Cắt tay, đòi tự tử
Mỗi lần lặn lội đến BV Tâm thần, chị T. đều nhận sự im lặng, lầm lỳ từ người chồng nghiện rượu. |
Câu chuyện của chúng tôi bắt đầu từ một bệnh nhân 37 tuổi, chưa vợ, sống chung với gia đình tại phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu. Trước đây, anh P. (tên người bệnh) là lái xe đường dài. Biết uống rượu đã gần 20 năm và nghiện rượu trên 10 năm. Tửu lượng của anh P. mỗi ngày là 1 lít, chủ yếu là rượu gạo nấu thủ công tại địa phương. Uống rượu cũng bình thường nhưng vì sao anh phải vô BV để điều trị? Trả lời câu hỏi của chúng tôi là nụ cười hiền lành, trong khuôn mặt trắng trẻo nhưng tiều tụy do ngủ nhiều và thiếu… rượu. Anh P. kể: Tôi uống rượu từ nhỏ, uống riết rồi thấy bỏ không được mà mỗi ngày đều thấy tăng dần. Sau tai nạn giao thông ở chân, tôi ở nhà, không đi làm.
“Hồ sơ bệnh án ghi, về bệnh nhân P., đây không chỉ lần đầu bệnh nhân này được đưa vào đây cai rượu, mà đã 4 lần rồi. Nếu không cho tiền để anh này uống rượu, anh sẵn sàng “thượng cẳng chân, hạ cẳng tay” đánh đập những người khác trong gia đình, quậy phá, chửi hàng xóm”- bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Đau lòng hơn là trường hợp của chị N.T.T, vợ của bệnh nhân T. Chị cho biết, chồng chị là người rất hiền. Nhưng có một cái tật xấu là thích uống rượu. “Hễ ảnh uống vô ba chén là nói nhảm, nói bậy. Có khi bị thanh niên gần nhà đánh vì bị ảnh châm chọc khi say. Tôi thương chồng quá nên đâu dám đi đâu xa mà chỉ quanh quẩn giữ anh T. trong nhà. Chị T. tiếp lời: Trước khi đưa vô đây hai bữa, tối đó ảnh uống rượu với mấy người bạn say bí tỉ, tôi pha nước cam cho ảnh uống, sau đó vì quá khuya nên tôi ngủ thiếp đi. Tôi đâu biết ảnh không ngủ mà đi lục lọi lấy mấy lon bia do con tôi uống còn thừa uống hết. 3 giờ sáng, anh T. lấy dao tôi cắt cam cắt mạch máu tay. May mà tôi phát hiện kịp”. Theo lời chị T., trước đó anh T. cũng đã đòi tự tử do quá lú lẫn vì rượu.
Gian nan việc cai nghiện rượu
Đến thời điểm hiện nay, chỉ có BV Tâm thần Đà Nẵng mới đủ các điều kiện cơ sở vật chất và đội ngũ y, bác sĩ chuyên sâu tiếp nhận điều trị cho bệnh nhân bị hoảng loạn và lú lẫn do chứng nghiện rượu rây ra. Chuyện cai rượu, mà khởi đầu của hành trình rất đỗi gian khổ này - theo các bác sĩ dùng từ chuyên môn là “cắt cơn sảng rượu” được đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt của những người vợ chịu đựng khổ cực, xấu hổ khi chung chăn gối với những ông chồng nghiện rượu mỗi ngày.
Khi mới đưa vào BV Tâm thần, nếu không hoảng loạn, sợ sệt thì người bệnh trở nên lầm lỳ vì không có mùi men như từng có ở nhà. Bệnh nhân H. (sinh năm 1954, trú tỉnh Quảng Nam) là một điển hình. Đã không dưới 5 lần chị T. (vợ anh H.) giữa đêm hôm phải tức tốc thuê xe ôm chở chồng từ thị trấn Khâm Đức, huyện Phước Sơn xuống BV Tâm thần Đà Nẵng điều trị, nhưng hầu như mỗi lần xuống thăm chồng, chị T. đều nhận sự lầm lỳ, dọa nạt, mắng mỏ của chồng. “Khổ lắm chú ơi, tôi không những bị đánh, hàng trái cây kiếm sống hằng ngày nhiều lần bị hất đổ tứ tung mà mỗi lần thương chồng, xuống thăm chồng đều nhận sự lạnh nhạt, phũ phàng bởi tôi không mang rượu đến cho ảnh” - chị T. nghẹn ngào trong nước mắt.
