.

Chiến thắng Lệ Sơn

.

CCB Lê Vĩnh Đề (ảnh), nguyên cán bộ Tiểu đoàn 59, Trung đoàn 803, Liên khu 5, hiện trú xã Hòa Ninh, huyện Hòa Vang kể lại trận đánh tiêu diệt cứ điểm Lệ Sơn thời chống Pháp.

...Cuối tháng 8-1952, Tiểu đoàn 59 được tăng cường hỏa lực và một đại đội bộ binh nhận nhiệm vụ tấn công tiêu diệt cứ điểm Lệ Sơn. Cứ điểm này nằm trên địa bàn xã Hòa Tiến (huyện Hòa Vang) do một đại đội ngụy binh chốt giữ, dưới sự chỉ huy của tên ác ôn Đội Tước.

Từ huyện Thăng Bình (tỉnh Quảng Nam), toàn đơn vị bí mật về trú quân tại khu vực Đồng Xanh - Đồng Nghệ (xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang). Nhiều chiến sĩ quê ở Hòa Vang phấn khởi vì được chiến đấu lập công ngay trên quê hương mình. Công tác chuẩn bị nan giải nhất là bàn cách vượt sông Yên vì quân đông mà không có tàu thuyền. Mặt khác, đồn địch đóng giữa cánh đồng, địa hình phức tạp, bờ gò nhấp nhô, chia cắt, bộ đội rất khó tiếp cận và dễ bị lạc hướng. Nhưng nhờ địa phương hỗ trợ, mọi khó khăn đều được khắc phục.

19 giờ ngày 18-9-1952, đơn vị hành quân đến bờ sông Yên, thuộc địa phận thôn La Châu, xã Hòa Khương. Hàng trăm chiếc ghe câu của nhân dân đón sẵn và khẩn trương chở bộ đội qua sông. Hôm ấy, nhằm đêm 30-7 âm lịch, trời tối như mực, nhưng nhờ các cơ sở của ta đốt hương cắm làm lộ tiêu, nên bộ đội chiếm lĩnh trận địa đúng ý định.

0 giờ 15 ngày 19-9, Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Lựu phát lệnh nổ súng. SKZ, súng cối, súng phóng bom, đại liên, trung liên dồn dập bắn vào cứ điểm địch. Trong khi đó, bộ phận mở cửa từ hai hướng Đông Nam và Tây Bắc liên tục ôm bộc phá lao lên mở cửa. Địch chống trả điên cuồng, nhiều chiến sĩ đã ngã xuống trước cửa mở. Đồng chí Lựu lệnh hỏa lực tập trung áp chế các hỏa điểm địch. Các bộc phá viên tiếp tục xông lên phá hàng rào địch. Cửa mở vừa thông, một chiến sĩ xung kích trên hướng chủ yếu mang khối thuốc nổ 20kg băng lên, áp vào tường lô cốt đầu cầu, điểm hỏa. Một tiếng nổ vang rền. Lô cốt lớn đổ sụp. Chớp thời cơ, lực lượng của ta xung kích lao lên đánh chiếm khu vực đầu cầu. Các tổ chiến đấu nhanh chóng phát triển vào tung thâm, tiêu diệt địch trong các giao thông hào, công sự, hầm ngầm...

Địch khiếp đảm, chống cự yếu dần và lần lượt đầu hàng. Tiếng súng vừa dứt, lực lượng dân công và nhiều người dân địa phương đã đến, hối hả vận chuyển thương binh, tử sĩ và chiến lợi phẩm. Đồng bào nhìn mặt từng tên tù binh bị trói, bị thương và cả những tên đã chết. Không thấy tên Đội Tước, bà con lo lắng bảo nhau: “Không giết được thằng Đội Tước thì dân mình còn khổ với nó”. Vậy là chúng tôi ra sức truy lùng và kêu gọi tên Tước đầu hàng. Giữa lúc đó, có một em thiếu nhi từ ngoài đồn chạy vào hét to: “Em thấy thằng Đội Tước đang khiêng thương binh mình ngoài đó!”. Lập tức, bộ đội đuổi theo và bắt được tên Tước. Thì ra tên này rất quỷ quyệt, lợi dụng lúc dân công đang tất bật chuyển thương binh, tử sĩ lên cáng, hắn trà trộn vào, rồi hăng hái khiêng một thương binh ra ngoài đồn để tìm cơ hội tẩu thoát. May mà em thiếu nhi đã kịp phát hiện. Mấy hôm sau, tòa án quân sự mở tại xã Hòa Khương và tên ác ôn Đội Tước đã bị tử hình.

...CCB Lê Vĩnh Đề nhấn mạnh: Chiến thắng Lệ Sơn ngoài ý chí kiên cường, dũng cảm của bộ đội, có công lao to lớn của nhân dân Hòa Khương, Hòa Tiến. Hình ảnh những chiếc ghe câu bé nhỏ đưa cả tiểu đoàn qua sông, những cây hương cắm làm lộ tiêu để bộ đội tiến quân trong đêm tối, em thiếu nhi phát giác tên Việt gian, lực lượng dân công có mặt kịp thời, giúp bộ đội nhanh chóng rời khỏi trận địa... là những tượng đài tuyệt đẹp về lòng yêu nước và cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện.

Năm 2001, UBND thành phố Đà Nẵng đã đầu tư kinh phí xây dựng Đài tưởng niệm chiến thắng Lệ Sơn. Nơi đây đã trở thành địa chỉ tuyên truyền giáo dục về tinh thần yêu nước và truyền thống đấu tranh cách mạng của thế hệ cha anh.  

LÊ VĂN THƠM ghi

;
.
.
.
.
.