Kỳ cuối: Đong đầy nỗi lo
TIN LIÊN QUAN |
---|
Gần 20 năm bám biển, Tư thợ lặn nếm đủ các ngón của nghề lặn, từ lặn phế liệu, đến lặn tôm hùm giống, lặn hàu, chíp chíp... để mưu sinh. Nhưng cũng có lúc anh tham gia lặn để giúp thi công các công trình cầu ở độ sâu vài chục mét.
Mỗi thành viên vạn giã tự trang bị những dụng cụ hết thức thô sơ nên sự nguy hiểm luôn cận kề bên cạnh. |
Dù mới ngoài 30, nhưng trên gương mặt Tư thợ lặn đầy những nét thô ráp, nước da ngăm quánh, vóc dáng mạnh mẽ và chất giọng ồm ồm. Cả khu vực quận Sơn Trà hiện có hơn 300 người làm nghề vạn giã. Riêng bố của Tư thợ lặn có 9 người con thì 7 người theo nghề lặn biển.
Nhấp ly trà đặc quánh, Tư thợ lặn tiếp lời, nghề thợ lặn không thất nghiệp, hết mùa lặn nghêu, chíp chíp thì lặn tôm hùm giống, hết mùa tôm giống thì lặn phế liệu từ biển… Nhưng dù lặn gì đi nữa, cánh thợ lặn cũng luôn phập phồng lo sợ bởi lưỡi hái của thủy thần luôn cận kề bên cạnh.
Ông Đặng Văn Sắt (tổ 58, phường Nại Hiên Đông) đã có hơn 50 năm trong nghề thợ lặn tiếp nối câu chuyện: Nghề thợ lặn giàu không giàu, nghèo cũng chẳng nghèo, khi đã gắn bó bén duyên với nó thì giống như cái nghiệp. Vì vậy, 3 con trai của ông, đứa nhỏ nhất mới 14 tuổi cũng không chịu đến lớp mà theo cha đi nghề lặn biển.
Đăm chiêu trong cái gió lành lạnh và mặn chát vị biển, ông Sắt kể về những nỗi khổ và hiểm nguy mà người thợ lặn phải luôn đối mặt. Ông cho biết, tiêu chí mà thợ lặn cần có đó là sức khỏe, nhưng dù sức khỏe tốt như thế nào thì cũng chỉ có thể lặn khoảng 2 - 2,5 giờ là phải lên ghe nghỉ ngơi. Chính thời gian không cho phép làm việc lâu dưới đáy biển, nên mỗi khi lặn, vạn lặn phải tự “bóc lột” sức lao động của mình. Ông kể, khi lặn phế liệu thì phải dùng sức mạnh để dùng cây thuồng bằng sắt thăm dò, phát hiện có “lộc biển” thì phải đào sâu xuống đáy biển, dùng dây thừng buộc vào và xúm nhau kéo lên. Trong các ngón nghề lặn biển, lặn tôm hùm giống là gọn nhẹ nhất nhưng cũng nguy hiểm nhất. Vì thời gian “săn” tôm hùm giống thường rơi vào mùa đông, cái lạnh cắt da cắt thịt ở trên bờ không chịu nổi huống gì lặn sâu dưới biển từ 3 - 15 mét. Nhưng cuộc sống cơm, áo, gạo, tiền buộc cánh thợ lặn ngày đêm phải bám biển.
Hiện nay, cánh thợ lặn Đà Nẵng vẫn lặn bằng không khí bơm trực tiếp từ các máy nén khí. Máy nổ nén khí được đặt trên thuyền, dẫn xuống cho thợ lặn bằng ống dẫn khí hàng trăm mét nên rất dễ xảy ra sự cố. “Có khi, cứ mê mải lặn, người quan sát trên thuyền lại không để ý, vì cứ thấy máy nén khí vẫn nổ (nhưng đôi lúc máy nổ nhưng lại không có không khí) sự cố như vậy là mất mạng hàng loạt như chơi”, ông Sắt cho biết.
