.

Nhớ một thời “giành đất, giành dân”

1- Ngày đầu ngay sau Hiệp định

Cho đến nay, một số thông tin, nhất là trên các trang mạng đã cố tình lu loa rằng, bên “vi phạm Hiệp định Paris là Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam” chứ không phải là Mỹ - Thiệu. Sự thật là ngược lại.

Đồng chí Trần Thận - Bí thư Đặc Khu ủy Quảng Đà, sau này nhớ lại kỷ niệm ngay sau ngày Hiệp định vừa ký kết như sau: “Cuộc giao ban của Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà tại căn cứ Mặt Rạng, chiều ngày 27-1-1973, kết thúc trong niềm hân hoan về thắng lợi của Hiệp định: Mỹ rút quân và cam kết chấm dứt mọi dính líu quân sự vào miền Nam Việt Nam. Mỹ từ bỏ yêu cầu đòi quân miền Bắc rút khỏi miền Nam và chấp nhận lực lượng vũ trang cách mạng Việt Nam vẫn ở nguyên chỗ cũ. Buổi chiều đó, không gian vùng căn cứ thật tĩnh lặng: bầu trời vắng tiếng máy bay, mặt đất không có tiếng pháo rền. Có đồng chí nào đó hỏi bâng quơ: “Lẽ nào Mỹ - Thiệu lại thực hiện lệnh ngừng bắn trước giờ hiệp định có hiệu lực?“. Tiếng nói vừa dứt, bỗng mặt đất rung lên những loạt bom nổ liên hồi, dữ dội. Sau tiếng nổ là tiếng động cơ máy bay B.52 vang rền. Thế là từ khuya đến giờ không lực Hoa Kỳ đã 3 lần rải thảm những loạt bom B.52 xuống đất Quảng. Tôi (Trần Thận - NV) nhận được điện thoại báo tin: Đồng chí Chín Kinh - Đặc Khu ủy viên, Chủ nhiệm Hậu cần Mặt trận 4 đã hy sinh; đồng chí Trương Anh Ta - Phó Ban Tuyên huấn bị thương. Ai đó tức giận: “Ních-xơn, một tên quái ác! Mày đã tàn sát giết hại hàng vạn dân lành, đốt phá, cày ủi, hủy diệt hàng trăm làng mạc 8 năm nay ở đất Quảng, mày còn chưa vừa lòng, hả dạ sao mà còn tiếp tục gây tội ác?”. Từ hồi ức này cho ta thấy một sự thật không thể chối cãi, rằng chính quyền Nguyễn Văn Thiệu và người Mỹ đã vi phạm trắng trợn Hiệp định Paris ngay sau khi nó vừa được ký chưa kịp ráo mực!

