.

Thương kiếp tiều phu

.

Hơn 50 năm qua, nhiều gia đình ở gần Ga Kim Liên, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) sống bằng nghề đốn củi. Cứ sáng sớm họ nhảy tàu đi, tối nhảy tàu về. Cuộc hành trình mưu sinh khó nhọc ấy họ không chỉ đổ mồ hôi, nước mắt mà đôi khi còn phải “đánh cược” tính mạng để có ít tiền mỗi ngày.

Để mưu sinh, họ bất chấp nguy hiểm. 	               	            Ảnh: N.TIẾN
Để mưu sinh, họ bất chấp nguy hiểm. Ảnh: N.TIẾN

Nhảy tàu

4 giờ sáng, chúng tôi có mặt tại Ga Kim Liên, không khí tại đây như “phiên chợ sớm”. Trong ánh sáng mờ mờ, vàng vọt ở sân ga, hàng chục con người lỉnh kỉnh rựa, dây thừng, can nước, xôi vò cơm nắm, bao tay, ủng… gọi nhau í ới, buôn chuyện trong những tiếng ngáp dài. Từng tốp ngồi bệt xuống sân ga chờ tàu, bàn nhau về “kế hoạch” làm ăn trong ngày. Gần 5 giờ, đoàn tàu từ từ lăn bánh, mọi người nhanh chóng leo lên tàu. Mọi ánh mắt đổ dồn về hướng chúng tôi. “Đừng có bu theo, rơi là chết đó”, tiếng một phụ nữ gắt giọng như một lời cảnh báo đến kẻ “ngoại đạo”, chúng tôi vẫn quyết bám theo những tiều phu. Để đến được nơi kiếm củi, họ phải thức dậy sớm chờ tàu hàng hoặc tàu khách chạy hướng Đà Nẵng-Huế, rồi đu bám theo. Có tàu hàng sớm, nếu có toa hàng cửa mở, họ vào trú tạm, còn không phải bám ở nối giữa các toa, đuôi tàu hoặc leo lên nóc các tàu khách.

Đoàn tàu rời ga cũng là lúc mặt trời chiếu những tia nắng đầu tiên. Ngồi trên nóc tàu, không khí trở nên im lặng bởi mọi người tập trung cao độ ra tín hiệu cho nhau tránh những đoạn dây điện vắt ngang chỉ cách nóc tàu khoảng 50cm, mà chỉ cần vướng là rơi ngay xuống vực nên phải cúi còm người hoặc nằm sát nóc tàu. Hết đoạn có dây điện giăng ngang, mọi người lại rôm rả trò chuyện, một số người kê đầu trên đùi người khác tranh thủ chợp mắt. “Đi làm chi cho nguy hiểm cháu, tụi cô vì kiếm cơm nên chấp nhận, vào rừng rồi phải đợi đến chiều tối mới có tàu về, có hôm không có phải ngủ giữa rừng. Trong đó thì rắn rết, sâu, vắt ngán lắm”, chị Hiền có khuôn mặt khắc khổ nói. Chị quen với cái nghề kiếm củi này từ năm 14 tuổi, những ngày đầu theo cha phụ vác củi rồi quen dần thành nghề. Cũng có thời gian chị xin làm công nhân nhưng rồi nghỉ vì thu nhập thấp lại gò bó thời gian. Hiện các con đã lớn, đi học, trên vai gánh nặng càng đầy thêm nên vào mùa tôm cá, hai vợ chồng ra khơi đánh bắt, hết mùa lại lên núi kiếm củi.

Đoàn tàu xé gió lao đi, rồi rồng rắn xình xịch qua những đường cong. Bỗng một tiếng hét lớn “chui hầm”, cả mấy chục người cúi rạp xuống, trong tích tắc bóng tối bao trùm tiếng ồn rát tai, “nếm” mùi khói tàu khắc cả cổ họng, chốc chốc có nước chảy xuống đầu. Mặc dù tăng hết độ sáng ánh đèn flash máy ảnh nhưng chúng tôi chỉ thấy mờ mờ bóng người nằm bất động úp mặt sát trần tàu.

