.

Thiếu osin sau Tết

.

Dù đã hết Tết nhưng nhiều người giúp việc ở quê vẫn chưa trở lại thành phố, khiến không ít gia đình lúng túng.

Người giúp việc chưa lên nên nhiều bà mẹ phải xin nghỉ làm để ở nhà trông trẻ. (Ảnh mang tính minh họa)
Người giúp việc chưa lên nên nhiều bà mẹ phải xin nghỉ làm để ở nhà trông trẻ. (Ảnh mang tính minh họa)

Khổ đủ đường...

Mấy ngày nay, chị Nguyễn Ngọc Trinh (38 tuổi, ở đường Tôn Đức Thắng, quận Liên Chiểu) cứ sốt sắng khi người giúp việc im hơi lặng tiếng. Nhà cửa bề bộn, chồng đi làm, con nhỏ cứ đòi mẹ khiến chị không làm việc gì khác được. “Mình không dám phàn nàn mà chỉ năn nỉ cô ấy (người giúp việc - PV) ra sớm. Mình sợ cô ấy bỏ việc luôn. Bây giờ, tìm được một người giúp việc vừa ý, hiểu tính gia chủ đâu phải dễ”, chị Trinh tâm sự. Cả hai vợ chồng chị Trinh đi làm lại từ mồng 9. Vì vậy, chị đành nhờ mẹ lặn lội từ Quảng Nam ra trông cháu giúp vài ngày.

Trong khi đó, chị Trần Thị Thanh Thủy (33 tuổi, ở quận Sơn Trà) có hai đứa con nhỏ lại thêm mẹ già 85 tuổi, nên việc nhà cũng đều nhờ cậy vào osin. Con thứ hai của chị chỉ hơn một tuổi, lại kén ăn nên không thể gửi trẻ. Trước khi người giúp việc về quê đón Tết, chị Thủy lo quà cáp đầy đủ, bao cả tiền xe, nhưng đến bây giờ osin vẫn chẳng thấy tăm hơi đâu. “Mẹ tôi lớn tuổi nên tính hay quên, có hôm để hai bà cháu ở nhà, thì từ nhà trên tới nhà dưới nào bao nilon, đồ chơi, cháo vương vãi... Tôi bực bội gọi điện thoại cho người giúp việc thì cô ấy cứ vòng vo rằng nhà có việc bận chưa lên được”, chị Thủy cho biết.

Không thích làm thì nghỉ

Osin không chịu lên hay hẹn tới hẹn lui ngày trở lại làm việc cho chủ đã đành, không ít người giúp việc còn bỏ ngang công việc mà không một lời nhắn gửi gia chủ. Bà Hậu (60 tuổi, ở quận Hải Châu) phải chăm sóc con gái mới sinh nở nên mọi công việc nhà, cơm nước đều một tay osin lo. Nhưng mấy ngày sau Tết bà vẫn chưa thấy người giúp việc đâu, gọi điện thì số máy không liên lạc được nên bà đành thuê dịch vụ dọn nhà theo giờ với giá chẳng “mềm” chút nào. “Cô ấy (người giúp việc - PV) hứa mồng 6 có mặt, thế mà… Năm nào cũng vậy, cứ sau Tết là phải tất bật đi tìm osin khác vì những người trước đó thích nghỉ thì nghỉ, trong khi hợp đồng ký làm việc 2 năm”, bà Hậu bức xúc. Bà còn cho biết đây là lần thứ 3 bà phải tất bật tìm người làm mới sau Tết.

Chuyện osin “lặn” mất tăm sau Tết không còn là chuyện lạ, không ít người còn lợi dụng tình thế khó khăn của gia chủ để đòi tăng lương, tăng phí sinh hoạt. Nếu chủ không đồng ý thì coi như một đi không trở lại. Mặc dù lương trung bình của osin hiện khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/tháng, có nơi đến 4 triệu đồng. Khi nghỉ việc osin cũng chẳng mấy để tâm đến hợp đồng đã ký kết trước đó, còn chủ nhà vì ngại rắc rối nên đành ngậm ngùi đi tìm người khác.  

Bài và ảnh: BÌNH AN

;
.
.
.
.
.