Trong khi đó, tại nhiều địa phương của Quảng Đà, lực lượng của ta rất tôn trọng quy định ngừng bắn vừa được ký kết. Anh Nguyễn Văn Dũng (em trai của AHLLVTND Nguyễn Văn Trỗi), lúc đó đang hoạt động trong ngành Binh địch vận Quảng Đà nhớ lại: “Lúc 8 giờ sáng ngày 27-1-1973, thời điểm Hiệp định Paris có hiệu lực, tôi cùng 2 anh du kích xã Đại Hòa (huyện Đại Lộc, Quảng Nam hiện nay) có mặt tại một nghĩa địa của Xóm Chuối. Vừa lúc ấy, một tốp lính quốc gia kéo xuống. Thực hiện đúng tinh thần hiệp định, sau khi hội ý chớp nhoáng với hai anh du kích là sẵn sàng nhả đạn nếu địch gây hấn, tôi chọn một nấm mộ, tay cầm một cây cờ giải phóng rồi đứng thẳng lên nói với tốp lính: “Này các anh kia, dừng lại! Hòa bình rồi, hiệp định đã có hiệu lực sao các anh lại kéo đến vi phạm vùng giải phóng của chúng tôi? Có vấn đề gì đề nghị các anh cử người đến đây để chúng ta trao đổi và không được mang theo vũ khí!”. Tốp lính nghe tôi nói vậy, liền lần lượt từng tên đến bắt tay, hỏi han với tôi. Tất cả họ đều nói đại ý: “Biết là hòa bình rồi nhưng bọn chỉ huy bảo chúng tôi đi, chớ chúng tôi không có ý lấn đất của các anh!”. Tôi hẹn lại: “Các anh cứ về, nếu có gì cần trao đổi, chiều nay, cũng tại địa điểm này, chúng ta tiếp tục gặp nhau!”. Bọn địch đồng ý và bỏ đi. Cũng chiều hôm đó, chúng tôi kéo ra khu vực khi sáng như đã định. Tuy nhiên, lần này bọn địch kéo đến rất đông, trong khi chúng lại pháo kích rất dữ về vùng do ta quản lý, nên giữa chúng tôi đã xảy ra một vụ chạm súng nhỏ. Bọn lính quốc gia liền cuống cuồng bỏ chạy! Phong trào giành đất, giành dân bắt đầu diễn ra giữa ta và địch rất ác liệt kể từ đó, nhiều người dân và cán bộ của ta đã hy sinh. Cũng ngay hôm tôi nói chuyện với tốp lính nói trên, anh Nguyễn Văn Ngạch, một cán bộ của ngành cũng đã bị thương tại Cây Da Lý (xã Đại Hòa), vì đụng độ với địch!”.

2- Cuộc chiến “giành đất, giành dân”

Ông Phạm Chí Hòa (nguyên Bí thư Tỉnh Đoàn Quảng Nam - Đà Nẵng, nguyên Ủy viên Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng, lúc đó đang công tác trong lực lượng Đặc Khu đoàn Quảng Đà), nhớ lại: “Sau khi ta ký kết Hiệp định Paris, tôi được cơ quan Đặc khu Đoàn phân công tham gia đoàn công tác do anh Năm Dừa - Ủy viên Ban Thường vụ Đặc Khu ủy Quảng Đà - phụ trách. Lúc này, ta chưa lường hết được bản chất ngoan cố và âm mưu phá hoại Hiệp định, phá hoại hòa bình của kẻ thù. Thua trên bàn hội nghị, chúng quyết giành chiến thắng trên chiến trường bằng âm mưu thiết lập bằng được một chiến tuyến mới có cả thành phố - đồng bằng - vùng núi. Vì thế, chúng cố đẩy ta lên vùng cao, vùng sâu, vùng xa và lấn chiếm vùng giải phóng bằng các hình thức giành đất, giành dân với ta. Trong và sau Tết Quý Sửu 1973, chỉ tính tại huyện Đại Lộc, công tác đấu tranh chính trị, công tác binh - địch vận của ta đã thu được những thắng lợi to lớn. Ngày mồng 4 Tết, đồng bào ở các khu dồn Đá Núc, Thạnh Xuyên (quận Đức Dục) tổ chức đua ghe vui Tết. Ta huy động bà con Lộc Sơn và Lộc Thành ra bờ sông Vu Gia ở vùng giải phóng, đón xem cổ vũ. Anh em trong đội công tác “Binh - địch vận” của ta cũng đem loa ra phát thanh cổ vũ, tuyên truyền Hiệp định Paris và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng, kêu gọi anh em binh sĩ, bà con vui Tết đón Xuân, cùng nhau thi hành Hiệp định, gìn giữ hòa bình. Bà con phía bên kia và anh em binh sĩ kéo ra bờ sông nghe ngày càng đông. Bọn chỉ huy ở quận đã đình chỉ cuộc đua ghe ngày Tết của bà con; chúng bảo: “Tổ chức đua ghe nhưng Cộng sản lợi dụng quần chúng tập hợp lại họ mít-tinh, tuyên truyền!”.

