.

Thạc sĩ, bác sĩ Mai Hữu Phước: “Trời cho sao, tôi nhận vậy”

.

(ĐNĐT) - Là bác sĩ (BS) nhưng mang trái tim của một thi nhân, Mai Hữu Phước dễ xúc động trước nỗi đau của người khác và không ít lần thấy lòng đau nhói khi tiếp xúc với những mảnh đời bất hạnh. Với người thầy thuốc, sự nhạy cảm trong tâm hồn liệu có phải là điều may mắn, câu trả lời với anh dường như quá khó.

Theo Mai Hữu Phước, thơ là tâm hồn. Nó giúp anh hiểu được tình cảm và suy nghĩ, tâm trạng của con người nên dễ cảm thông, đồng cảm và chia sẻ với người bệnh trong công việc chuyên môn. Tình yêu văn chương giúp anh tiếp cận người bệnh một cách vui vẻ và thân tình hơn, tránh được hiện tượng “trơ”, vô cảm vốn rất nguy hiểm với một người thầy thuốc.

Bác sĩ Mai Hữu Phước (đứng, đội mũ) trong buổi huấn luyện sơ cấp cứu tại bãi biển Đà Nẵng do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức.
Bác sĩ Mai Hữu Phước (ngoài cùng, bên phải) trong buổi huấn luyện sơ cấp cứu tại bãi biển Đà Nẵng do Hội Chữ thập đỏ thành phố tổ chức.

Tâm người thầy thuốc

Trước khi đến với nghề y, Mai Hữu Phước từng làm đủ nghề để kiếm sống như phụ hồ, xay bắp, thợ may hay dạy kèm các em nhỏ trong xóm. Ngày tháng vất vả trôi qua trong khát khao được đến trường, viết tiếp giấc mơ khoác lên mình chiếc áo blu trắng, trở thành bác sĩ chữa bệnh cứu người. Ngày cần mẫn lao động, tối Phước vẫn chong đèn đọc sách đến khuya. Anh gầy dựng lại những kiến thức cơ bản, quyết tâm thi đậu vào trường Đại học Y khoa Huế. Là cậu học trò thông minh, giỏi đều các môn, năm 1983, Mai Hữu Phước đạt kết quả cao trong kỳ thi tuyển sinh đại học, trở thành sinh viên ngành y như anh từng mơ ước.

Sáu năm sau, trở lại quê nhà với hành trang là kiến thức và niềm đam mê được cống hiến, Mai Hữu Phước được nhận về làm việc tại Trạm Y tế xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (nay là phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn). Vào những năm 90, Hòa Hải hãy còn là xã nghèo, nhà cửa được che chắn tạm bợ, đua nhau mọc trên các ụ cát mênh mông. Cuộc sống đói nghèo, người dân hay đau ốm nhưng thiếu tiền thuốc thang, Mai Hữu Phước cần mẫn đến từng nhà, động viên và hướng dẫn bà con giữ gìn sức khỏe. Đáp lại, nhiều người thương Phước như con cái trong nhà, nấu củ sắn, miếng khoai cũng để dành phần Phước.

Tâm huyết lẫn tình cảm gắn bó với bệnh nhân đã giúp BS-CK I Mai Hữu Phước từ một bác sĩ “quèn” trở thành Trưởng trạm Y tế xã Hòa Hải rồi Trưởng phòng khám cấp cứu, Trưởng phòng kế hoạch nghiệp vụ và hiện nay là Trưởng Khoa Nội, Trung tâm Y tế quận Ngũ Hành Sơn. Trong quá trình công tác, với ước mơ tiếp tục rèn giũa tay nghề, nâng cao nghiệp vụ lẫn y đức, năm 2004, Mai Hữu Phước tiếp tục quay lại giảng đường đại học để hoàn thành chương trình đào tạo Thạc sĩ Y khoa với luận văn tốt nghiệp xuất sắc. Từ đó đến nay, anh đã thực hiện 10 đề tài nghiên cứu khoa học cấp cơ sở, trong đó có 3 đề tài được nghiệm thu công nhận cấp Ngành...

Bên cạnh công tác chuyên môn tại trung tâm y tế, từ năm 1999, BS Mai Hữu Phước trở thành hướng dẫn viên cấp quốc gia của Hội chữ thập đỏ TP Đà Nẵng trong công tác huấn luyện sơ cấp cứu cộng đồng cũng như tham gia các đoàn khám bệnh từ thiện cấp thuốc cho nhân dân vùng sâu, vùng xa. Ngoài ra, anh còn tham dự nhiều cuộc nói chuyện về sức khỏe học đường, giới tính cho học sinh trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và trẻ em đường phố… “Là người thầy thuốc, nếu thiếu đi chữ tâm thì rất khó sống chết với nghề. Với tôi cũng vậy. Khi tôi yêu mến bệnh nhân của mình, tôi mới thấy công việc từng ngày của mình có ý nghĩa”, BS Phước chia sẻ.