“Một nỗi kinh hoàng khác đối với thợ lặn tôm hùm vào ban đêm là sự cố ở dây dẫn nối từ bình nén xuống nước. Thời điểm này người ngồi trên thuyền rất dễ buồn ngủ. Và chỉ cần dây dẫn khí vướng vào một vật nào đó, không khí không xuống được, thợ lặn không được kéo lên kịp thời, vậy là xảy ra chuyện chẳng lành”, Tư thợ lặn tiếp lời.
Bên cạnh đó, để giữ cho người luôn chìm dưới đáy biển, mỗi thợ lặn phải đeo thêm 12 - 14kg chì hoặc đoạn dây xích sắt bên lưng. Dưới áp lực của nước, cộng thêm chừng ấy trọng lượng mang theo trên người, cứ mười thợ lặn thì không dưới 7, 8 người đau lưng, đau cột sống, đau thận. Cánh thợ lặn bảo nhau: “Đấy là bệnh nghề nghiệp của đời lặn”. Ngoài ra, khi lặn xuống nước cũng như khi trồi lên, do thay đổi áp suất đột ngột, người thợ lặn có thể thủng màng nhĩ, tê liệt nửa thân dưới. Nhiều thợ lặn sau một thời gian làm việc đã có biểu hiện liệt. Đây là bệnh nghề nghiệp cấp tính, xuất hiện khi lặn sâu trên 15 mét và ngoi lên mặt nước nhanh, làm hình thành các bọt khí tác động đến thần kinh, gây tắc các động mạch nhỏ, dẫn đến tử vong nếu các bọt khí làm tắc động mạch vành, động mạch sọ não.
Cách đây 8 năm, người anh trai của Tư thợ lặn cũng đột ngột ra đi trong một tai nạn như thế. Kể từ đó, Tư thợ lặn quyết tâm lên bờ. Nhưng cái nghiệp lặn đã theo anh từ ngày còn ở trong bụng mẹ, nên anh cũng không thể xa biển. Bây giờ, anh không theo lặn với vạn giã nữa, chỉ phục vụ hậu cần nghề lặn. Không còn trực tiếp bám biển mưu sinh, nhưng Tư thợ lặn vẫn nặng nợ với biển.
Anh cho biết, sau cái ngày anh trai nằm lại nơi đáy biển, đại gia đình vạn giã nghiệm lại thấy một sự trùng hợp đến khó tin, trong cùng một tháng (mà những năm trước đó) đã có 2 thợ lặn cũng lần lượt tử nghề như thế. Vì thế, Tư thợ lặn đứng ra bàn với các lão ngư và từ đó Hội vạn giã ở Sơn Trà ra đời. Hội lấy ngày 20-7 âm lịch hằng năm làm ngày của Vạn.
Ngày hội của vạn giã như bao lễ hội truyền thống khác trên đất Đà thành, với nghi thức lễ và hội. Là vạn giã, dù đang làm ở vùng biển nào, xa hay gần, biển có bão tố hay không, nhưng đến ngày này, tất cả vạn phải có mặt để thực hiện nghi lễ truyền thống cúng thủy thần, cầu cho mưa thuận gió hòa, trời yên, biển lặn; cầu mong mọi sự bình an khi hành nghề bám biển mưa sinh. Sau phần lễ là phần hội, các vạn giã tham gia các trò chơi dân gian gắn liền với đời sống sông nước như đua thuyền, lắc thúng, kéo co, nhảy bao bố... Thông qua lễ hội này, vạn giã có thêm niềm tin và sức sống mãnh liệt để lặn biển mưu sinh.
Cụ ông Bùi Văn Nhở (trú tổ 39, khu vực Nại Hưng 3, phường Nại Hiên Đông) cho biết, từ ngày thành lập hội, các vạn giã biết gắn bó và đoàn kết hơn, luôn hỗ trợ nhau trong lúc khó khăn, hoạn nạn nơi đáy biển. Và trong sâu thẳm của hơn 300 vạn giã Sơn Trà hôm nay luôn hiện hữu một niềm tin vững chắc mỗi lần bám biển mưu sinh.
Phóng sự: VĂN NỞ