.

Vượt khó vươn lên, giúp ích cộng đồng

.

Rời quân ngũ, trở về địa phương, CCB Đỗ Văn Thảo (ở phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ) đã trải qua biết bao nhọc nhằn trên con đường mưu sinh.

Anh Đỗ Văn Thảo từng xuôi ngược nhiều nơi để tìm phương kế sinh nhai và rồi khởi nghiệp bằng nghề mua phế liệu dạo, từ đó nỗ lực vươn lên thoát nghèo.

CCB Đỗ Văn Thảo (trái) tại cơ sở thu mua phế liệu của anh.
CCB Đỗ Văn Thảo (trái) tại cơ sở thu mua phế liệu của anh.

Khởi nghiệp

Với chiếc xe đạp cà tàng, anh Thảo lặn lội khắp hang cùng ngõ hẻm để mua sắt thép, nhôm, nhựa phế liệu. Người CCB này đã rảo tới bao thôn xóm, buôn làng, từ đồng bằng đến các vùng trung du, miền núi để mua phế liệu. Đạp xe rã chân, mỗi ngày anh lãi được 50.000 - 70.000 đồng.

Chị Trần Thị Thanh Hải - cô gái xinh xắn trên vùng đất Tây Nguyên nắng gió, cảm mến chàng trai Đà Nẵng giàu ý chí, nghị lực và hai người đã nên nghĩa vợ chồng trong những ngày gian khó ấy. Cùng chung tâm nguyện không cam chịu đói nghèo, anh chị mỗi người một chiếc xe đạp, rong ruổi khắp nơi, bền bỉ hỏi mua từng cân sắt vụn. Trải qua những ngày mưu sinh gian nan, anh Thảo và chị Hải tạo dựng mối quan hệ với những người đi mua dạo như mình và các đại lý thu mua phế liệu ở nhiều nơi. Đến năm 2003, khi mở đại lý thu mua phế liệu tại nhà, cơ sở phế liệu của anh chị ngày càng đắt khách. Anh chị tích cực mở rộng quy mô kinh doanh, đi mua lại phế liệu ở các đại lý nhỏ và bán cho các công ty sản xuất sắt xây dựng tại Khu công nghiệp Hòa Khánh.

Giỏi chắt chiu, dành dụm, anh Thảo lần lượt mua 3 xe tải làm phương tiện vận chuyển. Anh còn liên hệ, hợp đồng vận tải hàng với các công ty, xí nghiệp có nhu cầu. Đặc biệt, anh đã đầu tư mua 1.500m2  đất tại thôn Thạch Nham Tây (xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang), mở lò đúc nhôm phế liệu thành nhôm thỏi, bán cho các cơ sở chế biến sản phẩm nhôm tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và một số tỉnh, thành phố khác.

Sáng tình nhân ái

Vừa thu mua phế liệu, sản xuất nhôm thỏi và làm dịch vụ vận tải, vợ chồng anh Thảo tạo việc làm thường xuyên cho hơn 30 lao động với mức lương từ 3-5 triệu đồng/tháng. Những năm gần đây, trong khi nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn, không ít đơn vị phải cho công nhân nghỉ không lương, vợ chồng anh vẫn tạo được việc làm ổn định cho người lao động và luôn hoàn thành nghĩa vụ thuế.

Trở thành doanh nhân thành đạt, anh Thảo luôn nghĩ đến những mảnh đời còn cơ cực như mình ngày trước. Năm nào vợ chồng anh cũng đóng góp hàng chục triệu đồng cho các hoạt động nhân đạo, từ thiện và tích cực ủng hộ phong trào CCB phường, hỗ trợ chi phí học tập cho 2 học sinh mồ côi nghèo ở địa phương trong nhiều năm liền. “Vợ chồng tôi sẽ bảo trợ cho 2 cháu học hết THPT và nếu các cháu thi đỗ ĐH, CĐ sẽ tiếp tục được bảo trợ cho đến khi tốt nghiệp”, anh Thảo khẳng định.

Nhiều người lao động được vợ chồng anh Thảo quan tâm giúp đỡ, nhất là các CCB, cựu quân nhân và con CCB. Ai có nhu cầu làm nhà, mua xe, cưới hỏi, mua sắm vật dụng gia đình... đều được anh ứng trước nhiều tháng lương. Những trường hợp ốm đau, hoạn nạn, anh kịp thời thăm hỏi, giúp đỡ...

Bài và ảnh: MINH NGỌC

;
.
.
.
.
.