.

“Con gái” của bệnh nhân cao tuổi

.

Nhắc đến chị Nguyễn Thị Thanh (51 tuổi), hộ lý của Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng (quận Ngũ Hành Sơn), các bệnh nhân Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp đều nói với vẻ trìu mến, yêu thương; có người còn gọi chị là “con gái”.

Chị Nguyễn Thị Thanh tỉ mỉ những công việc thường nhật.
Chị Nguyễn Thị Thanh tỉ mỉ những công việc thường nhật.

“Má gọi con là con gái nhé!”

Sáng nào trong giỏ xe máy của chị Thanh cũng lỉnh kỉnh đồ lặt vặt như một vài củ gừng, quả chanh, ít muối sống... Cái này của bà Hà, cái kia là muối sống của bà Ba dặn mua giúp để ngâm chân... Dù không phải nhiệm vụ của người hộ lý nhưng việc mua giúp các cụ vài vật dụng, thức ăn đã thành thói quen của chị Thanh. Có khi hàng chục người bệnh cùng gửi mua nhưng chị không nhầm hay quên một thứ gì. Lúc nào cũng tất bật như có con mọn, nhưng nhanh tay nhanh mắt, chị Thanh làm mọi việc một cách chính xác và thuần thục, từ việc trải ra gường ngay ngắn, dọn toilet sạch sẽ đến việc dỗ dành các cụ ăn cơm, uống thuốc. Nghe tưởng dễ mà không dễ bởi chỉ cần sơ suất một chút xíu thì các cụ phật ý ngay.

Từng tự tay chăm sóc cha mẹ cũng ở tuổi các cụ nên chị Thanh hiểu tính khí thất thường của người già. Bà Biên (60 tuổi, ở quận Thanh Khê) bị méo miệng, vào viện với gương mặt luôn cau có và quyết tuyệt thực vì bi quan về sức khỏe. Ngày nào chị Thanh cũng tỉ tê, trò chuyện với bà, rồi khuyên nhủ. Ban đầu, bà Biên khó chịu bởi cho rằng, “quen biết chi mà cứ nói hoài rứa”. Nhưng rồi bà cũng nghe ra, ăn liền một lúc 2 cái bánh bao do chị Thanh mua.

Không chỉ mình bà Biên mà Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp có không ít cụ tuyệt thực, do một phần vì đau đớn, một phần vì bi quan. Chẳng hạn, bà Mạo (74 tuổi, ở quận Hải Châu) vào viện với căn bệnh huyết áp cao và bệnh tim. Ban đầu khi vào viện, bà cụ cũng không chịu ăn và rên suốt ngày. Có điều lạ là con cái năn nỉ không nghe nhưng chị Thanh “rỉ tai” vài hôm thì bà cụ... xiêu lòng. Điều này dễ hiểu vì từ việc chăm lo miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh buồng bệnh đến nhắc cụ uống thuốc đều một tay chị Thanh lo. Thậm chí, nhiều cụ nhờ giặt hộ khi thì bộ quần áo, lúc cái khăn mặt, chị cũng không nề hà. “Má gọi con là con gái nhé!”, bà Mạo nắm chặt tay cô hộ lý trìu mến. Chị Thanh bảo, đó là lúc chị cảm thấy hạnh phúc nhất trong cuộc đời làm hộ lý của mình.

4 lần trả lại tiền cho người bệnh

Người già, lại bệnh tật nên các cụ lúc nhớ lúc quên cũng là chuyện thường. Các cụ luôn cất kỹ tiền trong túi áo, đến con cháu cũng còn không biết. Vì vậy, chị Thanh luôn nhắc các cụ cất cẩn thận mỗi khi đi tắm hay đi vệ sinh, đề phòng rơi mất. Ấy vậy mà cứ quên. Có ông cụ nhà ở tận thành phố Hồ Chí Minh ra Đà Nẵng thăm con rồi đổ bệnh, được chuyển về Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp do chị Thanh làm hộ lý. Khi ngâm giặt giúp ông bộ quần áo theo yêu cầu, chị phát hiện một gói tiền lớn và gửi lại cho ông. Ông nắm tay chị mà không nói nên lời.

Sau lần đó, có nhà báo đến xin gặp chị Thanh để viết về chuyện này nhưng chị tránh mãi. Tính từ khi công tác tại Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp đến nay đã 4 lần chị Thanh trả lại tiền làm rơi cho các cụ. “Tết vừa rồi mình mừng tuổi ít tiền mà cô ấy không nhận. Tặng hộp bánh hay cân đường cô ấy cũng lắc đầu nốt. Người chi mà lạ!”, ông Nguyễn Tẩn (58 tuổi, ở quận Hải Châu), hiện nằm tại Khoa Người cao tuổi - Bệnh nghề nghiệp nói.

Ông Tẩn trước đây là kỹ sư nông nghiệp, bị tai biến nên điều trị tại Bệnh viện Điều dưỡng và Phục hồi chức năng Đà Nẵng đã 7 năm. Hôm nào chị Thanh nghỉ làm, ông Tẩn và nhiều bệnh nhân khác lại đi từ đầu đến cuối hành lang, gặp ai cũng hỏi “sao Thanh chưa đi làm, có đau ốm gì không?”.

Điều lạ nữa là dù từng được cử đi học thêm để phát triển nghề nghiệp nhưng chị Thanh từ chối. Chị bảo, phần vì việc gia đình, phần vì không muốn thay đổi công việc vốn gắn bó với chị, rời xa những người bệnh.

Bài và ảnh: MAI VY

;
.
.
.
.
.