Lần đầu tiên đến thăm xứ sở hoa anh đào, tôi không khỏi ngỡ ngàng trước sự phát triển mọi mặt của nền kinh tế thứ 3 thế giới. Song, đó mới chỉ là ấn tượng bên ngoài, thoáng qua. Cách người Nhật Bản đối xử với nhau cũng như ứng xử với văn hóa, truyền thống là điều khiến tôi thật sự khâm phục...
Các phương tiện giao thông đang nhường đường cho người đi bộ. |
Nhanh và chậm
Sakai là thành phố phát triển thứ hai của tỉnh Osaka và một trong 4 thành phố lớn nhất vùng Kansai - nơi có quy mô kinh tế 840 tỷ USD/năm (tương đương nền kinh tế Úc, Hàn Quốc), quan hệ thương mại với Việt Nam trong năm 2011 đạt 2,7 tỷ USD.
Trong lần trò chuyện cùng phóng viên 5 nước Đông Nam Á tham dự tuần lễ Sakai ASEAN 2012, ông Osami Takeyama, Thị trưởng Sakai cho biết, để đạt được mức phát triển ấn tượng đó với số dân hơn 800.000 người, người dân Sakai nói riêng và Nhật Bản nói chung phải làm việc với cường độ cao, áp lực lớn để vừa sáng tạo công nghệ mới, vừa học hỏi, tìm tòi, ứng dụng công nghệ hiện đại của thế giới vào công việc hằng ngày nhằm đạt năng suất lao động cao nhất có thể.
Người Nhật bắt đầu ngày làm việc lúc 9 giờ, dùng cơm trưa ngay tại văn phòng và chỉ ra về khi hoàn thành tất cả công việc. Vì lý do này mà khoảng thời gian đông đúc, nhộn nhịp nhất trên đường phố Nhật Bản là 20 - 22 giờ - giờ tan tầm của giới công chức và nhân viên. Với nền kinh tế đứng thứ 3 thế giới, người Nhật Bản hình thành thói quen đi bộ rất nhanh, sải bước dài; họ còn tranh thủ đọc sách báo, tài liệu, kiểm tra thư điện tử... trên tàu điện, xe buýt nhằm tiết kiệm tối đa cũng như sử dụng có hiệu quả nhất thời gian di chuyển trên đường.
Nhanh là vậy, vội vã là vậy nhưng suốt 6 ngày rong ruổi từ sáng sớm đến tối mịt trên đường phố Sakai, tôi và các bạn đến từ 5 nước Đông Nam Á đều hết sức bất ngờ khi không hề nghe một tiếng còi xe nào. Thậm chí, đoàn phóng viên Đài truyền hình quốc gia Philippines còn cho rằng, hay xe của người Nhật không thiết kế còi! Nhìn dòng ô-tô cứ nhẹ nhàng, điềm tĩnh chạy trong làn đường của mình tạo cảm giác thanh bình ngay cả giữa phố xá tấp nập.
Vào giờ cao điểm, các dãy ô-tô xếp hàng dài sau cột đèn giao thông. Khi đèn đỏ chuyển sang xanh, dòng xe chậm chạp di chuyển nhưng vẫn không có bất cứ tiếng còi hối thúc nào từ phía sau. Đặc biệt hơn, trước mỗi lần xe dừng đèn đỏ hay chuẩn bị lăn bánh lúc đèn xanh, khách được nhắc nhở bằng giọng nói nhẹ nhàng, vui vẻ của các bác tài. Lúc xuống (hoặc lên) xe, mỗi hành khách còn nhận được lời cảm ơn, nụ cười thân thiện cùng cái gật đầu chào của người tài xế. Những thao tác lặp đi lặp lại này lấy đi không ít thời gian của cả người lái xe lẫn khách, nhưng không vì thế mà họ chấp nhận mất đi lời chào hay nụ cười có khả năng “xoa dịu mệt mỏi, lan tỏa cảm giác ấm áp mà không máy sưởi nào có thể mang lại”, như bà Miho Tatsumi, cán bộ đối ngoại Tòa Thị chính thành phố Sakai khẳng định.
Chứng kiến một cậu bé trên chiếc xe đạp cũng bé xíu kiên nhẫn đứng đợi đèn xanh dành cho người đi bộ và xe đạp, tôi chợt hiểu, hóa ra thói quen “chậm chạp” không chỉ có ở người lớn tuổi. Tại Nhật Bản, làn đường dành cho người đi bộ và xe đạp là vỉa hè, giữa trưa nắng, trên vỉa hè không một bóng người, cậu bé vẫn bình thản đợi đến lượt mình. Và bất ngờ hơn nữa, cậu không băng qua đường mà chỉ rẽ phải. Hành động 4 phút đứng dưới trời nắng chỉ để rẽ nhẹ sang phải của em đã để lại trong tôi ấn tượng vô cùng sâu sắc.
Những sản phẩm đơn giản, sáng tạo của Công ty Haguruma Envelope góp phần gìn giữ giá trị truyền thống trong sản xuất giấy Nhật Bản và thói quen sử dụng chữ viết, thư tay. |
Hiện đại và truyền thống
Vùng công nghiệp ven biển thành phố Sakai tập trung những nhà máy có quy mô lớn, sử dụng công nghệ đạt đến tầm nghệ thuật về tính hiện đại cùng sự thân thiện với môi trường. Vùng nội thành lại là nơi tọa lạc của những doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ, nơi có thể khiến du khách ngỡ ngàng không phải vì quy mô mà bởi công nghệ đang được ứng dụng. Các doanh nghiệp ở Sakai luôn cố gắng duy trì sự phát triển bền vững, mở rộng mạng lưới kinh doanh với các đối tác không chỉ trong khu vực châu Á mà còn vươn ra thị trường thế giới. Trong guồng quay công nghiệp nhịp nhàng, hối hả, với công nghệ hiện đại đó, người Nhật Bản nói chung, các doanh nghiệp nói riêng vẫn không quên gìn giữ, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp.
