.
Kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Đặc khu ủy Quảng Đà tăng cường chỉ đạo Đà Nẵng

Để bảo đảm thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968), Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà tăng cường công tác chỉ đạo trực tiếp đối với thành phố Đà Nẵng. Từ đầu tháng 12-1967, được sự nhất trí của Thường vụ Khu ủy 5, Thường vụ Đặc khu ủy Quảng Đà quyết định cử đồng chí Trần Thận, Phó Bí thư Đặc khu ủy, trực tiếp làm Bí thư quận I và cuối tháng 12-1967, đồng chí Thận vào đứng bên trong thành phố để chỉ đạo trực tiếp công tác chuẩn bị như xây dựng cơ sở, xây dựng lực lượng vũ trang và chính trị chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy từ bên trong khi có lệnh.

Cùng lúc, Thường vụ Đặc khu ủy cũng bố trí một máy vô tuyến điện 15W cùng với đồng chí Đông, Trưởng ban Cơ yếu, vào đóng ở K20 để phục vụ việc liên lạc giữa đồng chí Trần Thận với Thường vụ Đặc khu ủy.

Trước đó, các đồng chí Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng, Thường vụ Đặc khu ủy, đã vào ở bên trong chỉ đạo các địa phương và cơ sở đẩy mạnh các hoạt động.

Đến chiều ngày 30-1-1968 (trước giờ nổ súng theo lệnh cũ), Thường vụ Đặc khu ủy lại tiếp tục cử đồng chí Hồ Nghinh, Phó Bí thư Thường trực Đặc khu ủy, vào đứng chỉ đạo ở trong thành phố cùng với các đồng chí đã vào trước đó.

Như vậy, Thường vụ Đặc khu ủy có 4 đồng chí (2 đồng chí Phó Bí thư, 2 đồng chí Thường vụ) vào trực tiếp chỉ đạo ở bên trong thành phố. Đó là chưa kể các đồng chí trong Ban Thường vụ, Ban Chấp hành các Quận ủy cùng với nhiều cán bộ của các ngành, các cơ sở hợp pháp đã vào đứng ở bên trong từ trước để chuẩn bị các mặt cho chiến dịch. Điều đó thể hiện rõ ý chí, quyết tâm rất cao của Thường vụ Đặc khu ủy trong việc thực hiện nghị quyết, chủ trương, mệnh lệnh của Thường vụ Khu ủy 5 và Trung ương đối với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 tại thành phố Đà Nẵng. Việc cử 4 đồng chí lãnh đạo chủ chốt của Thường vụ Đặc khu ủy vào đứng bên trong thành phố cùng nhiều cán bộ lãnh đạo các quận, các ngành để trực tiếp chỉ đạo tại chỗ, thể hiện tinh thần chỉ đạo sâu sát cơ sở của Thường vụ Đặc khu ủy.

Đặc biệt, trong tình hình Mỹ-ngụy tập trung phong tỏa hành lang, tăng cường kiểm tra, kiểm soát, bọn mật vụ, gián điệp theo dõi sít sao…, việc các đồng chí lãnh đạo cấp cao của Đặc khu ủy vào đứng trong thành phố đã thể hiện rất rõ tinh thần gan dạ, dũng cảm của cán bộ lãnh đạo địa phương, luôn đặt lợi ích của cách mạng, của Đảng lên trên, sẵn sàng hy sinh vì thắng lợi của cách mạng; thể hiện rõ lòng tin của Đảng đến với cơ sở, với quần chúng bên trong, luôn biết dựa vào quần chúng cách mạng để hoạt động chống địch, dùng quần chúng cách mạng để che giấu lực lượng, bảo vệ cán bộ của Đảng.

Qua đây, càng chứng minh rõ trong bối cảnh địch tăng cường đánh phá rất quyết liệt, phong trào, cơ sở của ta ở bên trong thành phố, ở vùng ven vẫn rất mạnh, quần chúng luôn tin tưởng cách mạng, căm thù địch, bất chấp khó khăn gian khổ, bom đạn của kẻ thù, đã hăng hái tham gia cất giấu, vận chuyển vũ khí; nuôi nấng bảo vệ cán bộ, bảo vệ lực lượng hoạt động ở bên trong thành phố; xuống đường đấu tranh chính trị, làm binh vận, tham gia nổi dậy phối hợp với tấn công quân sự giành thắng lợi trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

45 năm đã trôi qua, những bài học về sự tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, sâu sát cơ sở, về lòng tin vào quần chúng nhân dân, huy động lực lượng quần chúng nhân dân nổi dậy giành thắng lợi… vẫn còn giá trị thời sự đối với chúng ta ngày nay.

PHẠM THANH BA

(Nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà)
 

;
.
.
.
.
.