Lâu nay, người Đà Nẵng quen với tuyến đường Bạch Đằng ven sông Hàn thơ mộng, một “Bạch Đằng gallery” của tượng điêu khắc được trưng bày ngoài trời. Về đêm, đây còn là nơi mưu sinh, điểm gặp mặt lý tưởng của các bạn trẻ.
“Ông chủ trẻ” Nguyễn Văn Lực hướng dẫn khách chọn những mặt hàng đẹp nhất. |
“Phiên chợ” đặc biệt
20 giờ, anh Nguyễn Văn Lực (25 tuổi, ở quận Sơn Trà) đến địa điểm thường ngồi bán, đặt túi hàng xuống rồi từ tốn đi dạo, ghé xem thành viên CLB khiêu vũ đang say sưa nhảy trong tiếng nhạc dập dìu. Hơn 15 phút sau, anh bắt đầu công việc của mình. Tất cả “cửa hàng” của anh gói ghém vỏn vẹn trong chiếc túi con con là những móc khóa, nhẫn, vòng tay, dây buộc tóc... xinh xinh do anh cùng bạn tự làm.
Tốt nghiệp đại học đã khá lâu, nhưng chưa xin được việc làm, anh Lực cùng nhóm bạn mở quán cà-phê handmade trên đường Nguyễn Văn Thoại (quận Sơn Trà), rồi từ đó lấy những sản phẩm làm được đem bán với giá khá mềm, khoảng từ 10.000 - 50.000 đồng. “Mình phải luôn nghĩ ra mẫu mã mới, bởi nếu chỉ có một kiểu hoài thì khách sẽ chán. Khách đa số là các bạn trẻ nên đòi hỏi sản phẩm hand - made phải độc, lạ và “không đụng hàng” là trên hết...”. Chưa kịp nói dứt lời, anh Lực vội tiếp một khách hàng nhí đang được mẹ mua cho chiếc nhẫn cùng vòng tay đính đá.
Bên cạnh quầy hàng anh Lực là một nhóm “họa sĩ” vẽ chân dung đến từ Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng. Với vài ba chiếc ghế con con, vài tấm chân dung được trưng bày để khách xem, giấy vẽ, bút chì là đã có thể “hành nghề”. Chỉ cần 15 phút, khách có ngay một bức chân dung truyền thần với giá 150.000 đồng/bức. “Lão làng” Đào Văn Quyết (23 tuổi, sinh viên Trường ĐH Kiến trúc Đà Nẵng) cho hay: “Để có thể ngồi đây vẽ không phải là chuyện dễ. Mình phải tập vẽ đi vẽ lại rất nhiều lần, vẽ miễn phí cho bạn bè để luyện tay quen dần và cũng rèn luyện cách nắm bắt đặc điểm nổi bật nhất ở một khuôn mặt. Nhưng trên hết là thỏa mãn niềm đam mê của bản thân khi được làm điều mình thích”.
Điều đặc biệt ở “phiên chợ” này là đa số người bán đều là những “ông chủ” rất trẻ, thuộc thế hệ 8X, 9X. Sản phẩm bày bán mang “thương hiệu” riêng của từng người khi tất cả đều do chính tay họ làm, từ móc khóa đến lọ thủy tinh nhỏ đính tên, hình vẽ theo yêu cầu của khách.
Nét đẹp bên dòng sông Hàn
Không tấp nập kẻ bán người mua, không ồn ào với tiếng rao hàng, cũng chẳng có ai nhắc nhở phải trật tự, tự thân người bán, người mua đều ý thức mỗi hành động của mình. Khách đi bộ thích món hàng nào đó thì dừng chân xem, người bán ngồi ngắm phố phường và vui vẻ chuyện trò với những vị khách của mình. Trong cuộc mưu sinh này, ngoài mục đích vật chất, người ta còn muốn tìm thú vui tinh thần. “Chúc cháu tối nay bán đắt nhé...”, câu nói của một người đang tản bộ khiến hầu như ai nghe cũng có thể ấm lòng.
Khách “ruột” ở đây cũng hầu hết là những người trẻ. Nắm bắt tâm lý luôn ưa thích sự mới lạ nên những “ông chủ trẻ” ở buổi “họp chợ” này luôn cố gắng tìm tòi, sáng tạo mẫu mã mới, nhẹ nhàng với tranh vẽ chân dung, tò mò với những đồ dùng hand-made, chút ngây ngô tuổi mới được gói trong ống thủy tinh... Còn những ai muốn thêm một chút cá tính thì có thể ghé lại quầy xăm hình của “ông chủ” Trần Công Chính (25 tuổi) chỉ với 10.000 đồng/hình xăm, phai màu sau 30 ngày. “Tối đến mình thường cùng bạn bè đi dạo trên tuyến đường Bạch Đằng để thư giãn và cũng để chọn món hàng ưng ý. Đây là “phiên chợ” rất đặc biệt, làm mình thêm yêu thành phố Đà Nẵng hơn”, một khách hàng trong bộ đồng phục học sinh tâm sự.
Bài và ảnh: BÌNH AN