Hết hầm, đoàn tàu chạy chậm, một số nhóm tiều phu nhanh chóng “vận công”, chọn vị trí nhảy phắt xuống mặt đất một cách thuần thục, tiếp tục cuốc bộ. Qua 3 hầm thì đến trạm dừng Hải Vân Bắc, đoàn tàu dừng lại, số tiều phu còn lại leo xuống “tập kết”. Đàn ông tranh thủ phì phèo thuốc lá rồi xốc lại đồ đạc, phụ nữ cũng tất bật để lên đường. Từ đây đến chỗ lấy củi phải mất từ 7 đến 10km. Mọi người tỏa ra các hướng men theo lối mòn nhỏ trơn trượt vì sương sớm chưa kịp tan. Đi được một lúc, ai cũng nhễ nhại mồ hôi ướt đẫm lưng áo. Thấm mệt nhưng chúng tôi vẫn cố theo kịp đoàn người để tránh bỏ lỡ những khoảnh khắc không dễ gì biết được về người tiều phu trong rừng.

Kiếm củi

Leo qua những vách đá dựng đứng, lối mòn um tùm cây cối gai góc, cuối cùng cũng đến nơi. Lúc này, nắng gay gắt hơn. Ngụm vội vài hớp nước, mọi người lấy rựa tản ra các hướng kiếm củi. Rất tinh mắt, tay thoăn thoắt “múa rựa”, những cây khô chết bị đốn hạ. Một người cho biết chủ yếu đi kiếm củi khô vì nó nhẹ, đỡ tốn sức, dễ vận chuyển xuống núi, nhiều khi không có nhiều cũng phải chặt củi tươi tự nhiên… Các loại cây này thường có đường kính dưới 5cm. Thấy một số gốc cây to có dấu bị cưa từ lâu, chúng tôi dò hỏi, một người đàn ông gắt giọng: “Không biết, tụi đây đi làm chỉ có rựa, làm sao đốn được cây to, đây không muốn ăn cơm tù”.

Còn các chị không kém gì đàn ông, phát hiện được những cây khô nằm tít trong lùm dây leo, họ hì hục phát quang, cố lôi ra cho bằng được, mặc cho cây gai cào cấu tay chân. Mặt trời đứng bóng, vai áo mọi người ướt đẫm mồ hôi, dấu tích của những lần bị gai móc để lại trên áo những vết rách nham nhở. Đến giờ cơm trưa, mọi người ngồi bệt xuống đất lấy những đùm cơm ra ăn. Phần cơm thật đạm bạc, nguội lạnh trong cái nóng oi bức. Cơm trắng với muối đậu, vài lát đu đủ xào, ai khá hơn thì có vài con cá khô, dưa cải… “Quen rồi cháu ơi, ăn thế này chứ ngon hơn thì lấy đâu tiền mua gạo”, chị Điệp có thâm niêm hơn 11 năm đi lấy củi bộc bạch. Nhìn những đôi tay được “giải phóng” ra khỏi găng tay để bưng cơm ăn, xù xì như giấy nhám, chai sạn từng cục, bốc trốc da ố vàng, chi chít vết sẹo ngắn dài… mới thấy rõ nỗi vất vả khó nhọc, cơ hàn của “kiếp tiều phu”. Sau những hớp nước thay canh, họ lại tất bật với công việc.

