.

Gian nan truy quét “vàng tặc”

.

Nơi nào có rừng, nơi đó có “vàng tặc”. Tuy diện tích rừng Đà Nẵng không lớn, song cũng là mảnh đất màu mỡ để các phu vàng bám trụ dai dẳng.

Kỳ 1: Đột nhập các hầm vàng

“Vàng tặc” đào bới tan hoang một góc rừng.
“Vàng tặc” đào bới tan hoang một góc rừng.

Giữa tháng 11, chúng tôi theo chân Đoàn liên ngành huyện Hòa Vang mang theo lương thực, súng ống mở đợt truy quét “vàng tặc” trên các cánh rừng Hòa Bắc. Để đến được tiểu khu 25, mọi người phải cắt rừng băng bộ vào sâu trong núi, mang theo trên vai hàng chục kilôgam gồm dao rựa, áo quần, xoong nồi để nấu mì tôm. Khi chúng tôi đến, nơi đây vẫn còn bừa bộn cảnh lán trại, hầm vàng ngổn ngang. Tại đây có rất nhiều hầm vàng cũ bị đánh sập. Lúc trở lại điểm tập kết, tất cả phải đi như chạy bởi chỉ cần chậm trễ, mưa rừng đổ xuống sẽ khó tìm được lối về. Sáng hôm sau, anh em lại tiếp tục vào tiểu khu 27. Con đường từ Cầu Sập dẫn vào những cánh rừng còn nhầy nhụa bùn lầy, đất đá trơn trượt. Vượt qua mấy con dốc mà dân đi rừng đặt cho những cái tên nghe rất kêu như: “Dốc Đ.M”, “Dốc Dằn Mặt”, để lên bãi vàng Khe Đương. Những đoạn dốc thẳng đứng, vừa gập ghềnh vừa trơn trượt. Mấy “con ngựa sắt” giờ đây phải cần đến 3 người mới đưa lên được khỏi dốc Dằn Mặt dài như vô tận. Tất cả chỉ còn nghe tiếng thở dồn dập của những người vốn không quen đi rừng như chúng tôi.

Dừng lại ở một ngã ba, anh Nguyễn Đình Nam, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Hòa Vang nói để trấn an tinh thần: “Đoạn nào đi được thì ta lên xe, đoạn nào khó cứ dắt bộ. Tới đây mới chỉ 1/5 đoạn đường. Không lo gì hết. Chúng ta còn bám cả tháng mà”. “Bò” lên hết con đường được xem là thuận lợi nhất sau gần nửa ngày, đoàn dừng chân nghỉ tại lán trại của Công ty TNHH Trường Sơn - đơn vị được thành phố Đà Nẵng cho phép lập dự án khai thác và chế biến vàng tại khu vực Khe Đương từ năm 2007.

Mỗi hầm vàng sâu ít nhất 50 mét trở lên.
Mỗi hầm vàng sâu ít nhất 50 mét trở lên.

Ngày hôm sau, chúng tôi bọc cơm nắm tiếp tục hành trình lội bộ vào sâu những cánh rừng - nơi đang  có những hầm vàng “lậu”. Lối không thành lối, có đoạn phải rúc dưới những thân cây thối rữa với dây rừng giăng chằng chịt, ẩm ướt để đi. Có khi dốc cao quá, ngước mặt không thấy người phía trước, rồi khi xuống dốc phải bám chặt vào từng thớ đá, bụi cây.

Đến điểm dựng lán trại đầu tiên của các đối tượng khai thác vàng trái  phép. Nhanh chóng, chỉ huy Đoàn truy quét phân công 2 tốp đi truy lùng. Tốp thứ nhất gồm Công an huyện, dân quân xã, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường đi tìm kiếm phương tiện khai thác của dân làm vàng phía trên cao; tốp thứ 2 gồm Huyện đội, Cảnh sát môi trường, kiểm lâm lần tìm manh mối phía dưới. Dọc trên các cánh rừng, nơi nào chúng tôi cũng bắt gặp những chiếc máy nổ, cối xay, máy ép hơi nặng hàng trăm kilôgam bị phá hỏng. Đây là chứng tích của những đợt truy quét trước mà dân làm vàng tháo chạy. Có lẽ nghe “động”, dân làm vàng đã kịp bỏ trốn, để lại những bãi rừng bị đào xới, lộ những cái hố sâu hoắm ước rộng cả trăm mét. Anh em trong đoàn tiến hành tiêu hủy những lán trại còn rất mới. Chỉ tay vào cái sạp còn treo vất vưởng những quần áo, xoong nồi, xẻng cuốc, anh Nguyễn Xuân Lý, cán bộ Phòng Tài nguyên-Môi trường huyện Hòa Vang nhận định: “Chắc chúng chỉ đi cách đây mấy giờ đồng hồ thôi, tro bếp vẫn còn nóng. Cuốc chim, xe rùa, thau bê đá, mấy thứ này bọn họ mang theo không kịp đây”.

