.

Cho em một trái tim hồng

.

Trước khi trở lại làm tân sinh viên, Trần Lê Nhật Quỳnh tìm gặp ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng (BTPN&TENBH) để khoe với ông rằng ước mơ em ấp ủ lâu nay đã thành hiện thực. Quỳnh nói với ông: “Con muốn học nghề y, sau này làm bác sĩ con có cơ hội giúp được nhiều người...”.

Ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, Chủ nhiệm Chương trình mổ tim bẩm sinh TP. Đà Nẵng thăm các em ở Bệnh viện Đà Nẵng chờ phẫu thuật tim. (Ảnh tư liệu)
Ông Trần Chí Thành, Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, Chủ nhiệm Chương trình mổ tim bẩm sinh TP. Đà Nẵng thăm các em ở Bệnh viện Đà Nẵng chờ phẫu thuật tim. (Ảnh tư liệu)

Những trái tim và muôn vàn hạnh phúc

Quỳnh là một trong hơn 600 bệnh nhân mắc bệnh tim bẩm sinh được Hội BTPN&TENBH tài trợ phẫu thuật. Cách đây 4 năm, Quỳnh được chỉ định mổ tim tại Bệnh viện Đà Nẵng, lúc đó em 16 tuổi, cái tuổi chớm đầu của người thiếu nữ, đã có thể tung tăng tham gia mọi hoạt động với trường, với lớp. Nhưng bệnh tim đã ngăn Quỳnh lại. Nhà ở phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, hằng ngày để đến được Trường THPT Ngũ Hành Sơn, Quỳnh phải nhờ má đưa đón. Sau ca phẫu thuật, sức khỏe em đã tốt hơn trước rất nhiều, nên Quỳnh đầu tư hết thời gian cho việc học. Kết quả là Quỳnh thi đậu vào ngành Công nghệ sinh học, Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng ngay năm đầu tiên. Đậu ĐH nhưng vẫn chưa thỏa mãn ước mơ, thế là Quỳnh vừa đến trường, vừa ôn thi cho năm tiếp theo. Và mùa thu này, Quỳnh trở lại làm cô sinh viên năm nhất, nhưng ở ngôi trường mà cả chục năm trước ba đã hướng cho Quỳnh chọn và em nuôi dưỡng ước mơ suốt cả quãng đời đi học: Trường ĐH Y khoa Huế.

Ca phẫu thuật của Quỳnh được tiến hành theo phương pháp mổ nội soi, “đóng dù” để che kín vết mổ, “em chỉ có một vết sẹo be bé trên ngực, nếu để ý kỹ mới thấy”, tiếng cười của em giòn tan khi nói chuyện với tôi. Và Quỳnh cũng giống như rất nhiều em gái khác, khi bác sĩ chỉ định phẫu thuật, các em sẽ được mổ tim kín để giữ thẩm mỹ, bởi với con gái thì vấn đề thẩm mỹ ảnh hưởng rất lớn trong quá trình trưởng thành sau này.

Với gia đình anh Huỳnh Văn Vinh (ở tổ 4 phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu), việc cả hai đứa con đều mắc bệnh tim đã khiến anh chị thực sự bối rối. Khi con gái út Huỳnh Thị Phương cần mổ tim, anh chị nấn ná mãi không thể đưa con đi viện, vì cũng không biết đến bao giờ mới kiếm đủ gần ba chục triệu cho ca phẫu thuật. Sau những lần liên hệ với Bệnh viện Đà Nẵng hỏi phí chữa bệnh cho con, anh Vinh được giới thiệu đến với quỹ từ thiện của Hội BTPN&TENBH. Đúng là như “người chết vớ được cọc”, bé Phương được chỉ định mổ tim năm 2007, lúc em mới 4 tuổi với chi phí 25 triệu đồng, trong đó anh chắt bót dành dụm được 8 triệu. Thở phào được với bệnh của con gái, thì vợ chồng anh phải nghĩ đến chuyện phẫu thuật cho Linh, cậu con trai đang học lớp 10.

Và năm 2011 Huỳnh Văn Linh được phẫu thuật thông liên thất với chi phí 27 triệu đồng. Lần này anh Vinh góp 2 triệu. Anh bảo “bây giờ sức khỏe của các con đã tốt hơn trước, thấy yên tâm hơn. Chứ với nhà nghèo lại có con mắc bệnh tim thì nỗi lo lúc nào cũng canh cánh bên lòng”.

