.
Kỷ niệm 45 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Tổng tiến công và nổi dậy tại Đà Nẵng

Đà Nẵng bước vào cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân sau gần 2 năm nhân dân thành phố đã vùng lên làm chủ Đà Nẵng suốt 76 ngày đêm. Chính sự kiện này có tác dụng cổ vũ rất lớn đến các cấp ủy Đảng và nhân dân thành phố trong quá trình chuẩn bị lực lượng Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 tại Đà Nẵng.

Đúng lúc 2 giờ 20 phút ngày 31-1-1968, thành phố Đà Nẵng và các vùng phụ cận rung chuyển trong tiếng đạn pháo của quân ta. Ta đồng loạt pháo kích vào các cứ điểm của địch và chiếm được một trong 3 cao điểm của Mỹ ở trên núi Phước Tường, đánh nát khu ra-đa, khu thông tin, làm tê liệt hệ thống thông tin liên lạc của Mỹ ở phía Tây Đà Nẵng. Tại đèo Hải Vân, Tiểu đoàn Đặc công 87 hợp đồng tiến đánh Đồn Nhất và các vị trí của địch trên đường đèo Hải Vân, diệt 2 đại đội Mỹ, ngụy, phá hủy 6 giàn tên lửa, làm chủ 1 ngày đêm đường đèo. Sau đó, lực lượng này pháo kích 2 lần vào sân bay Xuân Thiều, phá hủy 11 chiếc trực thăng và nhiều phương tiện chiến tranh của Mỹ...

Tuy quân ta đánh mạnh các mục tiêu ngoại vi nhưng ở mũi chủ công chính diện đánh vào thành phố thì vấp phải nhiều khó khăn và bị tổn thất. Đơn vị R20 - tức Tiểu đoàn 1 Quảng Đà  - được giao nhiệm vụ đánh vào Sở Chỉ huy Quân đoàn 1 của địch nhưng đêm 30-1, tiểu đoàn không thể vượt qua sông Cẩm Lệ vì bị địch phát hiện. Chỉ có Trung đội 1 thuộc Đại đội 1 của R20 và một trung đội của Khu III - Hòa Vang vượt được qua sông trước khi quân địch lập tuyến ngăn chặn, đã vào tại khu vực chùa Bà Quảng (Hòa Cường). Bộ phận này gồm có 57 chiến sĩ.

Khi pháo của ta dội vào sân bay Nước Mặn phát lệnh tiến công, 57 chiến sĩ của ta đã anh dũng vượt qua cửa các lớp rào, đánh thẳng vào Sở Chỉ huy Quân đoàn I.

Biết được lực lượng vũ trang của ta vào bên trong thành phố không nhiều, địch đã điều hai Tiểu đoàn 21 và 59 biệt động quân, Tiểu đoàn 3 của Trung đoàn 57 cùng 4 xe tăng tổ chức phản kích chiếm lại Sở Chỉ huy Quân đoàn 1. Tất cả 57 chiến sĩ của ta khi lọt vào trụ sở Quân đoàn 1 của địch đã đánh trả quyết liệt, diệt nhiều tên địch và cuối cùng hầu hết đã anh dũng hy sinh tại vị trí chiến đấu. Ở vòng ngoài, đại bộ phận R20 do không vượt được qua sông Cẩm Lệ đã chuyển sang đánh phản kích địch tại khu Cồn Dầu - Trung Lương. Suốt ngày và đêm 31-1, các đơn vị R20 phải quần đánh địch, bộ đội ta thương vong nhiều. Một số chiến sĩ được sự che chở của đồng bào xã Hòa Đa (nay là phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ) đã trở về vùng giải phóng. Bộ Tư lệnh Quân khu 5 lệnh cho Sư đoàn 2 do đồng chí Giáp Văn Cương làm Sư trưởng từ Duy Xuyên ra tổ chức tiếp tục tiến công Đà Nẵng. Lúc này, địch đã lập phòng tuyến ở cả Bắc và Nam sông Cẩm Lệ nên Sư đoàn 2 liền sử dụng Trung đoàn 1 tổ chức đánh địch tại Hòa Đa, đánh thiệt hại 2 đại đội Mỹ rồi rút về Điện An (Điện  Bàn), không tấn công vào Đà Nẵng được.

Phối hợp với mũi tiến công quân sự, các cánh quân khởi nghĩa vùng cát Hòa Vang - Điện  Bàn, Khu II - Hòa Vang, vùng A và B của huyện Điện Bàn đã tiến vào Đà Nẵng theo hướng đã phân công. Ở cánh vùng cát Hòa Vang - Điện  Bàn, ta huy động được 7.400 quần chúng, phân thành 15 đại đội, trong đó có 8 đại đội xung kích vượt qua nhiều ấp chiến lược, đồn bốt, từ các hành lang đầy bom đạn và pháo địch tiến về tụ quân tại bàn đạp Trung Lương. Vào lúc 5 giờ sáng ngày 31-1, khi có lệnh vượt sông vào thành phố, cả cánh quân khởi nghĩa này đã đổ ra bờ sông Cẩm Lệ. Ta huy động 100 chiếc thuyền và 3 ca-nô để chở quân khởi nghĩa qua sông nhưng bị quân ngụy đóng tại ấp chiến lược Cồn Dầu nổ súng ngăn chặn.

Cánh Khu II - Hòa Vang, ngoài 3.000 quần chúng vào trước nội thành, ta đã huy động đội quân xung kích 3.000 người tiến vào thành phố. Tuy nhiên, trên đường tiến về Đà Nẵng, cánh quân này bị chặn lại nhiều nơi, cuối cùng chỉ có 1 đại đội binh vận ra tới Ngã ba Huế nhưng do không có lực lượng bên trong nội thành phối hợp, lại bị quân địch phản kích nên phải lui về. Ở khu vực trung tâm thành phố, lúc 6 giờ ngày 31-1, tức 6 giờ sáng mồng Một Tết Mậu Thân, tại chùa Tỉnh hội Phật giáo Đà Nẵng, cán bộ và cơ sở ta huy động 400 - 500 học sinh và quần chúng, tổ chức biểu tình. Nhưng liền sau đó cảnh sát ngụy đã đến đàn áp, giải tán và bắt một số cán bộ cốt cán của ta. Các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận, Hà Kỳ Ngộ, Nguyễn Duy Hưng vào chỉ đạo khởi nghĩa ở nội thành thì đồng chí Hà Kỳ Ngộ bị địch bắt, các đồng chí Hồ Nghinh, Trần Thận, Nguyễn Duy Hưng được cơ sở đưa ra vùng căn cứ an toàn.

Với cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân, đây là lần đầu tiên trong công cuộc chống Mỹ, cứu nước, quân và dân đất Quảng đã đồng loạt tiến công vào thành phố Đà Nẵng và cơ quan đầu não của Mỹ-ngụy, tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, giành những thắng lợi có ý nghĩa về quân sự, chính trị; quân dân thành phố Đà Nẵng đã phát huy mạnh mẽ tinh thần quyết chiến, quyết thắng kẻ thù trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp trước đó, thể hiện tuyệt đẹp hành động cách mạng, tinh thần ủng hộ cách mạng hết mình của mình, với một khát vọng duy nhất “Thề quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Tinh thần đó, ý chí đó vẫn tiếp tục được phát huy mạnh mẽ trong sự nghiệp xây dựng và phát triển thành phố hôm nay.

XUÂN PHÚC

(Tổng hợp theo tài liệu của Ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng)
 

;
.
.
.
.
.