Tôi rất vui mừng, xúc động được nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng ở đây, mảnh đất mà tôi đã gắn bó, trưởng thành gần như cả cuộc đời mình.
Tôi vào Đảng cuối năm 1962 ở Hà Nội, hơn 2 năm sau, đáp lời sông núi, tôi vào chiến trường và từ đó được nuôi dưỡng, rèn luyện và lớn lên trên quê hương Quảng Đà cho đến nay.
Thế hệ chúng tôi lớn lên trong một môi trường luôn luôn và chỉ có sự khuyến khích dấn thân cống hiến. Quên mình và chỉ nghĩ đến đóng góp cho công cuộc kháng chiến là lẽ sống tự nhiên của đông đảo mọi người.
Khi Mỹ xâm lược miền Nam, thế hệ chúng tôi là thế hệ mọi con đường đều hướng ra tiền phương. Không riêng tôi mà tất cả bạn bè cùng trang lứa đã nhẹ nhàng rời bỏ mái trường đại học, rời bỏ một công việc ổn định, sống tốt giữa thủ đô vào Nam, vì miền Nam. Cũng như bao bạn trẻ rời bỏ luống cày, xóm làng. Nhiều người cho thêm sắt đá vào túi quần để đủ cân, khai lùi năm sinh cho đủ tuổi. Có người lẵng nhẵng đi theo một đơn vị bộ đội đến mức đơn vị đó phải chấp nhận.
Vào chiến trường, chúng tôi được sống giữa nhân dân, giữa lòng dân, ở đâu, lúc nào, chúng tôi cũng gặp những người sẵn sàng hy sinh vì chúng tôi, vì độc lập tự do. Những bà mẹ nuôi nấng, chăm lo cho chúng tôi hơn cả mẹ ruột. Các mẹ đậy nắp hầm, cảnh giới địch cho chúng tôi. Chúng tôi biết có thể vì vậy mà các mẹ bị tra tấn, tù đày, nhà tan cửa nát.
Chúng tôi như hẹn với mình, như hứa với bà con mai này sẽ có một cuộc sống tự do, sung sướng, đủ đầy.
Chúng tôi như có món nợ lớn với nhân dân. Những người ấy lẽ ra trong hòa bình có quyền được sống đầy đủ, yên vui, vậy mà giờ đây dù có nhiều thành tích, tiến bộ song vẫn còn nhiều cảnh thiếu cực, nhiều chuyện đau lòng.
Dù tất cả không phải là trách nhiệm của mình, song tôi vẫn băn khoăn, trăn trở, có lúc xót xa. Phải chi, có cách chi để những con người trăm ơn, ngàn nghĩa, vạn tình với mình ngày ấy có một cuộc sống ngày càng tốt hơn.
Tôi nay đã bước vào tuổi 80, nhìn lại chặng đường 50 năm đi theo Đảng, vì nhân dân, vì đất nước, tôi không có gì ân hận. Tôi thường nhẩm đọc câu thơ của một chiến sĩ cộng sản Pháp:
Nếu phải đi trở lại
Tôi vẫn đi đường này
Nhìn về phía trước tôi thấy mình thanh thản. Chẳng có điều gì phải quá lo cho riêng mình.
Nhưng thật lòng tôi có hai điều ước.
Một là, tất cả chúng ta, thế hệ đi trước và toàn xã hội hãy chung sức tạo ra một môi trường trong lành cho giới trẻ, khuyến khích sự dấn thân, cống hiến của họ, để họ được như thế hệ chúng tôi làm việc nghĩa, vì mọi người, vì Tổ quốc như một lẽ tự nhiên.
Môi trường của thế hệ chúng tôi là cuộc chiến tranh giải phóng cực kỳ khốc liệt. Môi trường của thế hệ trẻ hôm nay là lao động trong hòa bình.
Mong sao thế hệ trẻ được sống, được tắm mình trong một môi trường nhân văn, khuyến khích sáng tạo, hướng con người tới chân-thiện-mỹ, bỏ xa những dục vọng thấp hèn, những thị hiếu lệch lạc, vượt lên mọi cạm bẫy, cám dỗ.
Chúng ta sẽ không có gì, không còn gì nếu mất đi thế hệ trẻ. Chúng ta không chỉ có đòi hỏi họ mà có bổn phận tạo ra môi trường sống thật tốt, thật trong lành cho họ.
Hai là, cuộc vận động xây dựng và chỉnh đốn Đảng phải được tiến hành thật sự có hiệu quả, để Đảng ta không chỉ có đông đảng viên mà có nhiều chiến sĩ cộng sản đích thực.
Cách đây 50 năm, khi chế độ Diệm-Nhu tiến hành quốc sách tố cộng, diệt cộng đẫm máu, Đảng bộ Quảng Đà từ chỗ trước Hiệp định Genève có 35.000 đảng viên, đến cuối năm 1958 chỉ còn hơn 100 đảng viên. Nhưng dân vẫn một lòng tin Đảng, nuôi giấu, chở che cho Đảng, cùng Đảng gây dựng lại cơ đồ, lật ngược thế cờ làm nên toàn thắng. Nhân dân đã lựa chọn, tin cậy đi theo Đảng bằng máu cuộc đời mình.
Bây giờ, cơ đồ của cách mạng đã to đẹp, đàng hoàng hơn không biết mấy mươi lần mà lòng dân tin Đảng lại sa sút. Thực là đau xót.
Có lẽ có đồng chí cho rằng, sao lại ước, phải hành động chứ. Nhưng thế hệ chúng tôi đã lực bất tòng tâm, xin bày tỏ điều ước như là gửi gắm ở các đồng chí, ở thế hệ trẻ, những người chắc chắn sẽ hành động cho những điều ước của tôi và của nhiều người thành hiện thực.
NGUYỄN ĐÌNH AN