Chiều đến, mọi người dồn củi về từng đống rồi dùng dây rừng buộc chặt hai đầu gọn gàng, dài từ 0,6 đến 1m. Để tiện chuyển xuống trạm dừng Ga Hải Vân ở gần chân núi, củi được bó nặng khoảng 10 đến 25kg tùy theo củi khô hay tươi. Đường đi đã khó, đường về gian nan hơn trăm phần. Xế chiều ai cũng thấm mệt, mặt đỏ bừng, nhăn nhó vì sức đè của những gánh củi trên vai, đường xuống dốc quanh co. Củi được xếp ở ga, mọi người nghỉ ngơi chờ tàu chợ. Khoảng 18 giờ, đoàn tàu kéo còi dừng lại, họ nhanh thoăn thoắt ôm củi tìm các toa trống chất lên ngay ngắn trước khi tàu chạy. Xong xuôi, các tiều phu “điểm danh quân số” rồi cũng phi nhanh lên toa tàu. Đoàn tàu lăn bánh. Chốc chốc lại có những que diêm vụt sáng châm thuốc rồi tắt ngúm trong màn đêm lạnh lẽo.

Hơn một giờ sau, đoàn tàu kéo còi inh ỏi, báo hiệu đã về tới ga Kim Liên, ai cũng cảm thấy nhẹ nhõm đôi chút. Người nhà, thương lái đã có mặt tại ga để nhận củi, í ới gọi nhau chuyển củi xuống. Xong việc, nhiều người nằm lăn ra sân ga nghỉ ngơi, số khác thoa dầu đấm bóp cho nhau, rồi ai về nhà nấy trong tiếng cười nói hẹn nhau vào buổi sáng hôm sau bắt đầu chuyến mưu sinh mới.

Dụng cụ đốn củi, thức ăn, nước uống được gói gọn trong một chiếc bao.
Dụng cụ đốn củi, thức ăn, nước uống được gói gọn trong một chiếc bao.

Khó bỏ nghề

Cuộc sống giờ đây ít nhà dùng củi để đun nấu thường ngày, chỉ có các cơ sở làm bún, bánh ướt, tiệm cơm, nhất là các lò bánh mì còn dùng củi. Một bó củi giá khoảng 20.000 đồng, một ngày làm quần quật, được khoảng 4 đến 6 bó, thu trung bình 80.000 đến 120.000 đồng/người. Thế nhưng nhiều ngày ngồi không vì mưa gió, hoặc trễ tàu, rồi những lúc ốm đau, gặp tai nạn thì “tiền lương không bằng tiền thuốc”. Nhiều hôm không gặp tàu về phải nằm lại bìa rừng. Nguy hiểm là thế, nhưng nghề kiếm củi đã duy trì hơn 50 năm. Hiện hơn 25 gia đình sống gần ga Kim Liên hằng ngày vẫn bám lấy cái nghề gian truân này để mưu sinh.

Ông Trần Văn Khánh (60 tuổi) trú tại tổ 6, phường Hòa Hiệp Bắc (quận Liên Chiểu) được cho là “lão làng” với hơn 45 năm trong nghề tiều phu. Ông làm công việc này từ khi mới 15 tuổi, đến giờ tuổi cao nhưng ông vẫn dẻo dai, tay còn mạnh chân còn cứng. Cuộc đời ông dường như đã nếm trải, chứng kiến hết sự nhọc nhằn, gian khổ của kiếp tiều phu. Ông chia sẻ thêm: “Khoảng 12 năm trước, không chỉ dân ở đây mà nhiều nơi khác họ về đây nhảy tàu đi rừng rất đông, thấy cực quá họ bỏ dần”. Anh Tân, thâm niên 23 năm kiếm củi, tâm sự: “Muốn kiếm cái nghề gì đó cực cũng được, nhưng bớt chút nguy hiểm. Giờ còn nhanh nhẹn nhảy được, chứ già chút nữa thì chịu. Đi xin làm công nhân họ chê lớn tuổi, không nhận. Không vào rừng kiếm củi được thì ai kêu chi làm nấy”.

Ra về nhưng hình ảnh những con người ngồi ôm gối rũ rượi, sắc mặt bơ phờ, mắt trông xa xăm như mong ngóng điều gì có thể thay đổi phần nào cuộc sống của họ, cứ hiện hữu trong tâm trí, khiến chúng tôi không khỏi xót xa cho những phận người trót mang “kiếp tiều phu” nơi đây.

Phóng sự: NGUYỄN TIẾN

;
.
.
.
.
.