“Nhà em treo ảnh Bác Hồ/Bên trên là một lá cờ đỏ tươi/Ngày ngày Bác mỉm miệng cười/Bác nhìn chúng cháu vui chơi trong nhà…” (thơ Trần Đăng Khoa). Mùa xuân này, hình ảnh Bác càng trở nên thiêng liêng và gần gũi với người dân phường Phước Ninh, quận Hải Châu, khi nhà nhà thực hiện treo ảnh Bác.
Bà Huỳnh Thị Liễu, trú tổ 35, Bí thư Chi bộ Phước An 5 và những tác phẩm viết về Bác Hồ do bà sưu tầm. |
Trong căn nhà khá gọn gàng và giản dị, bà Huỳnh Thị Liễu, trú tổ 35, Bí thư Chi bộ Phước An 5, hồ hởi kể: “Tôi là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc vào năm 1954. Nhờ có Bác mà tôi được đào tạo, học hành nên người và cũng nhờ có Bác mà vợ chồng tôi được gặp nhau ở ngoài Bắc và nên duyên vợ chồng. Nhân dịp kỷ niệm 50 năm các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc, năm 2004 tôi đã làm bức ảnh này và lồng ảnh cưới vợ chồng tôi vào dưới bức ảnh Bác”.
Giải thích về ý nghĩa cao đẹp này, bà Liễu cho rằng, mỗi lần nhìn bức ảnh trên sẽ nhắc nhở gia đình bà phải sống sao cho xứng với công lao của Bác mà hai vợ chồng bà có được hạnh phúc như ngày hôm nay. Tuy nhiên, trước khi làm bức ảnh trên, bà Liễu đã từng sưu tầm nhiều ảnh Bác Hồ. Dù trải qua những năm tháng chiến tranh chống Mỹ ác liệt phải di chuyển chỗ ở nhiều nơi nhưng bà vẫn luôn mang theo tấm hình Bác để đặt ở vị trí trang trọng nhất trong ngôi nhà mình. Là học sinh miền Nam, bà Liễu vinh dự được gặp Bác nhiều lần và ấn tượng nhất là lần đầu tiên gặp Bác khi Bác đến thăm kiều bào Thái Lan về nước năm 1961. “Lần đầu được gặp Bác, tôi sung sướng lắm. Ngay từ khi nhìn thấy Bác ở đằng xa là tôi đã khóc. Bác rất thương học sinh miền Nam. Có lần các học sinh bị cảm cúm không cho Bác vào thăm vì sợ lây sang Bác, nhưng Bác đã lén đi từ cửa sau, rất cảm động”.
Khi còn là học sinh, bà Liễu còn được múa cho Bác Hồ xem. Đặc biệt, những năm tháng sống ở Gia Lâm- Hà Nội, bà thường xuyên được nhìn thấy Bác và mỗi lần gặp Bác là bà lại khóc vì cảm động. Bà còn nhớ như in, ngày được tin Bác mất, bà đã ngã quỵ xuống khi đang hái dâu ngoài vườn. Yêu quý Bác, bà Liễu thường xuyên sưu tầm những cuốn sách viết về Bác để học tập và khuyên con cháu làm theo, trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: “Học tập tấm gương đạo đức Bác Hồ”, “Hồ Chí Minh, nhà dự báo thiên tài”, “Những tên gọi bí danh, bút danh của Chủ tịch Hồ Chí Minh”… “Bác là một vị thiên tài. Các nước trên thế giới còn đặt tượng Bác thì tại sao mình là người Việt mà không treo ảnh Bác?”, bà Liễu tự hào nói.
Chị Phạm Thị Phước Hòa, giáo viên ở tổ 34, nhìn lên bức ảnh treo trang trọng trong nhà, cho biết: “Ngay từ khi Đảng ủy phường phát động treo ảnh Bác là tôi mua ảnh về treo trong phòng khách. Bác là tấm gương sáng để giáo dục con cái học tập và làm theo. Đây là việc làm rất thiết thực”. Còn ông Trần Thanh Quang, thương binh loại 2/4 ở tổ 34 xúc động: “Tôi đã để tượng Bác trong nhà mình từ lâu rồi, nhưng nay có nhà mới khang trang nên mua ảnh Bác đặt ở phòng khách để tưởng nhớ Bác. Quan niệm sống của chú là làm mọi việc phải lấy cái tâm đặt lên hàng đầu. Để làm được điều này thì phải học Bác mới có cái tâm trong sáng”.
Dù tuổi cao, sức yếu nhưng khi nhắc về Bác Hồ, bà Thái Thị Bằng, 83 tuổi ở tổ 43 hào hứng kể: “Hồi Bác Hồ còn sống, Bác thường hay đến Câu lạc bộ Thống nhất của cán bộ miền Nam nên tôi được gặp Bác miết. Bức tượng này tôi mua ở đường Yên Bái cách đây đã hơn chục năm, nhưng hồi Bác mất là tôi đã treo ảnh Bác trong nhà rồi. Khi tôi còn ở Hà Nội, lúc Bác mất, tôi cũng có đi viếng Bác và sau này mỗi lần ra Hà Nội là tôi đều đến thăm Lăng Bác”.
Một mùa xuân nữa lại về, dù Bác đã đi xa nhưng hình ảnh của Người vẫn luôn luôn khắc sâu trong trái tim những người dân Phước Ninh. Và mùa xuân này càng có ý nghĩa hơn khi ở trong mỗi ngôi nhà đều có hình ảnh Bác.
Bài và ảnh: GIA HUY