.

Mùa ruốc

.

Vác tấm lưới mành trên vai, chú Lâm (ngư dân phường Thọ Quang, quận Sơn Trà) nhìn tôi với vẻ hoài nghi: “Con có chắc đi được không? Say sóng lắm con ơi!”. Mặc dù chưa đi biển lần nào nhưng tôi cũng liều nói với chú là đi được và không sợ say sóng. Thấy tôi cương quyết, chú Lâm hỏi đi hỏi lại vài ba lần rồi mới đồng ý cho tôi theo.

Ghe mành với giàn lưới trũ xúc ruốc.
Ghe mành với giàn lưới trũ xúc ruốc.

Bài 1: “Săn” ruốc

15 giờ chiều, ghe nổ máy bắt đầu hành trình “săn” ruốc. Lúc này, hàng chục ghe bạn cũng nối đuôi nhau chạy ra hướng biển. Những tấm lưới mành bay phấp phới trong gió trông như từng đàn bướm lượn lờ trên mặt biển. Sau mấy ngày bão ở nhà, hôm nay biển lặng, sóng êm, nhìn ra ngoài khơi xa, chú Lâm hy vọng sẽ có một chuyến ruốc bội thu.

Mất 20 phút, ghe chạy ra đến Bãi Đa, chú Lâm cho thả neo và chuẩn bị đồ nghề đánh bắt ruốc. Phương tiện đánh bắt ruốc là một giàn lưới trũ (lưới giã xúc) treo vào đầu hai thanh xà ngang dài khoảng 15m nằm dọc ghe. Bốn người “hò dô ta” hè nhau đẩy hai thanh xà ra phía trước mũi ghe cho tấm mành trũ chìm hẳn xuống biển. Xong việc, kẻ chùi rổ, người tát nước ghe, còn chú Lâm nấu nước trà uống cho ấm bụng. Nhấp chén trà đặc, chú kể cho tôi nghe những chuyện buồn vui của ngư dân nghề biển. Với dân biển, hễ nghe hai tiếng “mùa ruốc” là nghĩ đến mấy tháng gần giáp xuân kéo dài đến cuối hạ. Đánh ruốc chủ yếu gần bờ, ghe có công suất dưới 20 CV, chạy trong phạm vi từ 10 đến 12 hải lý, dọc từ bờ biển An Bàn, Hội An đến Bãi Bắc, Sơn Trà. Một ghe ruốc thường có khoảng 4 người: một người chỉ đạo, một người cầm lái, một người kéo trũ và một người phụ thêm. Mỗi chuyến đi ruốc tốn khoảng 20 lít dầu, nếu ghe chạy cả đêm thì tốn 30 lít.

Đang kể cho tôi nghe về nghề ruốc, nhìn con nước, chú giục mọi người chuẩn bị nổ máy đi “săn” ruốc. Ghe di chuyển dọc triền núi Sơn Trà, quanh khu vực chùa Linh Ứng và Bãi Đa. Khi phát hiện chỗ có ruốc, chú Lâm đứng trước mũi thuyền chỉ đạo người cầm lái phía sau cho ghe chạy theo hướng di chuyển của luồng ruốc. Cuộc rượt đuổi xem ra có vẻ quyết liệt. Người cầm lái cho ghe chạy nhanh hơn để đuổi kịp con ruốc. Ghe tròng trành theo từng đợt sóng nhấp nhô. Theo đường mành trũ phía trước mũi, ruốc từ từ di chuyển vào tấm lưới ở hai bên mạn ghe. Hơn 2 tiếng, khi thấy ruốc đã nặng lưới, chú Lâm ra lệnh cho ghe dừng lại. Hai người khác kéo lưới lên. Lúc này khoảng 8 giờ tối, soi đèn pin, những con ruốc tươi màu hồng vẫn còn “ấm” trong rổ, xen lẫn vài con cá hố. Mọi người tranh thủ rải ruốc sang một rổ khác, vừa để làm sạch ruốc vừa để tìm tôm nhí (tôm giống) thường lẫn vào ruốc, có giá rất cao, từ 200-280 nghìn đồng/con. Mất gần nửa tiếng sau, một rổ ruốc tươi khoảng gần 15kg đã nằm gọn ghẽ trên ghe.