Các cụ già lên quận xin song bọn chỉ huy đề nghị ta không tuyên truyền nữa thì cuộc đua mới được tổ chức. Sau khi đại diện chính quyền địa phương, đại diện chỉ huy binh sĩ của địch sang thương lượng, ta đã đón tiếp, nói chuyện thân mật và đồng ý không bắc loa tuyên truyền. Đồng thời, gửi tặng các văn bản Hiệp định Paris, Nghị định thư và chính sách hòa hợp dân tộc của cách mạng cho họ và gửi tặng về làm giải thưởng cho các đội đua. Cũng trong cái Tết này, ở một số khu dồn, đoàn viên cơ sở mật của ta đã huy động học sinh và số thiếu nhi chăn trâu tổ chức đánh trận giả, vờ vây đuổi nhau chạy vào các khu gia binh, vào các trại lính rồi dùng mo cau, bìa giấy cạc-tông làm thành những chiếc loa tay, kêu gọi Hiệp định Paris đã có hiệu lực thi hành, ta không nên đánh nhau nữa. Các em còn lấy Hiệp định Paris ra đọc, và nhiều binh sĩ cùng gia đình đã tụ tập lại nghe“.

Tại vùng giáp ranh Đà Nẵng, việc “giành đất, giành dân” giữa ta và địch cũng không kém phần quyết liệt. Bà Tăng Thị Hồng, hiện sống tại phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu, lúc đó là cán bộ của Quận ủy quận Nhì nhớ lại: “Tại quận Nhì, ngay sau Hiệp định được ký kết, bọn ngụy quân, nguỵ quyền tăng cường đôn quân bắt lính; chỉ trong 2 đêm ngày 28, 29-3-1973, địch lùng bắt hàng trăm thanh niên đẩy lên 18 xe quân sự để cưỡng bức họ đi lính. Ngày 3-5-1973, địch tiếp tục mở chiến dịch bắt lính ở An Khê, Hà Khê, Hòa Mỹ, Trung Nghĩa... Để giành dân, giành đất với địch, ta chủ trương làm thật nhiều cờ cắm ở nhiều nơi để xác định đó là vùng đất do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam kiểm soát. Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Phan Văn Tải, nhiều cơ sở tại An Khê, Xuân Hòa tiến hành may cờ và cắm nhiều nơi trong các khu phố. Ban đêm, cán bộ, nhân dân của ta đem cờ Mặt trận Dân tộc Giải phóng ra cắm khắp các ngả đường, nơi công cộng thì ban ngày bọn địch lại thu gom, nhổ đi. Cứ thế, ta với địch giằng co trong một thời gian dài. Ngoài ra, để lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch, ta đưa ra nhiều hình thức đấu tranh như: hướng dẫn cho đồng bào Phật tử các chùa ở An Khê, Hà Khê, Hòa Minh... tổ chức cầu siêu, cầu nguyện cho binh sĩ bị tử trận, cầu an cho hòa bình, quần chúng vận động cả binh lính và vợ con của lính nguỵ tham gia. Nhiều cán bộ, cơ sở cách mạng tại An Khê, Xuân Đán, Xuân Hòa... vận động anh em binh lính không đi lính cho địch, kêu gọi binh lính trong hàng ngũ của địch đào bỏ ngũ về với gia đình!”.

Đã 40 năm trôi qua, cuộc đấu tranh giành đất, giành dân tại Quảng Đà ngay sau Hiệp định Paris ngày nào vẫn còn hiển hiện trong tâm trí của những người trong cuộc. Với tinh thần chính nghĩa, cùng khát vọng độc lập, hòa bình của nhân dân tại chiến trường Quảng Đà, đã góp phần vào thắng lợi chung của phong trào cách mạng miền Nam. Đó là một sự thực lịch sử không thể nào chối cãi được, cho dù một số kẻ đang mưu toan hướng dư luận hiểu sai về sự thật hiển nhiên này.

Ghi chép của LƯU HOÀNG GIANG

;
.
.
.
.
.