Sau nhiều ngày thâm nhập và làm nhân công tại chợ Cảng cá Thọ Quang, chúng tôi đã phát hiện sự thật về các công đoạn chế biến cá và chả cá hết sức dơ bẩn mà chỉ người làm ra mới biết. Những góc khuất nơi đây sẽ phần nào nói lên sự buông lỏng quản lý của các ngành chức năng đối với vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm và môi trường.
Nhếch nhác khu nhà lồng chế biến cá ẩm thấp, cá đổ dưới nền chợ, người làm cá không mang đồ bảo hộ. |
6 giờ sáng, mặc trên người bộ quần áo tuềnh toàng, tôi trong vai một người thất nghiệp, xin vào làm công cho một hộ buôn cá ở chợ Cảng cá Thọ Quang, quận Sơn Trà. Lân la một hồi, tôi được nhận việc. Bà chủ cá đã lớn tuổi hất hàm về phía cái bàn mổ cá còn trống. Hai con dao dài, một cái kéo, một cái muỗng, bà vứt xoẹt lên chiếc bàn nhỏ: “Đó làm đi. Không quen thì ra mua đôi bao tay mang vô”. Tôi mua đôi bao tay cao su 11.000 đồng và bắt đầu ngồi phi lê hai két cá (sọt nhựa – PV), đựng chừng 50 kilôgam loại bã trầu con cỡ bự bốc mùi tanh lợm. Công việc của tôi là làm chả cá sơ chế từ nguyên liệu cá ươn mà các công ty thu mua hay quán ăn, nhà hàng chê không lấy.
Cả trăm kilôgam cá lớn, nhỏ được đổ xuống nền chợ. Cắt đầu cá xong, nhúng sơ qua một chậu nước (dùng đi dùng lại cả buổi) rồi đem phi lê, quẳng vào chiếc rổ hoặc để trên bàn. Đưa mắt quan sát quanh chợ, thấy mấy chị làm ẩu, những miếng cá rớt xuống nền nhà nhầy nhụa nước bẩn, nhưng lại được bốc lên cho vào túi nilon đóng gói. Trong lồng chợ, mấy con gà đi ăn rong, chốc chốc lại xoẹt một bãi phân xuống nền nhà.
Tôi thấy rùng mình trước kiểu chế biến chả cá kinh khủng đó và thắc mắc “sao không rửa lại nước” thì bà chủ lạnh lùng nói: “Rửa chi cho hư cá, để lâu không được”. Thỉnh thoảng người ta lia cho tôi cục đá mài dao sắc bén. Mỗi lần mài, bột cặn đá mòn ra cùng với mùn thớt đen sì trộn lẫn vào thịt cá, tất cả được bốc hết vào bao gói lại. Trời nắng nóng, bầy ruồi xanh vo ve kéo đến. Tôi lấy tay xua, nhưng cứ vứt xuống một miếng cá là ruồi bay lên rồi hạ xuống, đuổi mỏi cả tay. Dì làm cá ngồi trước mặt tên Tuyết quay qua nhắc: “Hơi sức mô mà đuổi cho mệt, kệ hắn con”. Theo quan sát của tôi, tất cả mọi người không đuổi ruồi vì sợ “mất năng suất”! Bầy ruồi xanh được thể mặc sức bâu bám vào những rổ cá khiến tôi lo lắng, nhưng vì “năng suất” tôi lại thôi. Hóa ra, ở đây, để kiếm được nhiều tiền cho một ngày công, mọi người phải làm nhanh, làm ẩu, cho dù thấy bẩn đó, mất vệ sinh đó, nhưng mặc kệ.
Rác rưởi, vật thải của chợ cá bị đẩy xuống cống. |
Trong khuôn viên nhà lồng - khu vực dành cho chế biến, có hơn trăm người đang miệt mài phi lê, róc, tách, bóc, nạo cá… Xung quanh đủ loại cá, ghẹ ươn nhũn, rách bụng, mất đầu, nát bấy, xộc lên một mùi thum thủm khó chịu. Chờ bà chủ ra bến thu mua, một dì cùng làm bắt chuyện: “Răng con không xin vô công ty mà làm. Ở đây cực lắm, lại nhớp nữa, có chịu nổi không?”. Tôi đáp: “Dạ con đã từng làm rồi, vô công ty mất công phải nộp hồ sơ. Làm ri tự do hơn”. Dưới cái nền chợ cũ kỹ, xi-măng lổ chổ tróc từng đám, tạo ra ổ gà đọng lại những vũng nước đen ngòm, tất cả mọi người đều làm cá, ăn uống và tranh thủ những giấc ngủ tại đây. Đồ đạc dùng để đựng cá lộn xộn và nhếch nhác. Những cái két đựng cá và xô chậu bám đầy một lớp lầy nhầy cáu bẩn. Sau một buổi làm, bao nhiêu vi vảy, ruột cá, rác rưởi còn sót lại được dội xuống dưới một cái cống đen đặc quánh vì tắc nghẽn không thể thoát nước.
Suốt từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, dù có mang bao tay nhưng do tiếp xúc liên tục với sự ẩm ướt và phải dùng tay tách xương cá quá lâu, tôi bị vây cá đâm thủng, hai bàn tay mềm nhũn, trắng bệch, nhăn nheo như tay người chết trôi. Toàn thân tôi từ tóc đến quần áo, hôi rặt mùi cá tạp, cái mùi ám ảnh suốt một quãng đường dài về nhà. Kết thúc một ngày, tôi được trả 70.000 đồng tiền công tương ứng gần 40 kilôgam cá đã lọc xong. Thấy tôi nhận tiền công, một cô bé đang học cấp 3 theo mẹ ra phụ làm cá nói: “Chị về nhớ mua thuốc mà bôi nghe. Em đây cũng bị nước ăn ghẻ hết ngón nè”.
Những ngày tiếp tục làm công, tôi lại có dịp tiếp xúc với nhiều người chế biến cá và chả cá. Đáng sợ nhất là quy trình làm cá thủ công trong toa-lét. Thật kinh khủng đến mức, tôi nghĩ có cho nắm tiền cũng không bao giờ dám ăn. Không gian nhà lồng chế biến cá sống chật hẹp đã ăm ắp cả trăm con người. Nơi đường luồng dẫn vào khu vực nhà vệ sinh cũng có trên chục con người ngồi phơi cá khô và chế biến các loại cá thành phẩm có thể dùng ăn ngay. Lấy cớ đi vệ sinh, tôi bước vào toa-lét. Một trong hai phòng nam và nữ thường chỉ mở he hé. Nhìn vào phía trong, thấp thoáng có vài bóng người đang tẩm gia vị mắm, ớt, bột ngọt phết lên những tấm cá mà chúng ta thường hay ăn như cá đéc, cá nhồng, cá chỉ vàng... Thấy người lạ, một chị trong đó đưa mắt dè chừng và vội cầm xô nước tạt dưới nền nhà vệ sinh...
Phóng sự của DUYÊN ANH