.

“Cứu tinh” của bà con vùng cao

.

Từ ngày có Trạm quân dân y, bà còn ở hai thôn Tà Lang, Giàn Bí (xã Hòa Bắc, huyện Hòa Vang) không còn “ngại” đi khám bệnh, số người tử vong do những bệnh thông thường cũng giảm hẳn.

Mới sáng sớm, Trạm quân dân y của hai thôn Tà Lang và Giàn Bí đã có khá đông người đến khám bệnh.

Bác sĩ khám bệnh cho đồng bào dân tộc tại Trạm quân dân y.
Bác sĩ khám bệnh cho đồng bào dân tộc tại Trạm quân dân y.

Không còn sợ bệnh

Ông Phan Ngọc Điểu (65 tuổi, ở thôn Tà Lang), một trong những người đến sớm nhất, nói trong hơi thở: “Tôi thấy mệt trong người. Bác sĩ bảo bị thần kinh liên sườn rồi bệnh dạ dày nên tôi phải đến khám và được cho thuốc thường xuyên”. Ông Điểu có 9 người con nhưng nay chỉ còn 6 người con gái. Ba người con trai của ông đã qua đời vì bệnh. Nhắc lại chuyện này, ông ứa nước mắt: “Ba đứa nó chết vì bị sốt rét ác tính. Thằng Giá chết trên đường đưa xuống bệnh viện. Nó là đứa đẹp trai, hát hay và thông minh nhất nhà”. Ông Điểu cho biết, ngày trước chưa có Trạm quân dân y này, bà con phải thuê xe thồ đi xuống Trạm y tế xã Hòa Bắc (khoảng 6km) hoặc xuống thẳng Bệnh viện đa khoa quận Liên Chiểu mất vài chục cây số nên ai cũng ngại đi khám bệnh. Bởi vậy, không ít trường hợp tử vong vì những bệnh thông thường.

Ngồi cạnh ông Điểu, bà Phạm Thị Hồng (56 tuổi, ở thôn Giàn Bí) thở dài nói: “Xóm tui trước cũng có vài người chết vì không đưa xuống bệnh viện kịp. Tội quá! Mà nào phải bệnh nan y gì. Bệnh sơ sơ thì ráng chịu, khi nào cấp cứu mới đi”. Bà Hồng cho hay, bà bị đau cột sống, chữa vài năm nay ở Trạm quân dân y và đã thuyên giảm. Hằng ngày bà đi bứt mây để kiếm tiền phụ giúp gia đình. Từ ngày có Trạm quân dân y, người dân ở Tà Lang, Giàn Bí không còn sợ bị bệnh nữa. Chỉ cần nhức mỏi, cảm cúm, bà con cũng đến xin thuốc ngay, không để bệnh nặng. “Ngày trước, tiền xe ôm để đến nơi khám cũng tốn 50.000 - 70.000 đồng. Bây giờ, có trạm này ở sát cạnh, lại chẳng phải tốn tiền nên bà con phấn khởi lắm”, bà Hồng hồ hởi.

Nỗi niềm đầu năm

Tính đến nay gần 8 năm kể từ khi Trạm quân dân y ra đời tại thôn Tà Lang và Giàn Bí, hàng chục ngàn ca bệnh đã được các y bác sĩ nơi đây tận tình cứu chữa. Đây là công trình do Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố cùng Sở Y tế và Sư đoàn phòng không 375 đảm nhận thực hiện. Nhận “chức” từ ngày đầu mới thành lập, ông Trịnh Trung - Trưởng Trạm quân dân y nhớ lại: “Lúc đầu thứ gì cũng thiếu, ngay cả chiếc bàn để ngồi khám cũng không có. Bây giờ, trạm đã có máy phát điện, lò sấy, máy sưởi cho bệnh nhân... Với những bệnh nặng, vì không đủ điều kiện, trang thiết bị chữa trị nên đành phải cho chuyển viện. Chúng tôi mong có giường tiểu phẫu và máy vi tính để cập nhập thông tin, kiến thức mới”.

Không chỉ khám, chữa bệnh, các thầy thuốc còn hướng dẫn cho bà con cách ăn, uống sạch, vệ sinh môi trường hằng ngày. Ông Trung cho biết, bà con có thói quen ngâm măng chua để ăn thường trực trong nhà nên hầu hết đều bị bệnh về dạ dày. Nhưng nay nhiều nhà bỏ thói quen đó. Hằng ngày, trạm đón nhận khoảng hơn chục trường hợp đến khám chữa bệnh, chủ yếu là các bệnh về tiêu hóa, hô hấp, bệnh ngoài da...

8 năm cũng đủ để lưu lại trong ký ức điều dưỡng viên Trần Văn Định (45 tuổi) những kỷ niệm, cảm xúc khó quên. Anh kể, có một người quê ở Nghệ An đến Hòa Bắc làm thuê bị gãy xương đùi, chấn thương sọ não, mất máu khá nhiều. Các y, bác sĩ ở trạm liền cố định xương bằng gối cát, sơ cấp cứu và chuyển viện kịp thời. Một thời gian sau, mọi người ngạc nhiên khi có một người đàn ông nói giọng trọ trẹ đến trạm để cảm ơn. Hỏi ra mới biết đó là người trước đây được cấp cứu. “Quà” mà các y, bác sĩ vùng cao này nhận được là những lời nói, ánh mắt biết ơn của người dân dành cho mình. Nhưng bác sĩ Trung bảo, đó là món quà ý nghĩa nhất của người thầy thuốc.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.