.

Có một "cột mốc Trường Sa" trong lòng Đà Nẵng

.

(ĐNĐT) - Với tâm nguyện góp phần vào việc giáo dục cho các thế hệ sau về tình yêu đối với biển đảo thân yêu của Tổ quốc cùng với mong muốn đây sẽ là cầu nối để các chiến sĩ đồng đội của mình có cơ hội đoàn tụ nhau, ông đã xây dựng trong khuôn viên đất của mình mô phỏng cột mốc chủ quyền mang tên Đảo Trường Sa Đông (thuộc đảo Trường Sa, Khánh Hòa).

Cột mốc chủ quyền mang tên Trường Sa Đông nằm trung tâm khuôn viên cơ sở đá mỹ nghệ của gia đình ông Xuất và nằm sát tuyến đường Trường Sa, hướng ra Biển Đông.
Mô phỏng cột mốc chủ quyền mang tên Trường Sa Đông nằm trung tâm khuôn viên cơ sở đá mỹ nghệ của gia đình ông Xuất và nằm sát tuyến đường Trường Sa, hướng ra Biển Đông.

Ông là cựu chiến binh Trần Văn Xuất (sinh năm 1965, trú Tổ 34 phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng).

Tự hào là lính Trường Sa

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình ngư dân, năm 1984, cùng với biết bao thanh niên khác, chàng trai trẻ Trần Văn Xuất vui vẻ lên đường nhập ngũ và được phân công ra làm nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông (thuộc quần đảo Trường Sa, Việt Nam). Sau một thời gian ngắn, ông Xuất thích nghi với cuộc sống trên đảo và được cấp trên tin tưởng giao chức tiểu đội trưởng DKZ75.

“Khi đó anh em lính tráng chúng tôi sống trên đảo với vô vàn khó khăn, cả đến bộ quần áo mặc cũng rất thiếu thốn, nhưng tinh thần ai nấy đều rất lạc quan và tự hào”, ông Xuất nhớ lại.

Ông hào hứng kể lại một kỷ niệm vui và rất xúc động về một dịp ông cùng các chiến sĩ trên đảo Trường Sa Đông được gặp và trò chuyện với Phó Đô đốc Hải quân Việt Nam lúc bấy giờ là ông Giáp Văn Cương.

“Lúc đó khó khăn không có cả áo mặc, tôi đang đứng gác nhưng cũng chỉ mặc chiếc quần đùi, cởi trần thì ông ấy bước tới bên cạnh rồi hỏi han. Tôi cũng chỉ nghĩ là ai đó trong chuyến tàu vận chuyển hàng ra đảo chứ không biết đó là một vị chỉ huy cấp cao của Hải quân ra thăm đảo. Sau khi ân cần hỏi thăm, ông nói với tôi “chúng tôi sẽ không quên các anh” mà cho tới bây giờ cứ mỗi lần nghĩ lại tôi lại thấy xúc động và tự hào vì mình là bộ đội Trường Sa”, ông Xuất bồi hồi nhớ lại.

Ông Xuất bên mô phỏng cột mốc mang tên đảo Trường Sa Đông.
Ông Xuất bên mô phỏng cột mốc mang tên đảo Trường Sa Đông.

Đến tháng 5-1987, ông cùng các đồng đội trở về quê hương sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ quân sự trên vùng biển đảo thân yêu của Tổ quốc.

“Vì yêu cầu bí mật lúc bấy giờ nên khi rời đảo, anh em chúng tôi không ai được phép tạm biệt ai. Về tới đất liền thì mọi người mỗi người một quê khắp Bắc chí Nam và ai nấy lao vào làm ăn kinh tế để chăm lo cho gia đình nên mọi người biệt tăm nhau”, ông kể.

Thế rồi vào khoảng năm 2005, trong một lần được ra thăm Vịnh Cam Ranh (Khánh Hòa), khi nhìn ra biển ông lại nhớ về các đồng đội xưa và tự nhủ sẽ phải bằng mọi cách liên lạc và đi tìm được các anh em trong đơn vị từng sống và chiến đấu ở đảo Trường Sa Đông.

“Trên đảo hồi đó có 32 người nhưng sau khi xuất ngũ mỗi người mỗi nơi nên không ai có điều kiện để liên lạc với nhau, nhưng chính những câu chuyện, những tâm sự mà chúng tôi chia sẻ cùng nhau khi còn làm nhiệm vụ ở đảo là đầu mối giúp tôi tìm lại địa chỉ của những đồng đội”, ông kể.

Kể từ đó, ông không quản khó khăn, cất công lặn lội đi khắp tỉnh thành từ Bắc chí Nam và đã tìm gặp được 25 đồng đội năm xưa. “Còn 6 đồng đội nữa chưa tìm được địa chỉ nên tôi đã nảy sinh ra ý tưởng sẽ xây dựng mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa ở đây với hy vọng, nếu đã là người lính từng làm nhiệm vụ ở đảo Trường Sa Đông thì khi đi ngang qua họ sẽ nhận ra ngay”, ông Xuất nói.

