.
48 năm quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng

48 năm quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng: Địa điểm đổ bộ chính xác ở đâu?

.

Chỉ cần gõ từ khóa “red beach Đà Nẵng” lên trang tìm kiếm Google, chỉ sau 0,3 giây cho 26.800 kết quả. Phần lớn là địa chỉ những website quảng bá du lịch Đà Nẵng, nơi có bãi biển Xuân Thiều mà trước kia người Mỹ gọi là Red Beach khi đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965, trực tiếp can thiệp quân sự vào Việt Nam. Thế nhưng địa điểm đổ bộ chính xác ở đâu, đến nay vẫn chưa ai xác định được.

Nhân chứng Phạm Lợi và Phạm Công Chi chỉ nơi quân Mỹ đổ bộ sáng 8-3-1965 thuộc xóm Bắc Ninh, khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh ngày nay.
Nhân chứng Phạm Lợi và Phạm Công Chi chỉ nơi quân Mỹ đổ bộ sáng 8-3-1965 thuộc xóm Bắc Ninh, khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh ngày nay.

Red Beach 2 thuộc bãi biển xóm Bắc Ninh?

Theo tư liệu từ cuốn sách trực tuyến “Thủy quân lục chiến Mỹ ở Việt Nam năm 1965“ xuất bản năm 1978 đăng trên website của Đại học Ohio, Mỹ (ehistory.osu.edu/osu/1965): Sáng ngày 8-3-1965, Lữ đoàn 9 viễn chinh Thủy quân lục chiến Mỹ - The 9th Marine Expeditionary Brigade (9MEB) - đổ bộ lên bãi biển Nam Ô, Đà Nẵng (mật hiệu của bãi đổ bộ - là Red Beach Two). Sau khi những “người nhái” làm sạch bãi đổ bộ, 1.400 thủy quân lục chiến Mỹ từ tàu “há mồm” LVTPs và LCM đạp sóng đổ bộ lên đầu cầu Read Beach Two. Đơn vị đổ bộ đầu tiên thuộc Tiểu đoàn 3/9 (Battalion Landing Team 3/9); Tiểu đoàn 2/9 trù bị trên tàu. Tiểu đoàn 3/9 tới bờ vào hồi 9 giờ 18 phút (giờ địa phương). Người đầu tiên đặt chân lên bãi cát Nam Ô là hạ sĩ Garry Powers. Trong cuốn sách trực tuyến này cung cấp một bản đồ ghi rõ địa điểm bãi đổ bộ Red Beach 2. Một số bức ảnh khác có chú thích liên quan đến Red Beach 2.

Phóng viên Báo Đà Nẵng đã gặp gỡ một số nhân chứng của sự kiện này. Ông Phan Văn Tải hiện ở phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu lúc đó thuộc lực lượng biệt động thành phố Đà Nẵng. Ông cho biết, buổi sáng quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng ông nhận lệnh của cấp trên hòa vào những người dân ra xem quân Mỹ đổ bộ để nắm tình hình thì thấy chúng đổ quân lên bờ tại một vệt bờ biển dài qua khu vực mà người dân địa phương gọi là Nam Ô, Xuân Thiều thuộc phường Hòa Hiệp Nam kéo dài qua xóm Bắc Ninh thuộc phường Hòa Minh ngày nay.

Ông Nguyễn Tiến, trú tại số 7 Ngô Chân Lưu, Phó trưởng ban Binh địch vận quận Nhì giai đoạn 1961-1968, cho biết ngày 8-3-1965, ông dùng xe gắn máy (hiện nay còn bộ khung lưu giữ tại nhà truyền thống tưởng niệm Mẹ Nhu-Mẹ Dũng sĩ Thanh Khê) đi từ nội thành về Xuân Thiều để nắm tình hình Mỹ đổ quân. Cuộc đổ bộ đạp sóng bằng tàu “há mồm” thật ra chỉ để duy trì một truyền thống thủy quân lục chiến Mỹ. Trên thực tế 3.500 thủy quân lục chiến đầu tiên của Lữ đoàn 9MEB đến Đà Nẵng bằng máy bay vận tải C130 đáp xuống sân bay Đà Nẵng hoặc các tàu vận tải cập vào cảng Tiên Sa.

Nhiều cụ cao niên ở xóm Bắc Ninh thuộc khu vực Hòa Phú, phường Hòa Minh, quận Liên Chiểu cho rằng địa điểm Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng nằm trong khu vực xưa kia người dân đặt tên địa danh là xóm Bắc Ninh, làng Hòa Phú, xã Hòa Minh. Bờ biển khu vực xóm Bắc Ninh, đoạn đường Nguyễn Tất Thành giao nhau với đường Nguyễn Sinh Sắc đến đường Nguyễn Chánh ngày nay.

Các ông Phạm Công Chi (78 tuổi), Phạm Lợi (72 tuổi) ở tổ 188 phường Hòa Minh kể: Đêm trước hôm quân Mỹ đổ bộ vào bờ biển, xóm Bắc Ninh có áp thấp nhiệt đới, gió to sóng lớn. Tối đó ông Chi cùng người em họ ra bãi biển nhặt gỗ trôi từ trên nguồn sông Cu Đê ra biển thì bị một toán lính Mỹ bảo vệ bãi đổ bộ bắt giữ đến trưa hôm sau mới thả ra sau khi xác định các ông không phải là quân đối phương đi thám thính. Ông Lợi kể sáng hôm Mỹ đổ quân, biển động, sóng lớn nên tới khoảng 9 giờ sáng mới thấy tàu lớn chạy vô gần bờ há miệng nhả xe thiết giáp lội nước cùng rất nhiều lính Mỹ vào bờ.

Cần có bia chứng tích lịch sử

Quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều có mật danh: Red Beach 2). (Nguồn: Tạp chí LIFE-Mỹ).
Quân Mỹ đổ bộ lên bãi biển Xuân Thiều có mật danh: Red Beach 2). (Nguồn: Tạp chí LIFE-Mỹ).

Theo ông Trần Công Khuê, Trưởng phòng Văn hóa-Thể thao quận Liên Chiểu, cần phải tổ chức một cuộc hội thảo khoa học để tổng hợp nhiều nguồn tư liệu trong và ngoài nước. Qua đó xác định vị trí quân Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng ngày 8-3-1965 để dựng bia chứng tích lịch sử. Tháng 4-2012, lãnh đạo UBND quận Liên Chiểu có công văn gửi lãnh đạo các cơ quan: Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Bộ Chỉ huy Quân sự thành phố Đà Nẵng, Bảo tàng Đà Nẵng và Hội Khoa học Lịch sử thành phố đề nghị hỗ trợ xác định tọa độ vị trí quân Mỹ đổ bộ vào Đà Nẵng ngày 8-3-1965 để xây dựng bia chứng tích lịch sử. Tuy nhiên, một năm đã trôi qua vẫn chưa có cơ quan nào phản hồi công văn của quận.

Ông Nguyễn Thanh Chương, Phó Chủ tịch UBND quận Liên Chiểu, khẳng định việc xây dựng bia chứng tích lịch sử nơi thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ vào bờ biển Đà Nẵng năm 1965 là cần thiết. Chứng tích này nhằm mục đích giáo dục thế hệ trẻ về lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ xâm lược của nhân dân ta, trong đó có lịch sử đấu tranh của quân và dân Quảng Nam-Đà Nẵng. Bia chứng tích lịch sử cũng là điểm giới thiệu địa danh nhằm thu hút khách du lịch.

Bài và ảnh: ĐOÀN SƠN

;
.
.
.
.
.