Tôi thức giấc lúc trời vừa sáng, cánh thợ lặn đã hoàn tất mọi ngư cụ để chuẩn bị một ngày lặn biển, chỉ chờ mỗi tôi. Chiếc bè nhỏ hơn 1m2 đưa chúng tôi bám theo dây neo để lên chiếc tàu mọi người đang đợi. Nhìn ra phía biển khơi, Tư thợ lặn hô to: Xuất phát!.
Niềm vui luôn hiện hữu trên những khuôn mặt đầy nắng gió của ông Đặng Văn Sắt (trái) và Tư thợ lặn. |
Mặt trời vừa nhô khỏi mặt biển, tiếng máy thuyền cành cạch phá vỡ không gian yên tĩnh nơi cửa biển. Nhìn ra khơi xa, mặt biển xanh ngắt một màu, Tư thợ lặn (Nguyễn Tư, tổ 40, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) hy vọng hôm nay đẹp trời, rất thuận lợi cho cánh thợ lặn.
Sau gần 30 phút xuất phát, mặt biển bắt đầu sáng hơn, những cơn gió nhẹ ùa về làm gợn những đợt sóng lăn tăn. Thuyền trưởng Nguyễn Lực bắt đầu hãm ga và lệnh: Thả neo! Ghe vừa dừng lại nhưng vẫn chông chênh trên mặt biển. Không ai nói điều gì, mỗi người thợ lặn tự lấy đồ nghề của mình và lao xuống biển, bắt đầu một ngày của cánh thợ lặn.
Nhìn những đám bọt sôi ùng ục trên mặt biển, Tư thợ lặn bảo: “Đời thợ lặn chúng tôi là vậy, mỗi ngày luôn cần mẫn như những con còng biển, nhưng lưỡi hái tử thần cũng luôn rình rập bên người, chỉ cần sơ suất một tí là mất mạng như chơi”.
Tư thợ lặn đột ngột chùng giọng, rồi chầm chậm kể về đại gia đình thợ lặn của mình. Bố anh, ông Nguyễn Bàng, năm nay gần 60 tuổi và cũng gần 50 năm gắn bó với nghề thợ lặn. Cả đời lênh đênh trên sông nước, vị mặn của biển đã ngấm vào từng người trong gia đình, nên 7 trong 9 người con của ông bây giờ cũng theo cha bám biển. Nghề thợ lặn không vươn khơi xa như nghề câu mực hay nghề đánh bắt cá ngừ đại dương, không đối đầu với sóng to gió lớn nhưng hiểm nguy luôn rình rập.
Vừa kể về cuộc đời của mình, Tư thợ lặn vừa quan sát những thợ lặn đang ngụp sâu dưới đáy biển qua những ống dây thở. Tư thợ lặn kể, mạng sống của những thợ lặn phụ thuộc vào sợi dây nhỏ bé này. Trước đây, thợ lặn chỉ dùng những dụng cụ lặn thủ công, thời gian sau sử dụng bình hơi. Còn bây giờ hiện đại hơn, họ chỉ ngậm một ống dây nhỏ từ máy nổ nén khí đặt trên thuyền. “Thời gian lặn lâu và sâu hơn nhưng quan trọng người thợ lặn có đủ sức khỏe chống chọi với cái lạnh và áp suất dưới đáy biển”, Tư thợ lặn nói.
Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, hai người con trai của ông Sắt tranh thủ thời gian phân loại chíp chíp vừa bắt được. |
Đang trầm ngâm quan sát, ông Đặng Văn Sắt bỗng đứng bật dậy, chụp lấy sợi dây đang có tín hiệu “báo động” và kéo nhanh lên thuyền. Thì ra, cậu con trai của ông đang báo hiệu để được kéo lên. Vừa ló đầu khỏi mặt nước, tay trái bám vào mạn, tay phải tháo sợi dây xích sắt nặng hơn 10kg ra khỏi người vứt mạnh lên mạn thuyền, Lâm - con trai 14 tuổi của ông Sắt nói: Hết mùa chíp chíp rồi, không có gì cả. Leo lên thuyền, Lâm kéo bao lưới đựng chíp chíp lên, chao chao dưới nước cho sạch bớt bùn và nói rằng, mấy tháng trước, vào giờ này cũng kiếm được 4-5 ký rồi, nhưng hôm nay chắc hết mùa nên chỉ được một ít.
Sau khi Lâm lên thuyền, hơi vào ống thở của những người thợ lặn khác bắt đầu mạnh hơn - tín hiệu để biết giờ nghỉ giải lao mà bám dây leo lên (đó là kinh nghiệm của cánh thợ lặn - Lâm giải thích). Sau hơn 2 giờ ngụp sâu dưới đáy biển, 6 thợ lặn trên thuyền của ông Sắt lần lượt bám dây bơi vào, ai cũng cùng chung nỗi niềm, trời yên, biển đẹp nhưng chíp chíp hết mùa rồi.
Nghỉ ngơi chừng mươi phút, các thợ lặn bắt đầu bữa ăn trưa, dù thời gian còn rất sớm. Đối với cánh thợ lặn, ăn cơm chẳng bao giờ đúng bữa, lên khỏi mặt nước lúc nào thì ăn lúc đó, bao giờ đói thì lại ăn. Bữa ăn của họ cũng mặn nồng vị biển với cá, tôm đánh bắt từ những ngày hôm trước.
Sau bữa cơm, cánh thợ lặn tiếp tục hành trình bám đáy biển của mình ở những khu vực khác, với những hy vọng mới cho một ngày mưu sinh nơi đáy biển.
(Còn nữa)
Phóng sự: VĂN NỞ