Chung tay tạo việc làm cho người dân

.

Ngũ Hành Sơn là quận có quá trình đô thị hóa diễn ra khá mạnh mẽ với hàng trăm dự án lớn nhỏ đã và đang được triển khai. Điều này tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của người dân. Tuy nhiên, với nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời, đặc biệt là việc chung tay góp sức từ chính quyền địa phương và các hội, đoàn thể nên người dân đã sớm ổn định đời sống.

Bà con nông dân trong Tổ hướng nghiệp sản xuất rau Hòa Hải chuẩn bị cho mùa rau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. 								               Ảnh: T.V
Bà con nông dân trong Tổ hướng nghiệp sản xuất rau Hòa Hải chuẩn bị cho mùa rau Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021. Ảnh: T.V

Đang loay hoay tìm việc thì anh Nguyễn Văn Tiến (khu dân cư Đông Trà, phường Hòa Hải) được người quen khuyên nên tham gia Tổ hướng nghiệp sản xuất rau xanh của phường. Vốn sinh ra và lớn lên trong gia đình làm nông nên anh Tiến đồng ý ngay. Anh vui vẻ khoe: “Từ ngày tham gia Tổ hướng nghiệp sản xuất rau xanh, tôi có thu nhập ổn định, tăng dần theo thời gian. Với gần 500m2 đất trồng các loại rau như cải, rau muống, hành, ngò... tôi có thu nhập trung bình mỗi ngày từ 150.000 đến 200.000 đồng”.

Trao đổi về việc giúp người dân tìm việc làm, ông Hoàng Chí Trung, Phó Chủ tịch UBND phường Hòa Hải cho biết, toàn phường có đến hơn 2.500 hộ bị thu hồi đất để triển khai các dự án. Thời gian qua, các hội, đoàn thể của phường luôn xem việc tìm kiếm cơ hội việc làm cho người dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng. Nhờ chủ trương này mà từ năm 2016 đến 2020, phường đã giúp hơn 2.000 lao động có việc làm ổn định ở các nhà hàng, khách sạn, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ... cũng như tham gia các tổ, nhóm ngành nghề thủ công. Tổ hướng nghiệp sản xuất rau xanh là sáng kiến của Hội Nông dân phường, khi thấy trên địa bàn còn nhiều đất dự án chưa triển khai nên phường đã động viên người dân tranh thủ lúc “đất rảnh”, tổ chức sản xuất rau, tạo việc làm, tăng thu nhập. Từ chỗ chỉ vài người tham gia, sau 2 năm triển khai, Tổ hướng nghiệp sản xuất rau đã biến nhiều vùng đất trống ở Đông Trà thành những mảnh vườn rau xanh, thu hút hàng trăm lao động.

Cũng như phường Hòa Hải, quá trình đô thị hóa đã làm diện tích đất sản xuất nông nghiệp trên địa bàn phường Mỹ An giảm đáng kể, điều này khiến nhiều người dân buộc phải thay đổi ngành nghề. Trước tình hình này, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường cũng như các hội, đoàn thể của phường Mỹ An đã tích cực tìm kiếm các cơ hội tạo việc làm cho hội viên. Thông qua việc triển khai mô hình “Phụ nữ phát triển kinh tế”, Hội LHPN phường đã xây dựng được 6 nhóm, mỗi nhóm từ 30 - 33 thành viên giúp nhau làm kinh tế. Mô hình này đã giúp hàng trăm phụ nữ có việc làm ổn định, không những trụ vững qua những khó khăn của Covid-19 mà còn phát triển khá tốt, thu hút thêm nhiều hội viên tham gia. Nói về nhiệm vụ tạo việc làm cho hội viên phụ nữ, bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội LPHN phường Mỹ An hào hứng chia sẻ: “Thời gian đầu, chúng tôi lo lắng trước tác động của đô thị hóa khiến đất nông nghiệp giảm mạnh. Tuy nhiên, Hội LHPN đã quyết tâm trở thành “bà mối” cho hội viên trong việc tìm kiếm cơ hội việc làm. Chúng tôi đã tận dụng khá tốt các nguồn vốn vay ưu đãi dành cho phụ nữ nghèo, giúp chị em học nghề để chủ động chuyển đổi ngành nghề phù hợp với năng lực”.

Phường Hòa Quý hiện có hơn 30 dự án đã và đang triển khai, với hàng ngàn hộ dân phải di dời giải tỏa, cuộc sống bị đảo lộn khá nhiều. Vì vậy những năm qua, công tác vận động người dân học nghề, chuyển đổi ngành nghề, triển khai những mô hình kinh tế phù hợp để tạo việc làm, tăng thu nhập được chính quyền địa phương rất quan tâm. Trên cơ sở lấy ý kiến của người dân qua chương trình đối thoại đầu năm, những năm qua, phường luôn duy trì hàng chục lớp tập huấn hằng năm về các mô hình sản xuất hiệu quả như trồng nấm rơm, trồng rau thủy canh... Điều đáng ghi nhận trong quá trình phát triển kinh tế hộ gia đình là các hội, đoàn thể như Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn thanh niên... đã giúp hội viên của mình tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi với tổng số tiền lũy kế đến nay hơn 32 tỷ đồng để tổ chức làm ăn. Đặc biệt, lãnh đạo địa phương rất quan tâm và tạo mối quan hệ tốt với các doanh nghiệp lớn trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng để giới thiệu việc làm cho người dân của mình. Tính đến nay, Hòa Quý có gần 600 lao động, chủ yếu thuộc diện hộ nghèo, hộ giải tỏa di dời được nhận vào làm việc ở các doanh nghiệp trên địa bàn thành phố và tỉnh Quảng Nam với thu nhập ổn định.

Hàng trăm dự án đã và đang được triển khai trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn đã tác động không nhỏ đến đời sống, việc làm của người dân. Tuy nhiên với nhiều chính sách đúng đắn, kịp thời, từ nhiều nguồn lực của địa phương nên người dân đã sớm chuyển đổi ngành nghề, ổn định đời sống. Điều này được thể hiện khá rõ qua việc liên tục từ năm 2016 đến 2020, mỗi năm quận đều tạo hơn 3.000 lao động mới, đạt mức bình quân 110% so với kế hoạch. Đây cũng là yếu tố quan trọng giúp quận Ngũ Hành Sơn xóa hết 1.895 hộ nghèo theo chuẩn thành phố vào cuối năm 2019.

THANH VÂN

;
;
.
.
.
.
.