Ruốc về.
Ruốc về.

Sau đợt ruốc đầu tiên, ghe chú Lâm neo lại sát triền núi để nấu cơm và nghỉ lấy sức. Giữa cái lạnh của mùa đông, bữa cơm với nồi cá hố kho mặn vừa bắt được, tôi thấy ngon miệng vì mặn nồng hương vị biển. “Đi biển chỉ đem theo gạo thôi, chứ thức ăn lúc nào cũng có sẵn, bắt được con tôm con cá là cho lên bếp luôn”, chú Lâm cười. Sau bữa cơm, mọi người quây quần bên bếp lửa trò chuyện. Hút điếu thuốc cho ấm người, nhìn vào khoảng tối mênh mông, chú Lâm kể cho tôi nghe những tháng ngày lênh đênh bám biển. Hơn hai mươi năm vượt sóng với chú có nhiều kỷ niệm không thể nào quên được. Đang nói chuyện, nhìn thấy ghe ruốc quen đậu cách chừng vài mét, chú Lâm cất giọng hỏi: “Ghe của chú Năm đó phải không?”. “Dạ! Cho hỏi ai đó hè?”. “Anh Lâm đây! Tối chừ ghe mình đánh được nhiều ít chú Năm?”. “Được khoảng mươi ký anh Lâm ơi! Bữa ni chắc tui cũng chỉ quanh quẩn chỗ Bãi Bắc thôi”. Mấy lời thăm hỏi qua lại giữa biển khơi như xua tan cái lạnh của những ngày đầu đông. Chú Lâm nói đi biển có bạn có bè cho vui, phòng lúc bất trắc xảy ra. Nhiều khi ở đâu có ruốc, ghe bạn cũng gọi mình theo, chẳng nề hà gì cả. Xong bữa cơm, khoảng 10 giờ, chú Lâm bảo mọi người đi ngủ. Tôi ngạc nhiên hỏi chú sao không cho ghe tiếp tục bắt ruốc. Chú cười: “Mới đầu mùa, ruốc chưa nhiều nên được ngủ một giấc, chứ vào mùa, ghe chạy suốt đêm không nghỉ, có bữa không kịp ăn cơm”. Ngả lưng nhắm mắt, chứ thực ra tôi không tài nào ngủ được vì lạnh và say sóng.

1 giờ sáng, ghe chú Lâm nổ máy tiếp tục chuyến “săn” ruốc lần thứ hai. Tiếng máy nổ xóa tan màn đêm yên tĩnh. Sóng vỗ oàm oạp hai bên mạn thuyền. Trời về khuya càng lạnh, gió lớn, sóng cũng dữ dội hơn. Những con sóng cao như chỉ chực nuốt chửng chiếc ghe mành nhỏ bé. Ghe quay ra hướng Bãi Bắc, tôi choáng ngợp trước những đợt sóng nhấp nhô. Trời tối nên chú Lâm phải cầm đèn pin để soi đường đi của ruốc. Trong ánh đèn pin nhấp nhoáng, những luồng ruốc di chuyển hai bên mạn ghe dày đặc. Ruốc di chuyển đến đâu, tấm lưới mành theo xúc đến đó. Trong đêm, vẫn thấy ánh đèn của ghe bạn lênh đênh trên mặt biển. Lần thứ hai này, ghe chúng tôi đánh được khoảng 20 ký ruốc và ba con tôm nhí.

Trời dần về sáng, mọi người thu xếp lưới mành và dọn vệ sinh trên ghe chuẩn bị vào bờ. Mặt ai cũng phờ phạc vì thức trắng đêm nhưng vẫn nở nụ cười tươi trong ánh nắng mai hồng. Sau một đêm ra khơi, thành quả của chúng tôi là hai rổ ruốc khoảng 35kg và vài ba con cá tươi còn giãy đành đạch trong rổ.

(Còn nữa)

Bài và ảnh: HOÀNG HÂN
 

;
.
.
.
.
.