.
Kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Khu III Hòa Vang Tết Mậu Thân 1968

Dù tuổi đã cao nhưng nghe hỏi về cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, ông Lê Thanh Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy Khu III Hòa Vang vẫn khí thế hừng hực như những ngày đối đầu với địch trên đất lửa anh hùng.

Ông Lê Thanh Vân nhớ lại, thời điểm trước năm 1968, Mỹ-ngụy đã thất bại liên tiếp trong hai mùa khô 1965-1966 và 1966-1967, từ chiến lược “tìm diệt và bình định”, chúng lui về chiến lược “quét và giữ”. Trước tình thế đó, lực lượng của ta không chỉ giữ vững vùng giải phóng, vùng làm chủ áp sát các thị trấn, thị xã, thành phố mà lực lượng chính trị của ta còn lớn mạnh hơn bao giờ hết. Trước xu thế đó, Trung ương quyết định chiến lược đánh vào đô thị.

Để thực hiện quyết tâm đó, Thường vụ Khu ủy 5 quyết định hợp nhất Quảng Đà và Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà; sắp xếp Đà Nẵng thành 3 quận, chia Hòa Vang thành 3 khu trực thuộc Đặc khu. Khu III Hòa Vang ra đời vào tháng 10-1967 với nhiệm vụ tuyên truyền, vận động và tổ chức nhân dân cùng lực lượng vũ trang tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại thành phố Đà Nẵng. Quan trọng hơn cả là Khu III Hòa Vang được chọn làm mũi tiến công quan trọng vào thành phố Đà Nẵng.

Nhân dân Khu III được học tập, phát động phong trào một ngày bằng nhiều năm, với khẩu hiệu “Thiệu - Kỳ không đổ, không giỗ không Tết”. Với tinh thần ấy, nhân dân đã góp cho Quỹ kháng chiến hàng chục lạng vàng và lượng tiền mặt rất lớn. Không những thế, lúc này, lực lượng chính trị của Khu III đã được huy động tới 7.500 người, chia thành 15 đại đội, trong đó có 8 đại đội xung kích gồm 2.700 người, nòng cốt của lực lượng này là cán bộ, đảng viên và du kích.

Chiều 30 tháng Chạp, tại sân nhà mẹ Huỳnh Thị Nga, Bộ Chỉ huy mũi phía Đông Nam Đà Nẵng do đồng chí Nguyễn Hữu Đức, Thường vụ Đặc Khu ủy, Phó Tư lệnh Mặt trận 4 làm Tư lệnh; đồng chí Mai Đăng Chơn, Thường vụ Đặc Khu ủy làm Chính ủy đã phát lệnh. Đảng bộ, quân dân Khu III Hòa Vang xuất quân đưa hàng ngàn cán bộ, chiến sĩ và đồng bào (kể cả đồng bào vùng cát Điện Bàn) vượt sông Mân Quang tập kết tại thôn Trung Lương thuộc  xã Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân). Ngoài việc huy động thuyền của nhân dân thôn Hòa Đa, Hòa Phụng, còn huy động hàng chục thuyền đánh cá của ngư dân Hòa Hải.

Với nhiệm vụ quan trọng là lấy Khu III Hòa Vang làm hướng tiến công chính vào thành phố Đà Nẵng, bộ đội địa phương và du kích nhập vào lực lượng xung kích và quần chúng, vừa đi mở đường, vừa bảo vệ quần chúng. Trên đường tiến quân, lực lượng xung kích phải vượt qua lưới lửa của địch, vừa phải liên tục chiến đấu, đánh tan hàng chục vị trí, bốt gác của địch, mở đường đưa toàn bộ quần chúng tiến vào thành phố.

Trong đêm 30 tháng Chạp, với quyết tâm cao, đầy mưu trí, linh hoạt, một đại đội của Tiểu đoàn 1 (R20) và Đại đội 3, Khu III Hòa Vang được sự phối hợp của một trung đội bộ đội tỉnh, đánh thẳng vào Bộ Tư lệnh Quân đoàn 1 ngụy đóng tại chùa Tứ Bang (một địa điểm nằm trên đường Núi Thành ngày nay). Sau một giờ chiến đấu, quân ta đã tiêu diệt hàng chục tên địch, bắt sống 73 tên, diệt 2 xe tăng và làm chủ trận địa đến 3 giờ sáng.

(Còn nữa)

VĂN NỞ


(Ghi theo lời kể của ông Ngô Thanh Vân, nguyên Bí thư Đảng ủy Khu III Hòa Vang và theo Lịch sử Đảng bộ quận Ngũ Hành Sơn)

;
.
.
.
.
.