Biết nói sao cho hết niềm vui của những gia đình không may có con mắc bệnh hiểm nghèo, giờ đã khỏe mạnh trở lại. Như với chị Mai Thị Sáu, mẹ bé Nguyễn Mai Hồng Ngọc, ở tổ 25 phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu thì nhìn con gái lớn nhanh sau ca phẫu thuật, anh chị cũng như trút được gánh nặng trong lòng. Ngoài bệnh tim, bé còn mắc các bệnh như hẹp động mạch phổi, rối loạn tiêu hóa, thường xuyên bị viêm phổi, tay chân tím tái... Ba bé Ngọc là bộ đội trong lực lượng không quân, chị Sáu làm công nhân cho một xí nghiệp may, cả gia đình đang sống trong ngôi nhà thuê rộng chừng 16m2 bên một con kênh dẫn nước của Sân bay Đà Nẵng. Trong nhà không có vật dụng gì đáng giá.

Để mổ tim cho con, vợ chồng chị Sáu cần một khoản tiền hơn 40 triệu đồng. Số tiền đó vượt quá khả năng nên anh chị làm đơn gửi ở nhiều nơi xin hỗ trợ tiền mổ tim cho con, nhưng đều bị từ chối vì lý do bé Ngọc còn mắc bệnh down. Không thể nhìn con sống lay lắt, anh chị vay mượn bạn bè để đưa con ra Bệnh viện Trung ương Huế đăng ký mổ tim. Tại đây họ được bác sĩ hướng dẫn xin nguồn tài trợ ở Hội BTPN&TENBH Đà Nẵng. Chỉ sau một thời gian ngắn hồ sơ gửi đi, anh chị nhận được tin sẽ được tài trợ hoàn toàn cho ca mổ tim của bé Ngọc trị giá 45 triệu đồng...

Đồng cảm với từng ca bệnh

" Còn nước còn tát, mổ sớm một ngày cứu trước hàng chục năm và mọi người đều có quyền có cơ hội sống như nhau nên nhiều em bé mắc bệnh tim kèm hội chứng Down đều được Hội hỗ trợ phẫu thuật. Đến nay đã có 6 em bé bị bệnh tim kèm hội chứng Down được mổ tim."

(Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh)

Khi có con mắc bệnh tim bẩm sinh, nhiều bà mẹ thực sự đứng ngồi không yên, nhất là giai đoạn chuẩn bị và đưa con nhập viện. Ông Trần Chí Thành kể rằng, khi Hội Bảo trợ cam kết bảo trợ và hỗ trợ miễn phí cho 45 em phẫu thuật tim vào năm 2004, năm đầu tiên thực hiện chương trình tại Bệnh viện Việt-Đức Hà Nội, thì việc chuẩn bị cho 45 hồ sơ và hàng trăm vấn đề liên quan đến chuyến đi khiến các ông mất ăn mất ngủ. Vì xác suất mổ tim thành công chưa bao giờ đạt 100%, nên nhiều bà mẹ thấy rằng đưa con đi mổ cũng giống như “đánh cược với trời”, có thể được đón một đứa con lành lặn trở về, hoặc trường hợp xấu là mất con mãi mãi. Nên đến trước ngày ra Hà Nội, những nhà tài trợ đã để cho các gia đình chọn ngày “đẹp” mới lên đường và sau này nhiều gia đình còn muốn thực hiện mổ tim cho con ở đâu, Hội Bảo trợ phải “chiều” theo, góp phần thỏa mãn và ổn định tâm lý cho các ông bố, bà mẹ. Thế nhưng trong chuyến đi đầu tiên ấy, dù đã chuẩn bị tâm lý nhưng chị Thu, mẹ bé Nguyễn Thành Hưng, ở tổ 8 phường Hòa Khê, quận Thanh Khê vẫn ngất xỉu khi con chị rời vòng tay mẹ lên bàn mổ. Và 3 lần theo con ra Hà Nội mổ tim thì cũng chừng ấy lần chị Thu phải nằm cấp cứu.

9 năm triển khai chương trình hỗ trợ mổ tim bẩm sinh thì cũng chừng ấy năm thành phố Đà Nẵng đầu tư 6 tỉ đồng mua thiết bị, đào tạo bác sĩ cho Khoa Tim mạch của Bệnh viện Đà Nẵng. Ban đầu khoa chỉ có thể phẫu thuật cho những em cân nặng trên 10kg, nhưng gần đây một số em dưới 10kg đã có thể nhập viện phẫu thuật, không phải đi xa như trước. Ông Trần Chí Thành cũng cho rằng, trong thực hiện chương trình chữa tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh, có “tấm lòng vàng” của các nhà tài trợ là quá quý, nhưng chưa đủ vì cần có “bàn tay vàng” cộng với tấm lòng của các y bác sĩ mới đem lại cuộc sống mới cho bệnh nhân.

HOÀNG NHUNG

;
.
.
.
.
.