.

60 năm Đoàn ca: Ca khúc của nhiều thế hệ thanh niên

.

Ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác - bài ca chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ra đời cách đây tròn 60 năm (tháng 3-1953). Lúc đó, nhạc sĩ Hoàng Hòa chỉ 23 tuổi.

Theo nhạc sĩ, ông chọn bút danh Hoàng Hòa để ký dưới tên bài hát là bởi khi còn hoạt động ở vùng địch hậu Thái Bình, ông có 2 người bạn rất tâm đầu ý hợp đã từng vào sinh ra tử với nhau là cặp vợ chồng Hoàng Dương và Nguyễn Thị Hòa. Khi họ hy sinh, để tưởng nhớ những người đồng đội đã một thời nắm cơm chia đôi, gian khổ nếm cùng, ông đổi tên bạn thành tên mình và tự nhủ sẽ giữ tên họ ấy suốt đời.
 

Những ca từ và giai điệu trong ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác đã trở nên gần gũi trong nhiều thế hệ thanh niên, học sinh, sinh viên. Ca khúc vang lên trong những buổi lễ trang trọng và được hát ở bất kỳ nơi đâu có các bạn trẻ, từ những chương trình Mùa hè xanh cho tới những chuyến du lịch, dã ngoại. Sức sống mãnh liệt của bài hát có được ngoài ý nghĩa tự thân, còn bởi ca khúc này được chọn làm bài ca chính thức của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Người viết nên Đoàn ca ấy giờ bước qua tuổi bát thập. Từ năm 2009, nhạc sĩ Hoàng Hòa bị cơn tai biến nên thường xuyên phải làm bạn với chiếc xe lăn, trí nhớ không còn minh mẫn nữa. Có lúc ông sống tại ngôi nhà nằm sâu trong ngõ số 3 Hồ Xuân Hương (Hà Nội), lúc về nhà con cái.

Gia đình ông vẫn lưu giữ tập hồ sơ với những tâm sự của Hoàng Hòa khi ông còn trẻ, trí tuệ minh mẫn. Theo những tư liệu này, Hoàng Hòa không học trường lớp chính quy về âm nhạc. Ông tên thật là Cao Hy Vọng, sinh ngày 4-6-1930 tại Nam Trực, Nam Định. Năm 1945, ông tham gia công tác Đoàn, làm Bí thư Đoàn cơ sở ở Đông Quan (Thái Bình). Năm 19 tuổi, người thanh niên Cao Hy Vọng là Thường vụ Tỉnh Đoàn Thái Bình và đến khoảng năm 1953 được cử làm Bí thư Tỉnh Đoàn Thái Bình… Trước khi nghỉ hưu, năm 1990, ông là Trưởng ban Trường học của Trung ương Đoàn, đồng thời là Thư ký Hội Liên hiệp Sinh viên Việt Nam.

Bản in ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác.
Bản in ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác.

Theo tư liệu, nhạc sĩ Hoàng Hòa từng kể: “Vào một buổi sáng tháng 3-1953, tại khu du kích căn cứ Đông Hồ - Kỳ Anh (Thái Bình), tôi may mắn được đọc bài tường thuật chuyến đi thăm đơn vị Thanh niên xung phong Đông - Thất Khê của Bác Hồ trên Báo Cứu Quốc. Bác dặn thanh niên lúc này phải cố gắng làm tốt mọi việc và Bác tặng bài thơ:

“Không có việc gì khó
Chỉ sợ lòng không bền
Đào núi và lấp biển
Quyết chí ắt làm nên”.

