.

Người quét rác không lương

.

Những ai đi ngang qua ngã tư đường Lê Duẩn - Trần Phú đều nhìn thấy một người đàn ông quét rác vào mỗi sáng. Không biết ông làm công việc đó bao nhiêu năm rồi, chỉ biết mỗi sáng khoảng sân rộng cả nghìn mét vuông luôn sạch bóng. Ông là Võ Hồng Khanh (58 tuổi, trú 18B, Phạm Ngũ Lão, phường Hải Châu 2, quận Hải Châu).

Mỗi sáng ông Khanh đều quét sạch khoảng sân lớn...
Mỗi sáng ông Khanh đều quét sạch khoảng sân lớn...

Nhiều người nhìn ông Võ Hồng Khanh làm việc hăng say, đưa từng nhát chổi từ đầu sân đến cuối sân cứ ngỡ ông “hâm”, bởi có ai trả công mà phải mất công, mất sức. Nhưng ông lại nghĩ khác: “Đơn giản tôi chỉ quét cho nó sạch. Khi thành phố sạch, du khách gần xa đến cảm thấy thân thiện, dễ chịu thì mình cũng mát lòng”. Ông Khanh chia sẻ: “Tôi chưa bao giờ đi nước ngoài và cũng không có cơ hội đi, song tôi xem ti-vi thấy môi trường nước họ thật sạch, đẹp thì thích thú vô cùng. Nghe Đà Nẵng mình nhận giải thưởng thành phố bền vững về môi trường của các nước ASEAN năm 2011, tôi rất mừng. Hóa ra người Đà Nẵng ai cũng vì môi trường”.

Ông Khanh sinh ra trong một gia đình nghèo, cha làm thợ mộc. Học xong lớp 9, ông học nghề cắt tóc để kiếm kế mưu sinh. Ông “mượn” địa điểm dưới chân cầu Sông Hàn để làm quán. Vợ đau ốm, con cái đông, cuộc sống khá vất vả nhưng ông vẫn luôn mong muốn góp sức mình cho cộng đồng. Với ông, đóng góp cho xã hội không nhất thiết phải làm những việc to lớn, chỉ cần nhặt cọng rác trên đường phố cũng là việc làm có ích.  

Từ khi cầu Sông Hàn khánh thành, đưa vào hoạt động, địa điểm cắt tóc của ông Khanh chuyển đến một góc bên khoảng đất trống ở ngã tư đường Lê Duẩn - Trần Phú. Ông cho biết, lúc đó khuôn viên chưa lát bê-tông, chưa trồng cây cối, nhiều người vô ý thức xả rác bừa bãi, rất mất mỹ quan. “Trước khi cắt tóc cho khách, tôi phải nhặt hết cỏ rác thì mới yên tâm làm việc”, ông Khanh nói.

... rồi đến cắt tóc cho khách.
... rồi đến cắt tóc cho khách.

Khi khuôn viên được lát gạch và trồng cây xanh, ông Khanh không nhặt rác nữa mà chuyển sang quét rác. Và đều đặn mỗi ngày, trước giờ mở “tiệm”, ông miệt mài làm công việc không lương như thế khoảng 1,5 tiếng đồng hồ. Tính ra hơn 10 năm quét khoảng sân rộng cả nghìn mét vuông ấy, ông đã bỏ hàng trăm nghìn giờ. Không biết bao nhiêu cái chổi đã mòn, bàn tay ông cũng đầy vết chai vì cầm cán chổi. Khi tôi nhẩm tính để quy đổi thời gian và công sức ông bỏ ra thành tiền, ông cười bảo đâu phải việc nào cũng quy ra tiền hết được đâu. “Nhà nước mình còn lắm khó khăn, mỗi người góp sức một chút cho xã hội tốt hơn. Công việc tôi đang làm đâu có to tát gì, chỉ là để thành phố xanh - sạch - đẹp hơn thôi!”, ông nói.

Có thể không có tổ chức hay sách vở nào ghi công cho ông. Tuy nhiên, những người ngày ngày chứng kiến ông làm công việc không tên không khỏi xúc động. Cứ mỗi sáng thấy khoảng sân dành cho người đi bộ sạch, đẹp thì người ta biết ông đã làm xong “nhiệm vụ”. Hôm nào đến 8 giờ mà khoảng sân ấy còn rác, người ta đoán ông bị ốm. Ông tâm sự: “Những lúc ốm đau nằm liệt giường, tôi cảm giác chẳng an chút nào. Bởi sợ người ta xả rác không ai nhặt, cảnh quan sẽ không đẹp và nếu lỡ du khách nào nhìn vào đó để đánh giá môi trường thành phố thì không hay xíu nào...”.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.