Đội quân “vàng tặc” đi tới đâu là cây rừng bị chặt phá không thương tiếc tới đó. Hàng trăm cây cổ thụ bị cưa đốn, kéo theo đó là hàng tấn dầu máy, thủy ngân, cyanua… thải ra môi trường. Tất cả đang đe dọa cuộc sống người dân.
TIN LIÊN QUAN
Rừng vẫn còn “chảy máu”.... |
Lần vào các tiểu khu 25, 27, 29 mới thấy, hoạt động khai thác gỗ không còn rầm rộ như trước, nhưng đã làm hàng trăm cây rừng như chò, lim, xoan đào… bị đốn hạ. Phần gỗ xấu dùng để làm lán trại ăn nghỉ, phần gỗ tốt có điều kiện chúng chuyển ra khỏi rừng bán lấy tiền. Cứ một cây gỗ lớn bị hạ là cả trăm cây rừng nhỏ khác bị đè ngã theo. Kiểm tra những lán trại mới dựng lên bằng cây rừng và bạt nhựa, mọi người không khỏi xót xa bởi dấu vết chặt phá vẫn còn nhựa mới. Tận mắt chứng kiến một vùng rừng chỉ còn trơ trọi những cây gỗ chết khô và dây leo thực vật mới thấy sự tàn phá ghê gớm của những “lâm tặc”, “vàng tặc”. Chúng tôi liên tưởng đến con số gần 100 vụ vi phạm về mua bán, khai thác, vận chuyển trái phép lâm sản, khoáng sản bị lực lượng Kiểm lâm xử phạt trong thời gian qua, trong đó gần 70m3 gỗ bị tịch thu, 27 lán trại, 7 hầm khai thác vàng trái phép, hàng chục máy nổ, máy xay đá, máy nén khí, mô-tơ... bị phá hủy mà xót thương cho rừng...
Th.s Mai Văn Bảy, giảng viên Khoa Hóa - ĐHSP Đà Nẵng: Hóa chất dùng trong khai thác vàng rất độc Cyanua là muối của axit xyanhidric (HCN), thường được dùng trong khai thác vàng dưới dạng muối Kali và Natri (KCN, NaCN) là tinh thể màu trắng, có mùi quả hạnh nhân, tan tốt trong nước. Cyanua là hóa chất cực độc dùng trong công nghệ khai thác quặng vàng ở giai đoạn ngâm chiết, gây chết người với liều lượng thấp. Chỉ cần ăn nhầm từ 50 - 200 mg chất này thì một người khỏe mạnh có thể mất ý thức trong vòng 10 giây đến 1 phút. Sau khoảng 45 phút thì rơi vào trạng thái hôn mê và có thể tử vong sau khoảng 1 giờ, nếu không có các biện pháp điều trị kịp thời. |
Phút dừng chân lót dạ nắm cơm trưa, nhìn dòng suối ở tiểu khu 27 chảy róc rách, nước đục ngầu, ai nấy không khỏi lo ngại. Do khai thác trái phép nên hóa chất độc hại dùng để tách vàng như thủy ngân, cyanua xả thẳng ra các con suối nhỏ, chảy qua hàng chục kilômét đường rừng địa bàn xã Hòa Bắc, rồi từ đó theo dòng chảy đổ về các con sông ra vịnh Nam Ô. Các nghiên cứu cho biết, cyanua là chất cực độc, gây chết người với liều lượng thấp. Không chỉ đầu độc các loài động thực vật thủy sinh, mà cyanua còn gây ô nhiễm không khí nơi có dòng nước nhiễm cyanua chảy qua. Một cán bộ trong đoàn truy quét thốt lên: “Nếu ăn phải nước ô nhiễm các loại hóa chất này thì không khác gì bị nhiễm chất độc da cam”. Ở trong rừng vài ngày, tắm giặt, ăn uống đều là nguồn nước từ những khe suối dẫn về, tự dưng chúng tôi cảm thấy bất an. Trời lúc nắng lúc mưa, anh em trong đoàn chỉ mang theo ít chai nước suối và những đùm cơm nắm. Khi hết nước, thấy các lán trại có nước đó nhưng chẳng ai dám uống.
