.

Giới trẻ chơi đêm

.

Màn đêm buông xuống, đường phố trở nên yên tĩnh hơn, nhất là những con đường vùng ngoại thành dường như im ắng… Đây là thời điểm “đi đêm” của một bộ phận giới trẻ.

Chơi thâu đêm suốt sáng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.
Chơi thâu đêm suốt sáng của một bộ phận giới trẻ hiện nay.

Xâm nhập thế giới đêm

Theo lời chỉ dẫn của những “tay chơi”, chúng tôi đã có cuộc tìm hiểu và khám phá giới trẻ về đêm tại Đà Nẵng. Điểm dừng chân đầu tiên của chúng tôi là một quán cà-phê hộp trên đường 2 tháng 9. Nhiều người trẻ cho rằng đây là nơi “lý tưởng” đối với họ, bởi lẽ vào đây, giữa bao nhiêu người nhưng chỉ 2 người biết nhau mà thôi, vì ai cũng có góc “tâm sự” riêng và chẳng ai quan tâm đến ai cả. Đối với những quán như thế này, phải chú ý mới nhận ra, bởi ngoài tấm bảng ghi là “cà-phê” ra thì khung cảnh, không gian không có vẻ gì là quán cà-phê cả, mà trông giống như một nhà nghỉ. Bên trong tầng trệt, chỉ có những chiếc xe và duy nhất quầy thu ngân. Một người trạc ngoài 30 tuổi hỏi ngay chúng tôi uống gì, trả lời qua loa vài món thức uống, chúng tôi được anh dẫn lên cầu thang nhỏ để vào “điểm hẹn”. Qua chiếc đèn pin với ánh sáng trắng mờ mờ, chúng tôi chỉ kịp nhìn thấy trong phòng có những chiếc ghế mềm dài kê sát vào nhau, trước mỗi chiếc ghế là một cái bàn đặt thức uống. Anh nhân viên đẩy nhẹ cửa, dẫn chúng tôi đến đúng vị trí chiếc ghế còn trống và vội vã đi ra. Không gian tĩnh mặc, chúng tôi không thể nhìn rõ nhau. Tôi vội bật điện thoại lên để lấy chút ánh sáng, anh bạn đi cùng vội nói nhỏ: “Xung quanh đều có người hết đấy, mình chỉ ngồi và cảm nhận thôi”. Tôi tắt điện thoại, một lát sau, người phục vụ ban nãy cũng với chiếc đèn pin nhỏ ấy mang vào cho chúng tôi những thức uống đã gọi, rồi lặng lẽ đi ra… Tôi ngồi im và lắng nghe những âm thanh xung quanh. Chốc chốc, những tiếng va đập nhẹ vào mặt bàn hòa lẫn tiếng thì thầm, lào xào không nghe rõ. Ngồi một lúc, tôi giả vờ đi vệ  sinh. Lần theo cánh cửa lúc nãy, tôi ra bên ngoài, xung quanh cũng đều là những căn phòng khép kín. Nhà vệ sinh không mấy sạch sẽ do những “cuộc vui” trước để lại là những chiếc “bao” vứt trong giỏ rác, moi thứ quá cũ kỹ và nhếch nhác. Tôi vội trở vào trong, ngồi thêm lát nữa rồi cùng anh bạn đồng nghiệp ra về…

Theo số liệu từ Sở VH-TT&DL, trên địa bàn thành phố có khoảng 244 quán karaoke đang được cấp phép hoạt động. Từ đầu năm đến nay, Thanh tra Sở đã tiến hành thanh tra, lập biên bản vi phạm hành chính 4 trường hợp vi phạm về kinh doanh karaoke, 5 cơ sở massage vi phạm pháp luật và một quán bar tổ chức cho người nước ngoài biểu diễn nghệ thuật không có giấy phép...

Rời quán cà-phê, lúc này đã gần 23 giờ, chúng tôi đến bar X trên đường Đống Đa. Đây được coi là nơi “xa xỉ” để giới trẻ thể hiện “đẳng cấp dân chơi” của mình. Bên ngoài, những ánh đèn led đủ màu sắc chiếu sáng rực cả khoảng không. Chốc chốc lại có một vài chiếc taxi đến đổ khách, bước xuống xe là những “cậu ấm, cô chiêu” ăn mặc sành điệu, kiểu cách, hay “cực lì” với những hình xăm trổ quái dị, cố tình “khoe hàng”. Phần đông họ đã có hơi men, nghiêng ngả và được các vệ sĩ to cao dìu vào cuộc vui. Vừa qua lớp cửa cách âm, tiếng nhạc đinh tai nhức óc đã bao trùm.

Một nam nhân viên cầm chiếc đèn pin nhỏ dẫn chúng tôi đến chiếc bàn kê sát trong góc, nơi này đủ để quan sát hàng trăm con người đang nhảy nhót thác loạn. Bao quanh chúng tôi là những cặp trai gái ngồi kề sát, thể hiện tình cảm một cách tự nhiên. Những nam thanh niên đơn độc thì có các cô ăn mặc mát mẻ chăm sóc tận tình. Và sau những cử chỉ săn sóc đó là những đồng tiền “boa” được dúi vào những nơi nhạy cảm của các cô.

