Hướng đến xây dựng thương hiệu "Đặc sản cá Hòa Khương"

.

Được sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, nông dân xã Hòa Khương (huyện Hòa Vang) đã chuyển đổi đất trồng lúa năng suất thấp sang nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả cao. Nông dân nơi đây còn mở cơ sở sản xuất chả cá, kết hợp nuôi cá và làm du lịch trải nghiệm, tạo ra nhiều khởi sắc giúp ổn định đời sống kinh tế người dân địa phương.

Nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt

Trong ngôi nhà mới khang trang, kiên cố, ông Trần Hữu Chung (thôn Phú Sơn 2, xã Hòa Khương) cứ ngỡ như giấc mơ. Lão nông vẫn còn nhớ rõ, nơi đây đất đai cằn cỗi, canh tác phụ thuộc vào nước trời, mỗi năm chỉ trồng được một vụ lúa, còn lại trồng sắn hoặc bỏ hoang, nông sản làm ra chỉ mong đủ đắp đổi qua ngày. Cho đến khi chuyển sang nghề nuôi cá nước ngọt thì đời sống người dân vùng trung du này mới phát triển. “Mấy năm nay, với nghề nuôi cá nước ngọt, mỗi năm gia đình tôi thu hoạch hơn 20 tấn cá, trừ chi phí, lãi ròng gần 200 triệu đồng”, ông Chung cho biết.

Một trường hợp khác, hộ ông Nguyễn Tiến Dũng (thôn Hương Lam) mạnh dạn cải tạo 16.000m2 đất nông nghiệp thành ao nuôi cá, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Ông Dũng đã đầu tư lắp đặt hệ thống lưu chuyển nước, thường xuyên thay đổi nước trong ao nhằm bảo đảm chất lượng nguồn nước phù hợp cho cá phát triển. Nhờ thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, các loại cá nuôi của ông Dũng đều mau lớn. “Cá nước ngọt dễ bán, mỗi khi thu hoạch đều có thương lái đến mua tại chỗ với giá 40.000-100.000 đồng/kg tùy từng loại cá”, ông Dũng hồ hởi chia sẻ...

Sản phẩm cá nước ngọt ở xã Hòa Khương như: basa, diêu hồng, chép, mè, trắm cỏ, rô-phi, leo.... đã được chọn tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (One Commune One Product - OCOP), do UBND huyện Hòa Vang tổ chức đầu năm 2020 và được các cơ quan có thẩm quyền đánh giá cao. Đồng thời, mô hình nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương được các cấp chính quyền, đoàn thể tích cực tuyên truyền, nhân rộng. Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố vận động nông dân nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn sinh học (xử lý đáy ao tốt trước khi thả cá giống, chỉ nuôi các loại cá ít gây ô nhiễm môi trường nước, thực hiện đúng quy định vệ sinh phòng dịch…). Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố Ngô Thị Kim Cương nhận xét, nuôi cá nước ngọt theo hướng an toàn sinh học rút ngắn thời gian nuôi, giảm chi phí đầu tư, tăng sản lượng, nâng cao hiệu quả kinh tế và bảo đảm cung cấp sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

Nuôi cá gắn với phát triển du lịch trải nghiệm

Từ năm 2013, xã Hòa Khương đã thành lập Tổ liên kết và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt. Những hộ tham gia mô hình này được các cơ quan chức năng hỗ trợ 100% con giống, 30% thức ăn, hỗ trợ men vi sinh, kỹ thuật kiểm nghiệm phân tích môi trường nước, mẫu thức ăn nuôi cá. Các thành viên Tổ liên kết và phát triển nghề nuôi cá nước ngọt đã tận dụng địa thế vùng trung du không bị ngập lụt và khai thác nguồn nước hồ Đồng Nghệ, mạnh dạn đầu tư nuôi cá nước ngọt. Từ đó, nghề nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương ngày càng phát triển.

Đến nay, trên địa bàn xã có hơn 600 hộ làm nghề nuôi cá nước ngọt với tổng diện tích ao nuôi gần 62 hecta. Trong đó, ông Cao Văn Mễ (thôn Phú Sơn 2) thường xuyên dẫn đầu toàn xã về nuôi cá nước ngọt đạt hiệu quả cao. Ông Mễ nuôi cá theo phương pháp cuốn chiếu, mỗi năm thu hoạch 4 lần với tổng doanh thu hàng tỷ đồng. Từ tháng 7-2020, hộ ông Mễ được UBND huyện Hòa Vang hỗ trợ chi phí và kỹ thuật để mở cơ sở sản xuất chả cá với công suất mỗi ngày 1 tấn cá nguyên liệu. Dù chưa hoạt động hết công suất nhưng cơ sở sản xuất chả cá của ông Mễ đã thu hút nhiều hộ nuôi đem cá nguyên liệu đến sản xuất chả. “Tùy theo loại cá, mỗi kg chả cá giá 120.000 - 200.000 đồng, thương lái mua tại chỗ và có bao nhiêu cũng bán hết”, ông Mễ cho biết…

Năm 2016, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thành phố Đà Nẵng đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá nước ngọt ở xã Hòa Khương thành địa chỉ cung cấp nguồn con giống thủy sản. Trung tâm Khuyến ngư nông lâm thành phố giao chỉ tiêu cho Trại Thực nghiệm nông nghiệp Hòa Khương mỗi năm cung ứng 700.000 con cá giống cho các hộ nuôi cá, trong đó, 60% là các giống cá truyền thống (trôi, mè, chép, rô phi, trắm cỏ) và 40% giống cá điêu hồng và cá trê lai.

Mới đây, Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Hòa Khương nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: Tập trung phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn sinh học kết hợp du lịch sinh thái, tiếp tục nâng cao hiệu quả nuôi cá nước ngọt gắn với du lịch trải nghiệm. Chủ tịch UBND xã Hòa Khương Nguyễn Chí Trí chia sẻ, nghề nuôi cá nước ngọt trên địa bàn xã đang phát triển mạnh theo hướng kết hợp nuôi cá với làm du lịch trải nghiệm, đồng thời chính quyền, đoàn thể địa phương tích cực tuyên truyền nhân rộng mô hình sản xuất chả cá và đang làm thủ tục đăng ký thương hiệu “Đặc sản cá Hòa Khương”.

LÊ VĂN THƠM

;
;
.
.
.
.
.