Công ty Haguruma Envelope ở Sakai là một ví dụ. Công ty này có hơn 100 công nhân làm việc tại Haguruma Envelope, mỗi ngày sản xuất hơn 2 triệu sản phẩm mà chủ yếu là giấy viết và bì thư. Các sản phẩm sau khi xuất xưởng không chỉ phục vụ thị trường nội địa mà còn bay đến khắp thế giới. Ra đời từ năm 1918, với những sản phẩm cổ điển, đơn giản, sáng tạo, Haguruma Envelope luôn tự hào vì góp phần làm giàu thêm cách thức thông tin liên lạc của con người. Với guồng máy hiện đại, tự động ở hầu hết các khâu, công ty vẫn ưu ái bảo quản và sử dụng các máy móc có tuổi thọ gần 60 năm.
Lãnh đạo công ty cho biết, những máy móc tuy cũ nhưng có khả năng tạo ra màu sắc tươi sáng, dấu dập nổi công phu, sắc cạnh, góp phần tạo nên vẻ đẹp phi thường, tăng khả năng hút ẩm cho giấy truyền thống Nhật Bản mà máy móc hiện đại ngày nay không thể thực hiện được. Bên cạnh đó, công ty còn trung thành “sao chép” các họa tiết truyền thống Nhật Bản một cách sáng tạo bằng cách thêm màu sắc, điều chỉnh độ đậm, nhạt để đạt được những sản phẩm tuyệt hảo về mặt chất lượng cũng như thẩm mỹ. Việc sử dụng vật liệu, họa tiết, máy móc cũ là cách để công ty gìn giữ những giá trị truyền thống tốt đẹp trong các sản phẩm mới, góp phần quảng bá hình ảnh của Nhật Bản đến bạn bè năm châu qua từng cánh thư.
Trong nhịp sống công nghiệp hối hả, khi điện thoại và email trở thành phương tiện liên lạc phổ biến thì thông qua giấy và bì thư, Công ty Haguruma Envelope mong muốn tạo động lực để mọi người viết nhiều hơn bởi “những cánh thư nhắc nhở chúng ta về sự dịu dàng, ấm áp qua những thông điệp chỉ có thể truyền tải bằng chữ viết trên giấy như tình cảm, ý chí mạnh mẽ mà người viết trao gửi”, lãnh đạo công ty chia sẻ. Email và thư giấy, cả hai đều đóng vai trò quan trọng trong truyền tải thông tin. Song, email không có khả năng truyền đạt cảm xúc qua con chữ. Điều này giống như thức ăn nhanh và bữa cơm truyền thống, cả hai đều quan trọng. Thức ăn nhanh tiện lợi, nhanh chóng như cái tên của mình nhưng nó không thể mang lại cảm giác hạnh phúc, làm tăng khả năng gắn kết khi các thành viên trong gia đình cùng quây quần chuẩn bị và thưởng thức bữa cơm truyền thống. Haguruma Envelope đang góp phần tích cực trong việc gìn giữ, phát huy những giá trị truyền thống, cả trong sản xuất giấy Nhật Bản lẫn thói quen sử dụng chữ viết và thư tay.
Trò chuyện cùng phóng viên các nước, ông Osami Takeyama nói rằng, nhiệm vụ quan trọng nhất của Chính phủ là truyền tải những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc đến thế hệ tương lai. Đây là điều mà thành phố Sakai cũng như đất nước Nhật Bản tự hào đã làm được một cách công phu và hiệu quả.
Vẫn biết mọi sự so sánh là khập khiễng, đặc biệt giữa một nước có trình độ khoa học công nghệ cao, phát triển mạnh mẽ như Nhật Bản với những nước còn nhiều khó khăn như Việt Nam. Tuy nhiên, văn hóa xếp hàng, dùng còi xe, nhường đường khi tham gia giao thông... có lẽ chỉ cần đến ý thức của mỗi người chứ không phụ thuộc nhiều vào sự phát triển của kinh tế hay khoa học, công nghệ mới có thể đạt được. Điều này đã khiến tôi cảm thấy Nhật Bản thật gần mà cũng rất xa...
Cũng như người Việt Nam, người Nhật Bản thuộc nhóm 5 nước trên thế giới dùng đũa ăn, cùng có truyền thống trọng sự học, hiếu nghĩa với mẹ cha; người già được gia đình và xã hội chăm sóc, tôn trọng... Trong ấn phẩm Sakai - thành phố với khả năng không giới hạn, Nhật Bản đã dành một phần rất trang trọng để nói về quan hệ hợp tác trên 400 năm với Việt Nam, đặc biệt là Quảng Nam-Đà Nẵng. Bằng cách gọi “Việt Nam rất gần với trái tim Sakai”, nước bạn đã hết sức trân trọng tình cảm với Việt Nam - đất nước gần về mặt địa lý, văn hóa, truyền thống; và cả Đà Nẵng - thành phố du lịch kết nghĩa cùng Sakai, với mong mỏi thông qua những hoạt động thiết thực, hai địa phương sẽ ngày càng gần gũi, hiểu biết nhau hơn. |
MAI TRANG