Bài thơ đã mang lại cho tôi cảm xúc vô cùng đặc biệt. Tôi nghĩ ngay tới việc phải viết ngay bài hát truyền đạt lời Bác dạy cho thanh niên, động viên họ lên đường cứu quốc. Bác thường nói “Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công”. Cứ thế, nên tôi lấy câu đầu tiên “kết đoàn lại”, cảm xúc lên rất nhanh, từng tứ nhạc, từng câu cú cuộn chảy, nối nhau ra. Tôi viết một lèo mà không phải sửa gì, hoàn thành chỉ trong một buổi sáng. Trong 4 câu đầu, tôi dùng chùm 3 để miêu tả lớp lớp thanh niên hùng tráng. Sau đó là cao trào: “Không có việc gì khó/ Chỉ sợ lòng không bền/ Đào núi và lấp biển/ Quyết chí ắt làm nên”. Cao trào đó làm bài hát hoàn chỉnh, nói lên được thông điệp với thanh niên.

Buổi chiều, tôi hát thử cho anh em, mọi người thuộc ngay và hát rất khí thế. Chỉ bằng cách truyền miệng mà trong thời gian ngắn, bài hát được phổ biến khắp tỉnh Thái Bình và khu tả ngạn sông Hồng (Hưng Yên - Hải Dương - Hải Phòng). Tháng 10-1954, khi phổ biến bài hát cho đoàn quân tiến vào tiếp quản thủ đô, anh em gợi ý đổi chữ “kết đoàn lại” thành “kết liên lại” cho dễ hát. Tôi thích và dùng chữ “ắt” ở cuối bài - nguyên văn bài thơ của Bác, từ này thể hiện chí khí thanh niên rất mạnh, nhưng mọi người muốn đổi thành “cũng” cho dễ thuộc. Tôi “cũng” đồng ý vì bài hát phục vụ phong trào quần chúng, cần dễ hát dễ thuộc”.

Tuổi trẻ Việt Nam ngày càng trưởng thành qua các hoạt động Đoàn.  Trong ảnh: Đoàn viên, Thanh niên Sở  Tài nguyên và Môi trường trồng cây xanh tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. 										              	                     Ảnh: THANH TÌNH
Tuổi trẻ Việt Nam ngày càng trưởng thành qua các hoạt động Đoàn. Trong ảnh: Đoàn viên, Thanh niên Sở Tài nguyên và Môi trường trồng cây xanh tại xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang. Ảnh: THANH TÌNH

Tại hội nghị tập huấn của Trung ương Đoàn ở Đại Từ (Thái Nguyên), chuẩn bị tiếp quản thủ đô, ca khúc này đã được Bác Hồ khen ngợi. Bác còn tặng kẹo cho tác giả bài hát. Và ca khúc này cùng với bài hát Tiến về Hà Nội của nhạc sĩ Văn Cao được chọn để đồng bào hát vang khi năm cửa ô đón chào đoàn quân tiến về.

Trong tư liệu lưu trữ, trả lời câu hỏi: “Có phải nhạc sĩ được Bác Hồ tặng kẹo vì bài hát rất hay?”, nhạc sĩ Hoàng Hòa khẳng định: “Đúng vậy. Sau này tôi vẫn thường đùa đó là nhuận bút đầu tiên của tôi. Hôm đó, đoàn đại biểu Thái Bình dự hội nghị ở chiến khu Việt Bắc, ngày bế mạc hội nghị được vinh dự đón Bác đến thăm. Cuối buổi họp, Bác nói: “Bây giờ chúng ta tạm biệt được rồi nhé. Trước khi chia tay, chúng ta cùng hát một bài”. Bác lấy thanh kẹo đưa cho tôi và nói: “Thưởng cho bài hát đấy”. Lúc chia tay, Bác dặn: “Các cháu về làm và vận động thanh niên làm như lời bài hát các cháu đã hát”.

Tròn 60 năm kể từ lúc ra đời, ca khúc Thanh niên làm theo lời Bác đã đồng hành với nhiều thế hệ thanh niên Việt Nam. Tại Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ VI (tháng 10-1992), bài hát của nhạc sĩ Hoàng Hòa được chọn làm bài ca chính thức của Đoàn.

PHẠM HƯƠNG

;
.
.
.
.
.