.

Khuyết tật không là nỗi bất hạnh

.

Chính phủ Nhật Bản đã chú trọng đầu tư các công trình riêng tại khu vực công cộng nhằm giúp đỡ người khuyết tật cả về thể chất lẫn tinh thần để họ có cơ hội sống độc lập, hòa nhập cộng đồng.

Cụ Joamaki cùng chiếc xe lăn điện.
Cụ Joamaki cùng chiếc xe lăn điện.

Trong thời gian công tác tại Nhật Bản, mỗi sáng, từ cửa sổ khách sạn, tôi đều gặp hình ảnh cụ già tự lái xe lăn điện đến bờ sông, cần mẫn tập đi suốt 2 tiếng đồng hồ. Dọc bờ sông lộng gió, vắng vẻ, hình ảnh cụ già bên chiếc xe lăn càng thêm lẻ loi, đơn độc.

Tuy nhiên, hình ảnh buồn bã mà tôi cảm nhận từ xa lại khác hoàn toàn với sự tươi trẻ, lạc quan khi tiếp xúc với cụ - cụ Jomoaki Samo (77 tuổi), bị tai nạn lao động cách đây 10 năm. Từ khi bị tai nạn, cụ nghỉ làm việc và được “thuê” miễn phí vô thời hạn chiếc xe lăn điện từ Chính phủ. Khi được hỏi lý do vẫn cần mẫn tập đi bất kể thời tiết khắc nghiệt, cụ Jomoaki vỗ nhẹ chiếc xe rồi thủ thỉ như đang trò chuyện cùng người bạn tâm giao rằng, chiếc xe không chỉ đơn thuần giúp di chuyển mà còn khiến cụ nhận ra nhiều điều bình dị nhưng tuyệt vời về cuộc sống, chẳng hạn như việc dạo bước bên sông bằng chính đôi chân mình hay tình cảm của bạn bè, gia đình và cả những người không quen mà khi còn khỏe mạnh, bận rộn cụ đã vô tình lãng quên. Cụ Jomoaki cố gắng tập đi với hy vọng có một ngày trả lại chiếc xe đắt tiền (300.000 yen) cho Chính phủ và xe sẽ có cơ hội giúp đỡ người tàn tật khác.

Cụ Jomoaki là một trong số 36.988 người tàn tật của thành phố Sakai đang được hưởng rất nhiều chính sách ưu tiên từ Chính phủ. Đến bất kỳ địa điểm nào của thành phố, khách sạn 5 sao, trường học hay cửa hàng nhỏ cũng dễ dàng thấy các công trình phục vụ người khuyết tật. Anh Nguyễn Trần Thiện Khánh, sinh viên Trường ĐH Osaka Prefecture cho biết, mặc dù trường chỉ có vài người khuyết tật nhưng không vì điều này mà lãnh đạo trường quên đi các công trình phục vụ người kém may mắn. Nhờ đó, người tàn tật có thể tự học, tự đến giảng đường, thư viện, thậm chí tham gia một số môn thể thao mà không cần bất cứ sự giúp đỡ nào từ người khác. Chính điều này giúp họ giảm mặc cảm, thêm tự tin, hòa nhập cuộc sống khi tự mình có thể làm được mọi việc.

 Nhân viên khách sạn hỗ trợ người khuyết tật vào thang náy. 			Ảnh: M.T
Nhân viên khách sạn hỗ trợ người khuyết tật vào thang náy. Ảnh: M.T

Theo bà Miho Tatsumi, cán bộ đối ngoại Tòa thị chính thành phố Sakai, chỉ một vài điểm công cộng trong thành phố còn thiếu đường đi cho người khuyết tật, tại những điểm này luôn có chuông báo để người chuyên trách có thể giúp đỡ người tàn tật khi có yêu cầu. Nhưng trường hợp như vậy rất ít, còn phần lớn đều có công trình dành cho người khuyết tật bao gồm đường đi, xe lăn, nhà vệ sinh, tàu điện, thang máy... Người khuyết tật có thể tự mình đi dọc đất nước Nhật Bản, thăm thú tất cả những địa danh, thưởng thức ẩm thực của nhà hàng, nghỉ ngơi ở khách sạn, nhà nghỉ mà họ muốn bằng máy bay hay tàu điện mà không gặp bất kỳ khó khăn nào. Biển báo màu xanh dương và khu vực dành cho người khuyết tật còn được khắc hoặc xây gờ nổi trên đường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người khiếm thị nhận biết đường đi. Bên cạnh mỗi công trình luôn có nút bấm với tín hiệu đặc biệt để người chuyên trách có thể lập tức xuất hiện để hỗ trợ người khuyết tật khi gặp sự cố. Ngoài ra, chính quyền còn dành cho người khuyết tật nhiều ưu tiên như miễn, giảm học phí, giảm giá vé xem phim, giảm thuế, giới thiệu việc làm... Những ưu tiên này không phải là sự thương hại khi người khuyết tật luôn được xem như những cá nhân bình thường trong xã hội. Tất cả chỉ là sự sẻ chia, thể hiện sự quan tâm, đồng cảm của cộng đồng nhằm giúp cuộc sống người khuyết tật thêm dễ dàng, có cơ hội phát triển tất cả các kỹ năng và duy trì vai trò tích cực của mình.

Thái độ niềm nở, tận tình của nhân viên phục vụ khách sạn, quầy văn phòng phẩm, viện bảo tàng khi đón tiếp người tàn tật; ánh mắt, nụ cười giữa những câu chuyện nhỏ đã giúp tôi, mặc dù bất đồng ngôn ngữ nhưng vẫn cảm nhận sâu sắc tình cảm mà mỗi cá nhân ở nền kinh tế lớn thứ ba thế giới trao gửi cho nhau. Điều này giúp tôi càng hiểu rằng, những câu chuyện tưởng như cổ tích về sự nhường nhịn, động viên và sẻ chia của người Nhật trong thảm họa động đất, sóng thần năm 2011 trở nên quá đỗi bình thường ở xứ sở hoa anh đào này.

Mong rằng, trong tương lai không xa, biển báo màu xanh dương, với hình ảnh người ngồi trên xe lăn sẽ xuất hiện ngày càng nhiều tại các điểm công cộng của Việt Nam, góp phần giúp người khuyết tật có cơ hội nâng cao khả năng độc lập, hòa nhập cũng như trải nghiệm hết những điều “bình dị nhưng tuyệt vời” như cụ Joamaki nói.

Ngày nay, Việt Nam có khoảng 6 triệu người khuyết tật nhưng chỉ 2,5% trong số đó được đào tạo nghề. Nhiều tổ chức xã hội đã thành lập các trung tâm hỗ trợ người khuyết tật với sự giúp đỡ về tinh thần cũng như vật chất. Tuy nhiên, nhìn chung, các trung tâm cũng chỉ dừng lại ở việc bảo trợ, nuôi dưỡng hoặc tìm việc làm cho người khuyết tật chứ chưa thực sự tạo nên môi trường giúp họ có thể hòa nhập cộng đồng. Phần lớn người khuyết tật không có việc làm, sống dựa vào gia đình cả trong sinh hoạt lẫn kinh tế, một phần trong số họ thậm chí vẫn chịu sự kỳ thị từ cộng đồng. Người khuyết tật chưa có nhiều cơ hội được tham gia các hoạt động phong phú như xem phim, tham quan bảo tàng, đi du lịch... vì các công trình công cộng chưa có đường riêng dành cho người khuyết tật.

MAI TRANG
 

;
.
.
.
.
.