.

Mưu sinh mùa mứt biển

.

Khi những đợt gió đầu đông tràn về cũng là lúc người dân làng Xuân Dương, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu nhọc nhằn mưu sinh với mùa rau mứt biển.

Nghề đi mứt ở làng Xuân Dương có từ lâu đời, thường bắt đầu từ tháng 9 âm lịch và kéo dài cho đến Tết Nguyên Đán.

Người dân Xuân Dương lo lắng mùa mứt thất thu.
Người dân Xuân Dương lo lắng mùa mứt thất thu.

Mùa của sóng

Vào mùa biển động, hết mùa cá, mùa hàu, người dân Xuân Dương lại rủ nhau đi cào rong mứt. Gần thì ở ghềnh đá Nam Ô, xa thì đi tận ngoài Bãi Rạng, Bãi Bụt quanh bán đảo Sơn Trà hay ra tận Lăng Cô (Huế). Mỗi lần đi mứt, người cào khỏe có thể cào cả gần chục ký rong mứt tươi, kiếm được vài trăm nghìn đồng.

Bà Huỳnh Thị Tráng, 61 tuổi, cho biết: “Tui đi cào mứt từ hồi con gái. Ngày xưa ở đây nổi tiếng làm mứt biển. Giờ già rồi, không cào được mứt nữa, tui chuyển sang làm nghề thu mua mứt kiếm đồng ra đồng vào”. Ở Xuân Dương nhiều gia đình có đến ba, bốn thành viên cùng đi mứt như nhà bà Trương Thị Lượng, bà Bùi Thị Thương... Ông Trương Văn Đô, Phó Chủ tịch Hội Nông dân phường Hòa Hiệp Nam, cho biết: “Tuy thời gian khai thác trong năm không nhiều, nhưng thu nhập từ rau mứt biển khá lớn, góp phần quan trọng vào việc bảo đảm đời sống của người dân trong khu vực”.

Đi mứt chẳng khác chi nghề sinh tử. Ở nơi con sóng quất ầm ầm vào ghềnh đá kèm theo cái lạnh tê buốt của mùa đông phải là người kiên nhẫn và chịu thương, chịu khó mới theo được nghề này. Vì vậy, đa số người cào mứt ở làng Xuân Dương đều là phụ nữ. Ngồi nghe những thợ hái mứt ở đây kể chuyện, với những lần bị hàu cứa chân tay, những lần bị trơn trợt té xuống ghềnh đá, mới cảm nhận được nỗi vất vả của những người theo nghề này. Để hái được một ký mứt, người dân ở đây phải đánh đổi cả mồ hôi và nước mắt, lênh đênh theo từng con sóng. Chị Huỳnh Thị Hoa kể lại hành trình mưu sinh nơi đầu con sóng trong cái lạnh của mùa đông buốt giá: “2 giờ sáng, chúng tôi bơi thúng ra ghềnh đá để cào mứt, đến khoảng 9 giờ sáng là về. Làm nghề này nguy hiểm lắm, phải kiên nhẫn, lanh lẹ và chịu được lạnh mới làm được”. Dù nguy hiểm là vậy, nhưng mỗi mùa mứt biển đến, người dân làng Xuân Dương vẫn rủ nhau đi cào mứt vì đây là nguồn thu nhập chính của họ trong những tháng mùa đông.

Mứt biển sinh ra từ khí trời nên có giá trị dinh dưỡng cao và có tác dụng chữa bệnh. Làng Xuân Dương không chỉ có mứt khô mà còn nổi tiếng với loại mứt tẩm. Bà Nguyễn Thị Thi (73 tuổi) với hơn chục năm làm mứt tẩm có tiếng ở làng Xuân Dương không ai bằng. Bao năm làm nghề này, bà đã nuôi 11 người con ăn học đến nơi đến chốn. “Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp giáp Tết, người ta đến đặt mua mứt tẩm nhiều lắm, đến nỗi không có mà bán”, bà Thi chia sẻ. Nhất là trong những năm gần đây, rong mứt còn được xuất khẩu nên người dân ở đây hái được bao nhiêu cũng có người thu mua hết.

Nỗi lo mất mùa

Năm nay ít mưa nên người dân làng Xuân Dương thất thu mùa mứt biển. Ngồi xếp lại những bao mứt khô, bà Tráng than thở: “Chưa có năm nào bà con thất thu mùa mứt như năm ni. Mọi năm vào tháng này, mứt biển mọc đầy ghềnh đá. Không cần phải đi xa cũng cào được mứt. Nhưng năm ni thì không kiếm đâu ra mứt nữa”.

Những năm trước, vào mùa này, mứt biển phơi khắp cả làng Xuân Dương. Người dân Xuân Dương, từ thanh niên trai tráng cho đến phụ nữ và trẻ em, đều tấp nập đi cào mứt để bán cho thương lái. Mùa cao điểm, mứt tươi có giá rất cao từ 70.000 đến 80.000 đồng/ký, mứt khô 700.000 đồng/ký. Thế mà năm nay, khi những cơn mưa đầu mùa bỗng nhiên vắng bóng, người dân ở đây đành phải “lật thúng” nằm nhà. “Mỗi năm vào mùa mứt, người dân ở làng chúng tôi thu nhập cũng hơn chục triệu đồng là chuyện thường. Năm nay, thời tiết không thuận lợi, bà con ai cũng buồn vì mùa mứt thất thu. Mọi năm, ai cũng vui vẻ, hồ hởi có đồng ra đồng vào lo cho con cái ăn học và sắm Tết nhưng Tết năm ni thì chưa biết làm răng đây”, ngư dân Bùi Thông ngán ngẩm.

Buổi sáng ở Xóm Gành, những chiếc thúng sau một đêm hái mứt lại trở về. Vật lộn với con sóng suốt cả đêm nhưng số lượng mứt hái được cũng chẳng đáng bao nhiêu. Thương lái thu mua cũng thấp thỏm vì gần Tết thị trường tiêu thụ mứt rất nhiều nhưng “cung không đủ cầu”. Mùa mứt thất thu nên năm nay lại vắng bóng một số thương lái ngoài Bắc vào. Bà Đặng Thị Chế ngồi bên rổ mứt tươi vừa hái được, mong mỏi: “Mong từ đây tới Tết trời mưa cho bà con làng Xuân Dương này vớt vát lại mùa mứt. Đi cào mứt cả đêm ngoài khơi nhưng chỉ được vài ba ký mà chia cho cả mấy người thì chẳng đáng bao nhiêu đồng. Nhưng vì mưu sinh, chúng tôi cũng phải đi thôi”.

Bài Và Ảnh: HOÀNG HÂN

;
.
.
.
.
.