Ông Huỳnh Sơn Hải, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Thanh Khê: Cần thể hiện rõ các quan điểm về phát triển kinh tế - xã hội
Qua nghiên cứu Dự thảo Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI trình Đại hội toàn quốc thứ XII của Đảng, tôi đồng tình, nhất trí cao với dự thảo. Tuy nhiên, trong phần đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2011 - 2015) và phương hướng, nhiệm vụ trong 5 năm tới (2016 - 2020), tôi cho rằng để tạo động lực trong thời gian tới, các quan điểm phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh phải được thể hiện rõ hơn ở một số vấn đề. Nhất là các nội dung về thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, mô hình tăng trưởng, xây dựng Nhà nước pháp quyền gắn với phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu 5 năm 2016 - 2020, cần làm rõ cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; cụ thể hóa bằng pháp luật. Tập trung tạo dựng thể chế, luật pháp, cơ chế, chính sách và môi trường ngày càng minh bạch, an toàn, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp; nhất là các thành phần kinh tế tư nhân tự do sáng tạo, đầu tư, kinh doanh và cạnh tranh bình đẳng trong kinh tế thị trường. Tăng cường đầu tư nước ngoài nhưng có sự kiểm soát chặt chẽ về quốc phòng-an ninh và bảo vệ môi trường, nhất là các dự án đầu tư nước ngoài tại các vùng ven biển, vùng rừng, khu vực biên giới liên quan đến quốc phòng-an ninh. Nhà nước phải quản lý giá cả những mặt hàng thiết yếu. Công nghiệp cơ khí phải chế tạo được những máy móc chủ yếu, có chất lượng cao. Rà soát lại quy hoạch vùng miền; tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô theo quy hoạch phát triển, tạo môi trường và động lực cho phát triển kinh tế - xã hội.
Song song, cần tăng cường tiềm lực khoa học - công nghệ bằng nhiều cơ chế, nguồn lực. Xây dựng chính sách cụ thể để phát triển một số ngành khoa học - công nghệ (KH-CN) chủ chốt, đồng thời, ưu đãi đối với các ngành KH-CN phụ trợ khác; hướng đến nâng cao số lượng các phát minh khoa học được công nhận và cấp bằng sáng chế của các tổ chức quốc tế uy tín trên thế giới. Ứng dựng mạnh mẽ KH-CN vào phát triển nông nghiệp, nâng cao giá trị, thương hiệu sản phẩm. Tập trung xây dựng chính sách để phát triển và nâng cao chất lượng giáo dục đại học, đến năm 2030 đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, nhằm đáp ứng nguồn nhân lực chất lượng cao và hội nhập quốc tế. Đào tạo phải gắn với nhu cầu xã hội; hạn chế mở trường đại học tràn lan. Tăng cường mở các trường dạy nghề chất lượng cao, để đảm bảo nhu cầu lao động trong nước và xuất khẩu. Đổi mới thủ tục hành chính theo hướng hiện đại; nâng cao kỹ năng lập pháp, năng lực ngoại giao để bảo đảm quyền lợi quốc gia khi tham gia hội nhập.
Thanh Tình ghi
Ngư dân Lê Văn Khang, phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà: Cần những chính sách cụ thể hỗ trợ ngư dân nghèo
Theo dõi qua báo, đài về công tác chuẩn bị cho Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII và những thành tựu đã đạt được trong nhiệm kỳ qua, tôi thấy rất vui mừng, phấn khởi trước sự đổi thay của đất nước. Là một người dân sinh sống ở vùng ven biển, cuộc sống của gia đình tôi cũng như hàng trăm hộ gia đình ngư dân ở đây sống chủ yếu dựa vào thu nhập từ nguồn lợi thủy sản nên chỉ mong sao trong nhiệm kỳ tới, Đảng và Nhà nước cũng như thành phố Đà Nẵng tiếp tục quan tâm hơn nữa đến ngư dân, đặc biệt là có nhiều chính sách hỗ trợ ngư dân trong phát triển kinh tế biển như hỗ trợ về chi phí đóng mới, sửa chữa tàu thuyền, mua sắm ngư cụ; hỗ trợ về nuôi trồng thủy sản…
Hiện nay, mặc dù những cơ chế, chính sách trên đã được Nhà nước và thành phố quan tâm nhưng việc hỗ trợ bà con ngư dân triển khai còn gặp nhiều thủ tục rườm rà, khó cho bà con trong việc vay vốn. Do đó, chúng tôi mong muốn trong thời gian tới sẽ có những chính sách cụ thể hỗ trợ bà con ngư dân nghèo để họ có thể vươn khơi, bám biển đẩy mạnh phát triển kinh tế gia đình, giữ vững chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Anh Mai Xuân Hiền, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu: Lựa chọn cán bộ có “tâm”, có “tầm”
Theo tôi, Đảng cần lãnh đạo việc chống tham nhũng tích cực và hiệu quả hơn nữa. Hiện nay, vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên thoái hóa, biến chất về tư tưởng chính trị, về đạo đức, lối sống, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo quản lý, thậm chí cán bộ cấp cao. Do đó, Đảng cần xử lý nghiêm những cán bộ này. Mặt khác, cần sàng lọc để thấy rõ năng lực, phẩm chất, thấy rõ khả năng đáp ứng yêu cầu của mỗi cán bộ, đảng viên để đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ thoái hóa, biến chất, lựa chọn những cán bộ, những người có “tâm”, có “tầm” để quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng họ phục vụ nhân dân.
Trọng Hùng ghi