Đến giờ, Đại tá, Anh hùng Lực lượng vũ trang Trần Kim Hùng (tổ 14, phường Vĩnh Trung, quận Thanh Khê) vẫn giữ bên mình những kỷ vật gắn bó suốt một thời đạn bom, từ chiếc áo vá của người mẹ già, đến cuốn hồi ký ghi lại những khoảnh khắc chân thật của người lính Cụ Hồ.
Ông Hùng bên tấm áo đã cũ sờn. |
Cuốn hồi ký ố vàng
Cuốn hồi ký ố vàng Lời thề báng súng được ông Trần Kim Hùng xem như báu vật. “Tôi muốn để lại cuốn hồi ký phòng khi về cõi vĩnh hằng, con cháu xem đây là bảo vật để tiếp tục đi theo chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh mà Đảng và nhân dân ta đã lựa chọn. Tôi viết hồi ký cũng là để trải nghiệm tấm lòng của cuộc đời gần 80 năm”, ông Hùng chia sẻ.
Ký ức chiến tranh hiện lên trong ông lúc này chỉ gói gọn bằng những từ “gian khổ, oanh liệt”. Năm 15 tuổi, chàng thiếu niên Kim Hùng tập tành làm cách mạng, theo các anh, các chú cướp chính quyền. Đến năm 18 tuổi, ông vận động 12 thanh niên khác cùng nhập ngũ. “Lúc đó chưa hiểu gì, chỉ cảm thấy làm cách mạng là làm cái gì đó thật đẹp, thật thiêng liêng. Sau này mới biết theo Đảng, theo Bác là sự lựa chọn đúng nên càng kiên định tới cùng”, ông nhớ lại.
9 năm đánh Pháp, 17 năm đánh Mỹ là khoảng thời gian để lại nhiều kỷ niệm nhất đối với ông Hùng. Lý tưởng của người chiến sĩ Cộng sản lúc ấy là khát vọng ấm no, hạnh phúc của mọi người dân Việt Nam, là độc lập dân tộc. 82 tuổi, 61 năm tuổi Đảng nhưng ông vẫn cảm thấy những điều mình đã làm, đã cống hiến vẫn chưa đủ. Ngay khi biết ông còn lưu giữ cuốn nhật ký ghi lại những khoảnh khắc trong cuộc đời cách mạng, một người bạn khuyên ông viết thành hồi ký, lưu lại làm tư liệu trực quan sống động để giáo dục truyền thống yêu nước đối với lớp trẻ. Hồi ký Lời thề báng súng chính thức ra mắt vào năm 2010. Cuốn sách được tặng bạn bè, đồng đội và các bạn trẻ, sinh viên trong những buổi giao lưu và là nguồn tư liệu quý giá cho công tác vận động tư tưởng của các ban, ngành ở Đà Nẵng.
Cuốn hồi ký được ông Hùng cất kỹ như báu vật. |
Tấm áo 15 miếng vá
Lấy từ trong tủ một gói nhỏ, bên trong có chiếc áo sờn rách, ông Hùng nói: “Đây là kỷ vật của mẹ, tôi cất giữ 26 năm nay. Hằng ngày, tôi đều nhắc nhở con cháu giặt phơi cẩn thận”. Ngày mẹ mất, ông khóc như một đứa trẻ. Ông ân hận vì lúc mẹ còn sống đã không có cơ hội chăm sóc, bù đắp cho mẹ.
Chiếc áo ấy đã theo mẹ suốt những năm tháng ba anh em ông xung phong nhập ngũ. Người anh đầu mất trong một trận càn quét lớn của địch, nỗi đau trong mẹ chưa nguôi thì ông rời gia đình theo cách mạng. Mẹ ông nói: “Con đi mấy bữa rồi về với mẹ nghe con”. Ông Hùng chỉ biết nói “dạ” để mẹ an lòng, nhưng một khi ra chiến trường thì biết hẹn ngày nào về. Ngày ông đi, mẹ mặc chiếc áo ấy đưa tiễn, bà bỏ vào ba lô cho ông hai cái quần đùi, hai cái áo cánh. Và ông cũng mặc những món đồ này suốt mấy mùa chiến dịch.
Trải qua chặng đường gian khổ với mưa bom, bão đạn, ông Hùng trở về an toàn nhưng mẹ ông đã già đi, sức cùng lực kiệt. Ông chỉ có thể chăm sóc mẹ vài năm thì bà ra đi vĩnh viễn. Giữ lại tấm áo cũ với những miếng vá chằng chịt của mẹ, ông như được thấy mẹ, ôm mẹ vào lòng hằng ngày.
Hơn 20 năm qua, Đại tá Trần Kim Hùng dành dụm, tiết kiệm lương hưu để thực hiện ước vọng hoàn thành lời hứa của mình với đồng đội: “Hết chiến tranh, nếu còn sống tôi sẽ đón các đồng chí về”. Mang tâm nguyện đó, ông cùng các đồng đội vượt đèo lội suối để quy tập được hơn 300 ngôi mộ liệt sĩ. |
Bài và ảnh: KIM NGÂN