Vịn vào thơ mà tiến về phía trước

Nhân vật của tôi trong bài viết này thật đặc biệt. Bởi anh không chỉ là một bác sĩ, cử nhân Anh văn, cây bút tích cực trong một số chuyên mục thầy thuốc mà còn là một nhà thơ được nhiều người biết đến. Anh hiện là UV BCH Hội Nhà văn TP Đà Nẵng (Trưởng Ban công tác hội viên).

Sinh ra trong một gia đình có nhiều người làm thơ, từ thuở cắp sách đến trường, những bài thơ tình êm như ru của ba đã gieo vào lòng Phước tình yêu văn chương trong trẻo. Khi ấy với Phước, dẫu ai đó có cảnh báo rằng: “Mẹ bảo con, con đừng yêu thi sĩ/ Kiếp thi nhân bạc bẽo lắm con ơi!” thì những người yêu thơ trong gia đình Phước vẫn mặc kệ. Từ đó, dù đi đâu, làm gì, Phước vẫn nuôi dưỡng cảm xúc và “lẩy” ra một vài bài thơ làm “của để dành”. Với một người yêu thơ như Phước, giải thưởng thơ vào năm 1978 của Báo Thiếu niên Tiền Phong là niềm vui và động lực lớn để anh tiếp tục sáng tác. Cũng trong khoảng thời gian này, cậu học trò trắng trẻo, thư sinh Mai Hữu Phước trở thành “chủ bút” của nhóm thơ Áo Trắng tại ngôi trường mình đang theo học.

Tiếp nối mạch cảm xúc với thi ca, BS Mai Hữu Phước đã cho ra đời tập thơ tình đầu tiên với tựa đề Một thuở học trò (NXB Đà Nẵng-2004); Thì thầm phố nhỏ (NXB Văn học-2006) và ghi dấu ấn đậm nhất có lẽ là tập thơ song ngữ Việt-Anh “Phiên khúc sang mùa” (NXB Văn Học-2012)… Những lời thơ trong sáng, ngọt ngào, êm như ru của Mai Hữu Phước đã được một số nhạc sĩ cho vào tầm ngắm phổ nhạc. Trong số nhiều bài hát sử dụng phần lời của Phước hiện nay phải kể đến “Đi giữa hương chè B’Lao” khi 3 lần được chọn trình diễn tại Lễ hội Văn hóa trà tại TP Bảo Lộc, “Sông Hàn vui hội pháo hoa” 2 lần trình diễn trong Lễ Hội pháo hoa bên bờ sông Hàn, “Như mười đóa hoa thơm” được truyền hình trực tiếp trên VTV1 trong chương trình “Bay cao khát vọng tuổi trẻ Việt Nam” tháng 12-2012…

Những năm gần đây, không ít người còn lầm tưởng Mai Hữu Phước là nhà báo khi anh trở thành cây bút chính, phụ trách chuyên mục Thầy thuốc của bạn cho Tạp chí Tài hoa trẻ, đăng nhiều bài nghiên cứu trên Tạp chí Y học thực hành, phối hợp với GS-TS. Hoàng Khánh, Phòng Đào tạo sau đại học, ĐH Y Dược Huế thực hiện, duy trì và quản lý trang web hỗ trợ học tập sau đại học ở địa chỉ http://caohocykhoa.wordpress.com. Ngoài ra, tên anh thỉnh thoảng vẫn xuất hiện trên một số tờ báo, tạp chí Trung ương và địa phương như Báo Văn Nghệ, Tạp chí Kiến thức Ngày nay, Thế Giới mới, Báo Công an Đà Nẵng, Báo Đà Nẵng, Báo Thừa Thiên Huế, Báo Quảng Nam…

“Về mặt nghề, tôi là người chữa bệnh thể xác với chức trách bác sĩ. Nhưng mặt nghiệp thì văn chương luôn là nỗi ám ảnh. Đó là món nợ cần phải được giải bày, trang trải. Hình như trời luôn đọa đày các thi sĩ. Ở họ, hầu như ai cũng từng có những tháng ngày tái tê nhất của cuộc đời. Riêng với tôi, “trời cho sao nhận vậy”. Trong những tháng ngày tái tê đó, thơ là Thiên thần cứu cánh. Những vần thơ như liều thuốc nhiệm màu xoa dịu nỗi đau tinh thần, nhờ đó mà giảm nỗi đau về thể xác. Mãi sau này tôi mới biết có câu thơ của một thi sĩ tiền bối mang ý nghĩa rất hay là khi con người vấp ngã biết vịn câu thơ mà đứng dậy. Xin cảm ơn thơ, vì tôi đã không ít hơn một lần vịn vào thơ mà tiến về phía trước”, BS. Mai Hữu Phước bày tỏ.

Tiểu Yến

;
.
.
.
.
.