không theo kịp thực tiễn.
Đối với nội dung xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng, đề nghị cần đánh giá việc thực hiện nguyên tắc “Tập trung dân chủ” trong nhiệm kỳ qua vì đây là nguyên tắc cơ bản trong công tác xây dựng Đảng. Hiện nay, một số phần tử cơ hội đã lợi dụng nguyên tắc này trục lợi cá nhân và lợi ích nhóm. Đồng thời, cần xử lý quyết liệt đối với các cán bộ tham ô, tham nhũng, lợi ích nhóm, cán bộ ở cấp, chức vụ càng cao xử lý càng nghiêm; công tác quản lý kê khai tài sản đối với cán bộ quản lý, lãnh đạo cần công khai, minh bạch. Bổ sung một trong những yếu kém cơ bản đối với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XI là khâu tổ chức cán bộ, vẫn còn tình trạng bố trí người không đủ năng lực và phẩm chất vào các vị trí quan trọng.
Thanh Tình ghi