"Cột mốc" giáo dục tình yêu biển đảo quê hương

Đầu năm 2008 ông bắt tay vào xây dựng mô phỏng cột mốc mang tên Trường Sa Đông dựa theo nguyên bản cột mốc ở huyện đảo Trường Sa và đến cuối năm hoàn thành với mức đầu tư xây dựng gần 200 triệu đồng.

Một trong hai cây bàng vuông trồng cạnh mô phỏng cột mốc mang tên đảo Trường Sa Đông.
Một trong hai cây bàng vuông trồng cạnh mô phỏng cột mốc mang tên đảo Trường Sa Đông.

Mô phỏng cột mốc Trường Sa Đông có chiều cao 6m, rộng 1,5m, tọa lạc trong khuôn viên trưng bày các sản phẩm đá mỹ nghệ non nước của gia đình, nằm ngay bên cạnh tuyến đường ven biển đẹp nhất Đà Nẵng mang tên đường Trường Sa hướng ra Biển Đông.

Đặc biệt, hai bên cạnh của cột mốc là hai cây bàng vuông được mang về từ đảo Trường Sa lớn. Trong đó, một cây do nguyên Chính ủy Vùng 4 Hải quân Đặng Minh Hải tặng năm 2009 và một cây khác do nguyên Trung đội trưởng Đảo Trường Sa Đông Đào Tất Thắng tặng năm 2011.

Kể từ đó, mô phỏng cột mốc chủ quyền Trường Sa đã thu hút đông đảo sự quan tâm của người dân địa phương cũng như khách du lịch trong và ngoài nước. Ông Xuất nói vui, đến giờ chưa thể thống kê được có mấy chục hay mấy trăm nghìn lượt người tới tham quan, chụp ảnh bên cạnh cột mốc này, nhưng nếu cứ thu phí mỗi người 10.000 đồng thì bây giờ số tiền này cũng lên tới cả vài tỷ đồng.

Điều mà ông Xuất cho là kỳ diệu nhất là sau đó, thông qua những câu chuyện bên mô phỏng cột mốc thiêng liêng này ông đã hỏi thăm được thông tin của tất cả các đồng đội trên đảo Trường Sa Đông cùng với mình năm xưa.

Đến giờ, cột mốc chủ quyền Trường Sa tại khuôn viên nhà ông Xuất đã trở thành nơi giáo dục về truyền thống yêu nước cho các thế hệ trẻ.

Người cựu chiến binh Trường Sa cho biết: “Cứ mỗi lần có đoàn sinh viên, học sinh đến thăm quan các sản phẩm đá mỹ nghệ của chúng tôi đều tỏ ra rất thích thú khi được nhìn tận mắt mô phỏng cột mốc chủ quyền này. Dù bận đến mấy tôi luôn sắp xếp thời gian để giới thiệu cho các em về quần đảo Trường Sa nói chung và đảo Trường Sa Đông nói riêng. Nhìn các em hào hứng chụp những tấm hình bên cạnh mô phỏng cột mốc thiêng liêng của Tổ quốc lòng tôi lại nôn nao khó tả. Tôi chỉ muốn nói cho các cháu, các em thế hệ sau hiểu được Trường Sa, Hoàng Sa là của Việt Nam, là một phần lãnh thổ không thể tách rời, là mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc!”.

Có một lần ông thấy một người khách ở tận Bình Định đến Đà Nẵng khi nhìn thấy mô phỏng cột mốc này đã bỏ thời gian gần một ngày để chụp ảnh và tìm hiểu. “Khi thấy người này sau đó cứ ôm cột mốc và khóc càng làm tôi thấy xúc động và càng thấy tự hào về tình yêu biển đảo quê hương của người Việt Nam mình”, ông Xuất nói, giọng đầy tự hào.

Bên cạnh giới thiệu cho du khách trong nước, ông Xuất còn rất hào hứng và thường xuyên giới thiệu mỗi khi có các đoàn khách du lịch nước ngoài tới tham quan, tìm hiểu về mô phỏng cột mốc này.

Hiện nay, ông Xuất là Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh tổ 15A phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn và là Phó Ban liên lạc bộ đội Trường Sa tại thành phố Đà Nẵng. 

Ông cũng là một trong những chủ cơ sở sản xuất kinh doanh đá mỹ nghệ lớn ở Non Nước. Phần lớn những công nhân của ông đều là con em cựu chiến binh, cựu chiến binh và bộ đội xuất ngũ.

Ông Xuất hiện có bốn người con, trong đó người con trai thứ hai 19 tuổi đang tham gia nghĩa vụ quân sự tại đơn vị 354, Vùng 3 Hải quân.

Bài và ảnh: Đắc Mạnh

;
.
.
.
.
.