.

Long đong một kiếp người

.

An bị cha bỏ rơi khi chưa kịp chào đời. Mẹ cũng bỏ đi khi cô vừa cất tiếng khóc lọt lòng. Bất hạnh không buông tha cho số phận buồn tủi ấy khi 1 tuổi, cô bị tật sau khi sốt cao. Nay 35 tuổi, cô bơ vơ không nhà. Đôi lúc An tự hỏi, mình sống để làm gì khi không còn ai thừa nhận, yêu thương.

Giữa trời mưa, An vẫn ngồi trước cửa nhà ông M. vào buổi trưa.
Giữa trời mưa, An vẫn ngồi trước cửa nhà ông M. vào buổi trưa.

Đứa con không được thừa nhận

Những ngày qua, trời nắng cũng như mưa, nhiều người đi ngang qua kiệt số 108 Ông Ích Đường (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) đều thấy một cô gái tật nguyện ngồi trước quán cơm. Cô ngồi nhìn chăm chăm vào trong nhà với nét mặt buồn rười rượi. Nơi ấy, cô đã từng ở, từng được yêu thương và lớn lên. Nhưng giờ đây, cô không còn được bước vào nơi từng đong đầy niềm vui ấy bởi cô bị “đẩy” ra khỏi nhà. Cô gái tật nguyền ấy tên Ngô Thị Tường An (SN 1977, trú tổ 24, phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng).

Người thân của An kể rằng, gần 35 năm trước, ông N.Q.T quen một người phụ nữ tên T. ở khu vực Cầu Đỏ (Đà Nẵng). Hai người hò hẹn nên duyên vợ chồng, đã được gia đình bỏ trầu cau. Nhưng giọt máu trong người đàn bà lớn dần lên khi chưa kịp làm đám cưới cũng là lúc ông T. quay lưng không chịu thừa nhận con. Ngày ông cưới vợ cũng là ngày bà T. sinh ra An. Hận người tình phụ bạc, bà T. bồng đứa con vừa tròn một ngày tuổi đem bỏ lại nhà ông T. rồi đi biệt. Không nhẫn tâm nhìn cháu nội mình bị “vất” qua “vất” lại khi còn đỏ hỏn, ông Ngô N. và bà Ông Thị T. (cha mẹ ông N.Q.T) quyết định nuôi cháu và đặt tên là Ngô Thị Tường An.

Thiếu bầu sữa mẹ, An gầy gò ốm yếu, bệnh tật triền miên. Một năm sau khi chào đời, An lên cơn sốt co giật rồi bị liệt một phần chân, miệng méo. Ông Ngô N. và bà Ông Thị T. càng yêu thương An hơn, như để bù đắp bao bất hạnh mà cô phải gánh chịu. Khi cháu gái đến tuổi đi học, ông N. ngày 2 buổi đạp xe đưa An đến trường. Nhưng việc học của An dừng lại ở cấp 1 bởi ông N. không còn đủ sức đạp xe như thế nữa. Dẫu không lành lặn nhưng An vẫn phụ giúp những công việc gia đình. Hạnh phúc của An dẫu không trọn vẹn nhưng tình yêu thương của ông bà nội làm cô ấm lòng.

Phận đời long đong

Vợ chồng ông Ngô N. và bà Ông Thị T. có 7 người con, gồm 5 trai, 2 gái. Đến tuổi dựng vợ, gả chồng cho các con, ông chia đều cho mỗi người một mảnh đất. Ông bà và An ở với vợ chồng người con út Ngô Quang M. và bà Đinh Thị N. Ngoài mảnh đất chia đều, ông M. được phân thêm 40m2 để thờ tự ông bà, cũng là phần nhà, đất để vợ chồng ông N. và cô cháu gái ở.

Tuy nhiên, khi vợ chồng ông N. lần lượt qua đời, mảnh đất thờ phụng trở thành căn nguyên chia rẽ tình anh em. An vẫn lặng lẽ sống trong ngôi nhà cũ bằng ký ức ngọt ngào về những ngày còn ông bà nội. Nhưng bất hạnh lại đến với An một lần nữa: Cô bị “đẩy” ra khỏi ngôi nhà cô đã gắn bó hơn 30 năm nay.
Nhiều người khi đi ngang hoặc đến nhà ông Ngô Quang M. ăn cơm (nhà ông M. bán quán cơm) đều gặp cô gái tật nguyền này ngồi trước cửa nhà, trước mặt có một tấm bảng: “...Vợ chồng chú M., thím N. đuổi cháu tật nguyền ra đường để tôi không nơi nương tựa. Hỏi trời có thấu hiểu lòng dạ của người thím và chú ruột nhẫn tâm bởi tôi là người bất hạnh!...”.

Ông Ngô Quang M. cho biết, do cưu mang An hơn 20 năm, giờ đây ông không còn đủ sức nên đã bàn bạc với mấy anh em gửi cô đến cơ sở T.T. (phường An Hải Tây, quận Sơn Trà) học nghề may. Ông M. còn xác nhận: “Cháu nó xin đi. Nếu không cho cháu đi, cháu đòi tự tử”. Nhưng theo lời bà Huỳnh Thị H., vợ ông Ngô Quang Q. (anh ruột ông M.) thì ông M. không muốn cho An ở trong nhà mình nữa nên tìm cách “đẩy” cô gái ra khỏi nhà. Do đó, khi An không ở được tại cơ sở T.T. do điều kiện khó khăn, cô trở về thì bị vợ chồng ông M. không cho vào nhà.

Bà Ngô Thị Tính, Tổ trưởng tổ dân phố 24 (phường Hòa Thọ Đông) xác nhận, trước đây An nhập hộ khẩu ở nhà ông M., sau khi ông bà nội qua đời thì nhập qua nhà ông Ngô Quang Q. Hỏi vấn đề này thì bà Huỳnh Thị H. cho hay, vì vợ chồng ông bà thương tình nên đã nhận An làm con nuôi. Tuy nhiên, trách nhiệm nuôi nấng thuộc về vợ chồng ông M. bởi ông M. đã từng hứa với cha mẹ sẽ nuôi dưỡng An.

Giữ vững lý lẽ của riêng mình, ông M. kiên quyết: “Tôi thương nó thì tôi mới nuôi từ nhỏ đến giờ. Nếu tôi là người nhẫn tâm, sẽ không nuôi cháu và có thể đuổi cháu ra khỏi nhà bất cứ lúc nào. Bố đẻ cũng không thừa nhận nó là con thì thử hỏi có ruột rà máu thịt gì với tôi. Bây giờ, nó đã là con nuôi của vợ chồng ông Ngô Quang Q. thì nó phải về bên đó ở là lẽ đương nhiên”.

Trước hoàn cảnh tội nghiệp của An, dưới áp lực của bà con chòm xóm, tổ dân phố họp và buộc vợ chồng ông M. phải cho An vào ở. Thế nhưng qua họp hòa giải, bà Đinh Thị N. (vợ ông M.) không chấp nhận. Bà N. quả quyết nếu cho An vào ở thì bà sẽ ra khỏi nhà.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.