.

Bên thềm WTO

.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) dự kiến hôm nay (26-10) sẽ xác nhận tư cách thành viên của Lào, mở đường để quốc gia gồm 6,4 triệu người này được hưởng những lợi ích trong hoạt động xuất nhập khẩu và từ đó thu hút các nhà đầu tư.

Thạt Luang và một góc thủ đô Vientiane.
Thạt Luang và một góc thủ đô Vientiane.

Sau đó, theo kế hoạch, cuối năm nay, Quốc hội Lào sẽ phê chuẩn việc gia nhập WTO, một động thái được cho là quan trọng để Vientiane giảm tỷ lệ đói nghèo vốn xếp cao nhất ở châu Á. Giáo sư Hal Hill tại Đại học quốc gia Úc nghiên cứu về các nền kinh tế Đông Nam Á cho rằng hiện tại, thị trường Lào dường như trở nên thật sự cạnh tranh chứ không như trước. Tuy nhiên, theo Reuters, quá trình chuyển đổi sau khi gia nhập WTO sẽ khó khăn bởi đòi hỏi rất nhiều cải cách.

Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Lào Nam Viyaketh cho rằng, 15 năm chuẩn bị, đàm phán là quá dài, quá rườm rà để Lào trở thành thành viên của cơ quan thương mại thế giới có trụ sở tại Geneva (Thụy Sĩ). Ông Viyaketh gọi đây là mục tiêu đầy tham vọng và cũng đầy thực tế của Lào. Song, điều này sẽ mang đến cho Vientiane cơ sở cần thiết để đạt được mục tiêu thoát khỏi danh sách các nước kém phát triển nhất vào năm 2020.

Lào vốn là một trong nước nghèo nhất khu vực châu Á, người dân sống chủ yếu dựa vào nghề nông. Hiện mới 2 công ty niêm yết cổ phiếu trên sàn chứng khoán. Tuy nhiên, hơn một thập niên qua, kinh tế tăng trưởng hơn 7%/năm. Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho biết, nhờ sự phát triển về khai thác mỏ, đầu tư vào thủy điện, xuất khẩu và nhập khẩu, Lào trở thành một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á, với mức tăng trưởng 7,9% trong năm nay. Sự hiện diện của ô-tô Nhật Bản và các loại xe khác đã đánh thức những con phố ngái ngủ ở Vientiane. Đầu tư nước ngoài tăng từ 300 triệu USD trong năm 2005 lên 1,5 tỷ USD vào năm 2011, nhưng theo Ngân hàng Thế giới (WB) thì 80% số tiền này được rót vào thủy điện và các dự án mỏ.

Thực tế, Lào là nước duy nhất ở Đông Nam Á chưa có tên trong WTO mặc dù lần đầu tiên Vientiane đệ đơn xin gia nhập tổ chức này vào năm 1997. Suốt 15 năm qua, Lào đã tiến hành các cuộc đàm phán phức tạp với các thành viên WTO về những vấn đề thuế quan và thị trường. Luật Thương mại cũng đã được nước này sửa đổi để đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.

Một số quan điểm cho rằng, việc vào WTO đối với Lào chỉ mang tính biểu tượng của quá trình hội nhập. Nhưng giáo sư Hill vẫn nhận định tiến vào WTO có thể giúp các nhà cải cách ở Lào thúc đẩy chương trình của họ. Các nhà quan sát cũng đánh giá về triển vọng dòng chảy đầu tư mới sẽ được đổ vào Lào khi cánh cửa WTO mở ra. Nhiều bài học mà Vientiane sẽ đúc rút được từ chính những quốc gia Đông Nam Á khi bước chân vào WTO. Theo đó, thế giới có thể thấy hình ảnh mới mẻ và đổi thay của đất nước triệu voi.   

WB cho rằng, Lào đang đi đúng hướng để thực hiện mục tiêu năm 2020. Trong khi đó, ông Carr Slayton tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN, đại diện cho các công ty Mỹ ở Đông Nam Á nhấn mạnh rằng, tư cách thành viên WTO là bước đi quan trọng với Lào để tạo môi trường thuận lợi cho đầu tư.

PHƯƠNG THẢO

;
.
.
.
.
.