Tại các lán trại của dân làm vàng mới bỏ chạy, chúng tôi thấy còn in lại nhiều dấu vết của máy xay, giàn tuyển, vòi ống, máy nổ còn loang lổ vết dầu mỡ, cùng các vật dụng khác phục vụ khai thác vàng trái phép, vừa được dỡ bỏ. Nhìn các hầm, hố vàng còn mới tinh và cả một góc rừng bị cày xới, chứng tỏ việc khai thác vàng diễn ra đã khá lâu. Chỉ tay vào hầm vàng đã bị lực lượng chức năng đánh sập tại tiểu khu 27 nay bị đào bới lại, anh Phan Công Sơn, cán bộ Huyện đội Hòa Vang nói: “Phu vàng không chỉ manh động mà còn coi thường tính mạng của mình. Để chuyển được một cái máy lên rừng phải mất hàng chục ngày. Một khi ông chủ thuê mang lên, họ thường rất liều lĩnh, bất cần. Khi bị cơ quan chức năng thu giữ, dân phu vàng sẵn sàng đánh trả”.
Cùng với nạn khai thác khoáng sản trái phép, lâm tặc cũng “tàn sát” cây rừng không thương tiếc. Trong ảnh: Một cây cổ thụ bị lâm tặc chưa kịp đốn ngã. |
Cùng đi với các lực lượng liên ngành vào rừng chúng tôi mới nhận ra, công tác phòng ngừa và truy quét “vàng tặc” tại rừng Hòa Bắc gặp không ít khó khăn, bởi các điểm khai thác vàng đều nằm trong rừng sâu, hiểm trở, đi lại rất khó khăn. Khi lực lượng truy quét vừa vào tới nơi, các đối tượng lại bỏ chạy sang khu vực khác. Cũng cần nói thêm, lực lượng, kinh phí cho công tác truy quét, đẩy đuổi các đối tượng vi phạm còn nhiều hạn chế, bất cập. Ví dụ như để vào đến các tiểu khu 27, 29, cán bộ đoàn truy quét phải dùng xe cá nhân di chuyển trên 15 km đường rừng. Mà trên thực tế, chỉ cần đi lại vài lần trên cung đường này, xe máy có xịn đến đâu cũng phải hư hỏng nặng. Trong khi đó tiền xăng xe, tiền ăn của anh em chỉ có 100.000 đồng/ngày.
Khi chúng tôi thực hiện bài viết này là lúc các anh em trong Đoàn liên ngành đổi ca, lập tổ chốt chặn dài ngày để tuần tra và truy quét nạn khai thác lâm sản, khoáng sản trái phép tại các cánh rừng Hòa Bắc. Xác định sẽ cơm vắt cơm đùm từ nay đến gần Tết Nguyên đán, anh em đã sẵn sàng tư tưởng cho nhiệm vụ khó khăn. “Cuộc chiến” còn kéo dài, đòi hỏi những người làm nhiệm vụ phải hy sinh một cách thầm lặng. Tất cả với mục tiêu giữ cho rừng mãi xanh và nguồn nước không bị nhiễm độc.
Bà Đinh Thị Trơ, người dân thôn Giàn Bí, xã Hòa Bắc: Không dám uống vì sợ chết Hồi trước hay đi rừng lấy củi, khát nước thì cứ vục tay xuống suối mà uống, giờ chừ nghe nói mấy người khai thác vàng dùng hóa chất độc lắm nên không dám uống nữa. Nước ở Tà Lang, Giàn Bí bị ô nhiễm ghê lắm, không dám cho trẻ tắm vì bị ghẻ ngứa, uống vào thì sợ bị nhiễm độc. Người dân địa phương không dám ra suối lấy nước về giặt giũ, kể cả trâu bò khát nước cũng không cho uống, sợ nó chết. Mùa này còn có nước, chứ mùa nắng hiếm nước lắm, nhiều khi dân cứ uống đại. Bà con chúng tôi chỉ mong sao Nhà nước ngăn chặn các đối tượng đào vàng, khai thác rừng bừa bãi để trả lại nguồn nước sạch ở đây. |
Phóng sự của THÀNH LÂN - DUYÊN ANH