Trước mắt chúng tôi, anh chàng chơi nhạc DJ và các vũ nữ ăn mặc “thiếu vải” cứ thế “nóng bỏng” hết mình trên sân khấu. Đáp trả những hành động “nhiệt tình” ấy là những tiếng huýt, tiếng hú, tiếng hét chói tai khiến cả sàn nhảy sung hơn khi nào hết. Một số người đứng như “trời trồng”, mặt cúi, mắt nhắm nghiền rũ rượi, bơ phờ... K., người bạn đi cùng chúng tôi cho hay: “Bọn họ đang phê thuốc, đứng vài phút lại bay tiếp thôi”. K. sinh ra ở Quảng Bình, học hết phổ thông rồi vào Đà Nẵng học làm tóc, rồi mở tiệm làm tóc, khách quen lui tới nhiều, hạng nào cũng có. Tiếp xúc nhiều, K. cũng quen dần và trở thành dân chơi thích “sống về đêm”. K. cho chúng tôi biết thêm, vào những chốn như thế này là để đốt tiền, và đúng như K. nói, khi thanh toán, chỉ với vài chai bia Heineken, đĩa trái cây và gói hạt dẻ, chúng tôi mất cả triệu…

Rời quán bar, chúng tôi tạt vào một quán cà-phê vỉa hè trên đường Hùng Vương, đối diện chợ Cồn, đây được coi là nơi để sau khi “vui vẻ”, họ “tiếp sức” rồi tiếp tục cuộc chơi… Lúc này đã một giờ sáng. Rải rác bên đường chỉ còn một vài hàng quán nhỏ bán bún, phở, trứng vịt lộn hoặc những quán cà-phê “cóc”. Một vài nhóm đang tụ họp, nhóm đánh bài, nhóm “tám” chuyện… với đủ hạng người, nam có, nữ có và đồng tính cũng có nhưng hầu hết độ tuổi còn khá trẻ. Bên kia đường, những tiếng nhạc cực mạnh vang lên mà chỉ cần một quán mở là đủ cho các quán còn lại nghe miễn phí… Lai rai cà-phê thêm một lúc nữa, chúng tôi ra về tầm 3 giờ sáng, để lại sau lưng dư âm của những tiếng nhạc vang trời, những ánh đèn màu chói lóa…

Quản lý chưa chặt

Đã thành quy luật, có cầu ắt có cung, cuộc sống hiện đại khiến nhu cầu giới trẻ ngày càng thay đổi. Vì vậy, các quán bar, karaoke, cà-phê cũng ra đời với đủ loại hình: bình dân, thượng lưu, cà-phê “đèn mờ” đến các quán cà phê “hộp”, karaoke ôm, massage trá hình… Và đã có rất nhiều trường hợp vi phạm pháp luật đã bị Công an “sờ gáy”.

Theo Công an thành phố Đà Nẵng, địa bàn thành phố có trên 20 quán bar, hầu hết hoạt động với mô hình là doanh nghiệp tư nhân, công ty TNHH, công ty cổ phần... nhưng trên thực tế hoạt động biến tướng như vũ trường. Từ đầu năm đến nay, đã xảy ra 14 vụ phạm pháp hình sự, 5 vụ, trong đó có 8 đối tượng hoạt động mua bán ma túy và hàng chục đối tượng có biểu hiện sử dụng ma túy tại các quán bar…

Vài năm trở lại đây, tệ nạn xã hội như bia ôm, karaoke ôm đã giảm rất nhiều. Tuy nhiên, chúng tôi được biết một vài quán karaoke trên đường 2 tháng 9 vẫn còn tình trạng nuôi “đào” (cách gọi của các dân chơi) trong nhà để tiếp khách khi khách có nhu cầu. “Các quán bữa nay “làm ăn” tinh vi lắm, nếu khách có nhu cầu, họ cũng không dại gì mà “làm” ngay tại quán, nếu cần, kiếm mấy nhà nghỉ rẻ tiền hoặc khách sạn, đi “tàu nhanh, tàu chậm” tùy thích”, một bác xe ôm gần đó cho chúng tôi biết. Không những thế, một vài loại hình mại dâm trá hình khác vẫn diễn ra trong các dịch vụ thư giãn như xông hơi, massage…

Theo các cơ quan chức năng, nếu gọi vũ trường thì tại Đà Nẵng bây giờ không có cơ sở nào đạt tiêu chí. Tuy vậy, theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều quán bar đang hoạt động thực chất đều na ná vũ trường. Cũng bởi chính sự “na ná” này đã khiến cơ quan chức năng “đau đầu” trong việc xử lý vi phạm. Theo Thanh tra Sở VH-TT&DL, trong năm nay đã tiến hành gần 150 lượt thanh tra, kiểm tra về lĩnh vực văn hóa (quảng cáo, karaoke, biểu diễn nghệ thuật, cơ sở massage…) nhưng chưa phát hiện các hành vi liên quan đến các hoạt động mại dâm.

Đêm của giới trẻ - chúng tôi không thể gói gọn hết trong bài viết này. Song, qua đây, chúng tôi cũng muốn đánh động, thức tỉnh một bộ phận được coi là “tương lai của đất nước” đang có lối sống buông thả, thực dụng, đua đòi. Với sự ra đời của các loại hình vui chơi, giải trí phục vụ nhu cầu giới trẻ thì công tác quản lý cũng phải được thắt chặt, nhằm tạo nên một nếp sống lành mạnh, văn minh. Để làm được điều đó, các cấp chính quyền, các ngành chức năng và đặc biệt là cả cộng đồng cần chung tay, góp sức phát hiện, xử lý kịp thời các hành vi vi phạm.

Bài và ảnh: THANH TÌNH - NGUYỄN TIẾN
 

;
.
.
.
.
.