.

Bước ra từ bóng tối

.

Anh như một con ngựa bất kham dù đã 2 lần vào tù, được cảm hóa, giáo dục. Chỉ đến lần thứ ba anh mới tỉnh ngộ.

Để chuộc lại lỗi lầm, anh Lê Xuân Hiệp không chỉ phấn đấu trở thành người tốt mà còn tích cực tham gia lực lượng dân phòng địa phương.

Lê Xuân Hiệp (giữa) trao đổi công việc với lực lượng Công an phường.
Lê Xuân Hiệp (giữa) trao đổi công việc với lực lượng Công an phường.

3 lần “xộ khám”

Trong chiếc áo dân phòng cơ động, anh Hiệp (đội viên dân phòng cơ động, phường Hòa Hiệp Nam, quận Liên Chiểu) trông thật hiền. Ít ai biết người đàn ông 45 tuổi này từng có quá khứ “bất hảo”. Anh kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nghèo, bố mẹ không có công việc ổn định. Thiếu sự quan tâm, chăm sóc của người thân, tôi thường xuyên tụ tập bạn bè ăn chơi, nhậu nhẹt, đặc biệt là thích kết bạn với những thanh niên xấu ở địa phương. Lười làm, ham chơi nhưng muốn có thật nhiều tiền, tôi nghĩ đủ cách để kiếm tiền. Và cách kiếm tiền mà tôi cho là nhanh nhất là đi lừa của người khác”.

Năm 1993, Hiệp tham gia lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác, bị TAND huyện Hòa Vang xử phạt 2 năm tù giam. Ra tù, Hiệp lại dấn thân vào con đường tội lỗi, tham gia lừa đảo xe máy của bạn và bị TAND thành phố tuyên phạt 5 năm tù giam.

Ra tù lần thứ hai, Hiệp nghe lời khuyên của người thân nên lấy vợ. Tuy nhiên, không chịu được cuộc sống khó khăn, năm 2005, Hiệp tiếp tục lừa đảo, trộm cắp tài sản để có tiền tiêu xài, tụ tập bạn bè nhậu nhẹt.

Ngày Hiệp bị TAND quận Liên Chiểu đưa ra xét xử lưu động, vợ anh mới sinh con gái chưa đầy một tháng. Bồng con đến dự phiên tòa, chị Hòa Thị Kim Ánh không cầm được nước mắt. Giờ tòa nghị án, chị Ánh khuyên: “Anh ơi, đã 3 lần rồi. Anh hãy thương vợ, thương con”. Hiệp òa khóc ân hận: “Lần này ra tù, anh sẽ tu chí làm ăn, sẽ chăm sóc vợ con...”. Những ngày chị Ánh bồng con lên thăm chồng, nỗi ân hận trong Hiệp tăng lên.

Trả nợ cuộc đời

“Ra tù lần thứ ba, tôi mới thấm thía cuộc đời. Gia đình, người thân phải gánh điều tai tiếng. Tôi bị miệt thị là thằng tù. Hối hận lắm”, Hiệp nhớ lại. Hiệp quyết tâm làm lại cuộc đời mình dù lúc đó đã 40 tuổi.

Để tiếp sức cho Hiệp, Cảnh sát khu vực Công an phường Hòa Hiệp Nam thường xuyên đến nhà động viên, định hướng cho anh về công việc và nhập lại hộ khẩu, làm giấy CMND, trả lại quyền công dân cho anh. Hiệp thật sự tỉnh ngộ, tu chí làm ăn để chăm lo cho vợ con. “Tôi đã làm khổ gia đình, vợ con quá nhiều rồi”, Hiệp nói.

Song, anh nghĩ, mình tốt rồi vẫn chưa đủ mà phải làm gì đó để trả nợ cuộc đời. Và công việc mà Hiệp chọn là tham gia vào lực lượng dân phòng cơ động của phường. “Nếu trước đây Hiệp chơi bời, lêu lổng bao nhiêu thì nay anh tham gia công việc bảo vệ an ninh trật tự tích cực bấy nhiêu”, một sĩ quan Công an phường Hòa Hiệp Nam nhận xét như vậy.

Hằng đêm, Hiệp tham gia tuần tra bảo vệ an ninh trật tự ở địa phương. Bước chân anh đi khắp ngõ hẻm để bảo vệ cuộc sống yên bình cho dân. Còn ban ngày, trừ những lúc mưu sinh, thời gian còn lại, hễ Công an gọi là anh có mặt.

“Anh Hiệp đã xóa được hình ảnh xấu trong mắt nhân dân vì biết nhận thức được lỗi lầm. Đánh kẻ chạy đi, không ai đánh người chạy lại”, Trung tá Nguyễn Văn Quân, Phó trưởng Công an phường Hòa Hiệp Nam nhận xét.

Bài và ảnh: NGỌC PHÚ

;
.
.
.
.
.