.

Người thuyền trưởng dũng cảm

.

Dù trong điều kiện sóng to, gió lớn, nhưng Đại úy Trần Giang Nam, Thuyền trưởng tàu BP 081102, Hải đội 2, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) thành phố, vẫn mưu trí, tìm phương án tốt nhất để cứu nạn thành công người và phương tiện bị nạn trên biển, để lại nhiều ấn tượng đẹp trong lòng ngư dân.

Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 động viên các thuyền viên bị nạn.
Cán bộ, chiến sĩ Hải đội 2 động viên các thuyền viên bị nạn.

Đại úy Trần Giang Nam chia sẻ, thời gian gần đây, mật độ tàu thuyền đánh cá của bà con ngư dân hoạt động trên vùng biển Đà Nẵng rất nhiều, khi gặp bão gió và thời tiết xấu cục bộ, một số tàu hoạt động xa bờ không về bến kịp, thường gặp rủi ro. Vì vậy, họ rất cần sự cứu hộ kịp thời từ các lực lượng chức năng, trong đó có BĐBP thành phố Đà Nẵng.

Là thuyền trưởng tàu cứu hộ, cứu nạn, Nam nhận thức rõ nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn có tầm quan trọng đặc biệt. Vì vậy, bản thân anh luôn chủ động duy trì tốt chế độ trực sẵn sàng chiến đấu. Từ năm 2009 đến nay, Nam cùng cán bộ, chiến sĩ (CBCS) tàu đã xuất kích 23 lượt tàu, xuồng phòng chống bão lũ, cứu hộ cứu nạn, kéo được 11 tàu, 6 bè cá với hơn 112 ngư dân bị nạn trên biển. “Mỗi lần tiếp cận cứu được tàu bị nạn, thấy các thuyền viên, thủy thủ vui mừng vì được cứu sống, những người làm nhiệm vụ như chúng tôi luôn cảm thấy hạnh phúc”, Đại úy Nam chia sẻ.

Có lẽ với anh, trong suốt những năm làm công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, anh nhớ nhất là lần cứu 12 thủy thủ tàu Lucky Dragon (Campuchia) bị nạn ngày 3-11-2009, cách bờ biển Đà Nẵng khoảng 300m. Trong vùng biển cạn, sóng cao 4-5m nên các phương tiện cứu nạn không thể tiếp cận được. Các phương án cứu nạn như dùng súng bắn dây từ bờ ra tàu cũng đã được sử dụng nhưng sóng dữ, các thủy thủ tàu bị nạn không dám lên mặt boong tiếp cận dây. Trong tình thế nguy cấp đó, Nam quyết định phương án táo bạo là bơi ra tiếp cận tàu. “Đây là phương án cứu nạn hiếm khi được sử dụng vì rất nguy hiểm. Nhưng nhìn tính mạng của các thủy thủ bị đe dọa, CBCS không ai từ nan mà nhắm thẳng tàu để bơi. Giữa dòng nước cuồn cuộn, sóng to, anh em phải dùng hết sức lực để tiếp cận tàu, góp phần tạo ra mắt xích quan trọng để đơn vị và các lực lượng tổ chức cứu thành công các thuyền viên trên tàu vào bờ an toàn”, Đại úy Trần Giang Nam nhớ lại.

Một lần khác là cứu nạn tàu ĐNa 6456 TS của bà Phùng Thị Ngọc Dung (trú tổ 6, phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) vào ngày 24-9-2011. Tàu bà Dung do ông Nguyễn Văn Chiêm làm thuyền trưởng cùng 9 thuyền viên đánh bắt xa bờ ở khu vực quần đảo Hoàng Sa. Trên đường vào bờ tránh bão số 5, tàu bị hỏng máy trôi dạt cách Đà Nẵng khoảng 30 hải lý.

Sau khi nhận nhiệm vụ, Nam khẩn trương tổ chức lực lượng xuất kích trong điều kiện thời tiết mịt mù, gió cấp 6, 7. Trong khi đó, máy thông tin tàu ĐNa 6456 lại trục trặc, khu vực tàu bị trôi dạt, không có phương tiện hoạt động nên công tác cứu nạn vô cùng khó khăn. Sau nhiều giờ vượt sóng lớn, với việc định vị chính xác, cuối cùng tàu của Nam cũng tiếp cận được tàu bị nạn. “Khi tàu chúng tôi tiếp cận được tàu ĐNa 6456, trên tàu chỉ còn 3 người tỉnh táo, những người còn lại kiệt sức vì đói và vì sóng đánh. Chúng tôi nhanh chóng tổ chức sơ cứu, tiếp tế lương thực rồi lai dắt tàu cá về đất liền an toàn trong niềm hân hoan của bà con và người thân nạn nhân”, Đại úy Nam nhớ lại.

Đại úy Trần Giang Nam tâm niệm, công tác cứu nạn, cứu hộ luôn phải bảo đảm chính xác, kịp thời để làm chỗ dựa vững chắc cho ngư dân, giúp họ bám biển, góp phần giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Những thành tích của Nam cũng như CBCS tàu BP 081102 đã góp phần tô thắm thêm thành tích của Hải đội 2 anh hùng.

Bài và ảnh: TRƯỜNG SƠN

;
.
.
.
.
.