Máy phục vụ khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá hủy.
Máy phục vụ khai thác vàng trái phép bị lực lượng chức năng phá hủy.

Chui sâu vào một hầm lò phía dưới một cánh rừng, đoàn phát hiện hàng chục máy móc các loại được các chủ vàng cất sâu vào tận cuối căn hầm dài ước trên 50 mét. “Dân làm vàng chuyên nghiệp thường tìm mạch, đào sâu chí ít cũng năm chục mét trở lên, có khi đào rẽ nhánh như thế này đây, chứ không làm trên mặt đất đâu”, một thanh niên làm vàng cho Công ty Trường Sơn dẫn đường nói. Chiếc đèn pin hỗ trợ chúng tôi trong đường hầm tối hun hút, ngột ngạt, ánh sáng rọi vào dần hiện lên hàng loạt vật dụng của dân làm vàng. Miệng hầm quá thấp, phải cúi lom khom, mọi người cùng dồn hết sức để kéo chiếc máy ép hơi ra. Các vật dụng như máng và phễu đãi bị bỏ lại được một cán bộ trong đoàn cho đất vào đãi thử, sau một hồi những mảnh óng ánh màu vàng (gọi là vàng cám) hiện ra dưới đáy. Mục sở thị gần chục hầm vàng, hầm nào cũng dài và ngóc ngách như con lươn đang bò. Chợt hình dung, những cái hầm với đường kính 1 mét khoét kiểu hàm ếch thế này nếu bị sập, các phu vàng sẽ không còn nguyên vẹn thân thể.

Nhìn từ trên cao, một vùng rừng đầu nguồn Hòa Bắc bị đào bới. Có chỗ bị đục khoét sâu vào trong vách núi. Bất chấp cảnh ăn ở tạm bợ, nguy hiểm, dân phu vàng vẫn bám trụ cả tháng trời cho đến ngày bị đoàn truy quét lần ra. Theo dân quân xã Hòa Bắc, những đối tượng đào đãi vàng chủ yếu là người từ các nơi khác tới. Không giấy tờ gì, thậm chí nhiều đối tượng là dân “anh chị” cộm cán bị truy nã trốn lên đây làm vàng... nên rất manh động. Ông Lê Mạnh Hùng, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Hòa Vang, Trưởng đoàn cho biết: “Tiểu khu 27 này chỉ là một phần trong số các tiểu khu khác đang “nóng bỏng” vì vàng. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép kéo dài nhiều năm nay cũng diễn ra tại tiểu khu 29 với diễn biến hết sức phức tạp”. Qua tuần đầu tiên truy quét, lực lượng liên ngành đã phá 8 hầm vàng, 10 lán trại, 7 xe rùa chở đất, 4 cối xay đá, hàng chục tấm bạt và các dụng cụ đào vàng khác.

Những năm trước, khi các hầm vàng ở Khe Đương mới xuất hiện, nơi đây từng xảy ra nạn tranh giành theo kiểu xã hội đen của các băng nhóm. Máu của không ít phu vàng đã đổ xuống đây. Lực lượng truy quét cũng chỉ chốt chặn được một thời gian rồi rút quân. Ngay sau đó, hoạt động khai thác lại rộ lên ngày một tinh vi và bài bản hơn, kể cả việc dân làm vàng chống trả lại lực lượng làm nhiệm vụ để cướp “hàng”. Và đến nay, rừng Hòa Bắc vẫn chưa một ngày bình yên.

(Còn nữa)

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng của huyện Hòa Vang đã tổ chức 66 đợt truy quét chống chặt phá rừng, khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép tại 74 điểm, tiểu khu trên địa bàn. Qua đó, phá hủy gần 30 lán trại, bắt và đẩy đuổi ra khỏi rừng 8 đối tượng; đồng thời phá hủy hàng chục máy nổ, máy nén khí, máy phát điện, cùng nhiều dụng cụ thủ công phục vụ cho việc khai thác vàng trái phép.

THÀNH LÂN - DUYÊN ANH

;
.
.
.
.
.