23 năm làm việc tại BV Tâm thần, bác sĩ Lê Văn Nguyên không nhớ nổi mình đã điều trị cắt cơn cho bao nhiêu bệnh nhân nghiện rượu, duy chỉ có điều bệnh nhân đưa vào rồi đưa ra BV mà ông chứng kiến là chuyện như cơm bữa. “Cai rượu cũng giống như cai ma túy, cai thuốc lá. Bởi vì, cắt cơn sảng rượu đối với chúng tôi là điều không khó lắm, nhưng cái khó là sau một thời gian điều trị nội trú ở BV, bệnh nhân khi trở về nhà lại bị tác động của người thân, hàng xóm. Có nhiều người bệnh kể, khi họ đi dự tiệc hay đám giỗ do vui quá, lâu ngày được gặp người thân, bạn bè nên uống một hai chén. Sau đó họ lại tìm mọi cách để uống trở lại. Mà tửu lượng lần sau tăng rất nhiều, sau đó họ lại được đưa vào đây cai lại. Nhưng rồi tái nghiện trở lại. Cứ thế, cái vòng luẩn quẩn, cai - rồi tái nghiện đối với người nghiện rượu là chuyện rất bình thường. Do vậy, khả năng cai rượu thành công đối với người nghiện rượu trên 10 năm là rất ít” - Bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Ở BV Tâm thần, trước đây ghi nhận không ít trường hợp nghiện rượu dẫn đến bệnh tâm thần phân liệt, tức là không còn nhận biết hành động của mình ngay cả khi không còn thèm rượu. Bệnh nhân T. (trú phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu) mới chỉ 29 tuổi, nghiện rượu 3 năm nhưng do uống quá nhiều rượu nên bệnh nhân này đã bị bệnh tâm thần, mất hết khả năng lao động. Cho đến nay, tỷ lệ bệnh nhân nghiện rượu đưa vào điều trị tại BV tâm thần Đà Nẵng chiếm khoảng 5 đến 7%, tuy vậy khả năng từ bỏ rượu hoàn toàn sau khi cai vẫn là rất ít.
Các loại bệnh do nghiện rượu gây ra Viêm gan: Viêm gan do rượu là tình trạng viêm và hoại tử tế bào gan kéo dài 1-2 tuần. Triệu chứng gồm: chán ăn, buồn nôn, ói, đau bụng, sốt, vàng da, thỉnh thoảng có rối loạn tâm thần. Bệnh có thể diễn tiến đến xơ gan do uống rượu nhiều năm. Sảng run: Bệnh sảng run chỉ xảy ra ở người nghiện rượu. Nguyên nhân gây ra sảng run là nhiễm độc hệ thần kinh và rối loạn chuyển hóa do rượu. Bệnh xuất hiện sau khi ngừng uống rượu từ khoảng 12-48 giờ với 2 nhóm triệu chứng nổi bật là rối loạn ý thức kiểu mê sảng và các rối loạn về thần kinh. Nếu không điều trị sẽ tiến triển xấu, các rối loạn ngày càng trầm trọng, người bệnh có nguy cơ tử vong. Bệnh gút: Lượng cồn nhiều là một trong những nguyên nhân dẫn đến bệnh gút. Ban đầu, các chất cồn dư thừa, tích tụ lại sau nhiều lần quá chén sẽ gây ra những trục trặc cho quá trình trao đổi chất và chuyển hóa năng lượng. Sự tích tụ chất này trong các ổ khớp sẽ dẫn đến bệnh gút, phá hủy mạn tính khớp, gây nên các cơn viêm khớp cấp với các biểu hiện sưng đỏ và đau nhức. Bệnh tim mạch: Các loại đồ uống có nồng độ cồn cao làm suy yếu các cơ và suy yếu tim mạch. Tim không thể bơm máu đi một cách hiệu quả như bình thường, khi đó sẽ xảy ra hiện tượng dồn chất lỏng lên phổi. Nồng độ cồn càng cao, tác động lên tim càng lớn, làm hẹp các mạch máu và tăng áp lực trong máu, buộc tim phải hoạt động mạnh hơn. Ngoài ra, chúng còn gây ra chứng rối loạn nhịp tim. Bệnh phổi: Nếu uống rượu trong một thời gian dài, các chất cồn sẽ làm mất đi một chất chống ô-xy hóa quan trọng trong phổi làm phổi bị tổn thương vĩnh viễn và vô hình trung đặt cơ thể bạn trước nguy cơ mắc các bệnh nguy hiểm như viêm phổi và các bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp khác. Bệnh viêm loét dạ dày-tá tràng: Sau khi rượu được đưa vào cơ thể, dạ dày là trạm dừng chân đầu tiên của cồn. Chỉ trong vòng 5 phút, 20% quân số sẽ lập tức xâm nhập vào máu bằng cách trượt đi giữa các tế bào biểu mô sản xuất chất nhầy. Tại đây, cồn sẽ làm suy yếu các biểu mô bảo vệ dạ dày làm tăng nguy cơ mắc các bệnh viêm nhiễm, ợ nóng, viêm loét và chảy máu. (Nguồn: Thạc sĩ Tôn Thất Thạnh-Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng thành phố Đà Nẵng) |